Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ - Alan Dawson - Phần 1

Lời dẫn: 39 năm đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975 lịch sử. Với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, thế hệ trẻ chúng ta hôm nay có rất nhiều điều kiện thuận lợi để tìm hiểu về sự thật những trang lịch sử hào hùng của dân tộc. Ngoài những trang sách giáo khoa được học tập trong trường phổ thông hay ở giảng đường đại học; ngoài những trang hồi ký cả các vị tướng lĩnh cách mạng, chẳng có ai cấm cản chúng ta tìm đọc những cuốn sách, những bài báo của những người ở bên kia chiến tuyến.
Dịp 30/4 năm ngoái, Google.tienlang đã đăng toàn văn cuốn sách "55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ" của Alan Dawson. Tiếc rằng blog cũ của chúng tôi đã bị chiếm đoạt. Kỷ niệm ngày Giải phóng Sài Gòn năm nay, chúng tôi xin đăng lại cuốn sách này...
************
 ************

Vài lời của tác giả
Quyển sách này viết dựa trên sự việc thật. Cách giải thích sự kiện là của riêng tôi.
Tôi đã tự tiện trong hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là cách dùng tên. Nhiều người Nam Việt Nam trong phe chiến bại yêu cầu tôi đừng dùng tên thật của họ trong các bản tin sau “ngày giải phóng”. Điều ấy tôi không làm ở đây. Các viên chức và chiến sĩ cộng sản và viên chức cao cấp Sài Gòn đều được ghi bằng tên thật của họ.
Trường hợp tự tiện thứ hai là trong một số hoàn cảnh cần phải cô lại các sự kiện đã diên ra ở một nơi nào đó và phải cho chúng diễn ra với một nhân vật. Binh nhì Đức của thuỷ quân lục chiến là trường hợp điển hình. Mọi sự kiện, thời gian đều đúng nhưng đôi khi không diễn ra với Đức.
Sẽ có những người trong chính quyền mới ở Nam Việt Nam tức giận về những từ ngữ dùng trong sách. Tôi đã sử dụng cách nói thông thường của báo chí. Tôi biết từ Việt Cộng, cộng sản… làm họ khó chịu. Nhưng đấy là cách mà thế giới hiểu về họ.
Alan Dawson
**************
Hoả tốc…
Chính phủ Sài Gòn đầu hàng
Trong nghề đưa tin, một bức điện hoả tốc là lời thỉnh cầu hành động. Nó cắt ngang bất kỳ một bản tin nào đang chyển trên máy têlêtip. Chuông của máy reo mười lần, một dấu hiệu làm thót bụng phòng nhận tin ở bất cứ nước nào trên thế giới. Điện hoả tốc không phải là một bản tin. Nó là một đầu đề, chỉ có vài chữ báo hiệu một sự kiện trọng đại. Cuộc ám sát một tổng thống Mỹ được xếp loại tin hoả tốc. Và lúc kết thúc chiến tranh Việt Nam cũng vậy.
Khi Dương Văn Minh đang nói, phóng viên UPI đánh máy ngay một điện hoả tốc và trao nó cho nhân viên điều khiển máy têlêtíp. 40 giây sau, chuông của 7.500 máy têlêtip vòng quanh thế giới reo lên 10 lần. Đám đông tụ tập lại trước mỗi máy và đây là cái họ đọc được:
“ZCZC VHAO 25 NXI
Hoả tốc…
Sài Gòn-Chính phủ Sài Gòn đầu hàng.
NTL 1021 Sáng”.
Một điện hoả tốc luôn luôn được lặp lại để tránh trường hợp bị nhẫm lẫn hoặc giả mạo. Sau đó 60 giây là một bản tin, như sau:
“ZCZ NNN
Bản tin…
Hoà bình-30/4
của Alan Dawson
Sài Gòn-30 tháng 4 (UPI) Tổng thống Dương Văn Minh hôm nay ra thông báo Nam Việt Nam đầu hàng và ra lệnh binh sĩ thuộc chính quyền ngừng chiến đấu.
NTL 1022 Sáng”.
Nỗi kinh hoàng bị kiềm chế trong bản tin giật gân nhất của thập kỷ... Lẽ tất nhiên hầu hết phản ứng ở Sài Gòn khác nhau khi dân chúng chuẩn bị sẵn sàng để đón sự kết thúc. Trong vòng 30 phút tiếng súng lẻ tẻ trên đường phố biến mất. Phần lớn tiếng súng ở khu phố trung tâm là bắn chỉ thiên của kẻ cướp uy hiếp nạn nhân hoặc của những người đuổi theo bọn cướp giật. Bản thân bọn cướp cũng phải vét mẻ cuối cùng và đi thẳng về nhà.
Các cửa thường và cửa sắt đều được khóa lại. Ngay cả những chủ tiệm và chủ nhà hàng người Pháp ở Sài Gòn cũng đem bàn ghế vào nhà. Im lặng bao trùm thành phố.
Tại Cần Thơ, tướng ba sao Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh quân đoàn 4 và đồng bằng sông Cửu Long cuối cùng phải nhận và mất hết cả rồi khi ông ta nghe bản tin phát thanh của Minh. Chiến trường vùng châu thổ ít sôi động trong suốt cuộc tiến công. Bắc Việt Nam chọn lối đánh chớp nhoáng từ Tây sang Đông và tiến từ Bắc xuống Nam, tới tận Sài Gòn. Trong vòng 30 phút sau bài diễn văn của Minh và lệnh đầu hàng, Nam đã đưa khẩu súng ngắn “côn 45” vào miệng rồi bóp cò và chết ngay tức khắc.
Những người lính dù, biệt động quân chiến bại, cay đắng từ phía Bắc và phía Tây vào thành phố. Họ nổi giận, dù không tỏ vẻ kinh hoàng, sẵn sàng cướp giật và trong nhiều trường hợp, sẵn sàng giết người nước ngoài. Thái độ họ bắt đầu thay đổi, phần lớn muốn vứt bỏ tất cả dấu vết có dính líu đến quân đội.  






Trên một phố chính của Sài Gòn, đường Tự Do nơi mà trong nhiều năm qua lính Mỹ đã chật ních trong các quán rượu và tiệm ăn, binh sĩ cởi quân phục và lập tức trở thành thường dân. Nửa tá lính nhảy dù cởi bộ đồ trận rằn ri của họ, ném súng và đạn xuống đất rồi chạy trốn đến nơi nào chẳng ai biết được. Quần áo dân sự bấy nay cất kín trong ba lô, lúc này là thời điểm dùng đến. Cho nên, khi đến nơi, quân đội Bắc Việt Nam đã nhận thấy ít binh sĩ mặc quân phục ra đầu hàng.
Như thường lệ, cảnh sát vẫn đi trước binh sĩ trong việc bỏ nhiệm sở. Tại một số bót cảnh sát đã có cờ trắng. Sĩ quan cảnh sát hút xăng ra khỏi các xe Jeeps đổ vào xe gắn máy của họ, rồi về nhà. Cảnh sát luôn luôn có áo quần dân sự để thay đổi.
Trong im lặng, Sài Gòn chờ đợi những người cầm quyền mới, trừ một bộ phận dân chúng và Việt Cộng nằm vùng đang sung sướng tưởng có thể phát điên.
Tại “Dinh Độc Lập”, trong lúc chờ đợi đầu hàng, Minh lớn có vẻ ủ rũ, trầm ngâm và hai má hóp lại. Những người thân tín của Minh cũng thế. Những chiếc xe tăng Bắc Việt Nam xuất hiện và phá toang cổng dinh. 


Mấy người lính cộng sản tìm thấy cầu thang lên bao lơn sân thượng,lột bỏ lá cờ vàng sọc đỏ của “Việt Nam Cộng hoà” và kéo lên thay bằng lá cờ xanh đỏ sao vàng của Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Họ kéo vào văn phòng mà ngày trước Thiệu sử dụng. Họ ngồi xuống ghế. Một người trong số đó đặt hai chân lên bàn làm việc của người tổng thống cũ-dấu hiệu tột cùng của sự khinh bỉ-và để một nhà nhiếp ảnh chụp hình. 

Tướng Hạnh cũng bàn giao Bộ tổng tham mưu và dẫn lấy người đại uý Việt Cộng đến “giải phóng” toà nhà. Khoảng ba tá lính bảo vệ còn lại ở dinh được lệnh sắp hàng bên trong đội hình của xe tăng Bắc Việt Nam. Họ được chỉ dẫn đưa vũ khí lên không trung, kéo khoá an toàn và bóp cò. Một cách tượng trung, đó là những phát súng cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam.

Mở màn
Trụ sở cơ quan tình báo trung ương Nam Việt Nam được đặt tại bờ sông Sài Gòn, cùng một phía với Bộ tư lệnh hải quân. Từ các cửa sở của nó, người ta có thể nhìn thấy một quảng trường lớn, với một pho tượng đồ sộ, tượng Trần Hưng Đạo, “Thánh tổ” của hải quân Nam Việt Nam.
Trong 5 năm, trung sĩ lục quân Lê Tăng đã làm việc tại một số phòng thuộc loại bí mật nhất của Phủ đặc uỷ trung ương tình báo. Những phòng này được canh giữ nghiêm mật bởi những lính quân cảnh hoàn toàn tin cậy.
Một trong những công việc của trung sĩ Tăng là chọn lọc báo cáo của các nhân viên tình báo chiến trường và các đội quân dã chiến. Anh ta cùng với một số ít chuyên viên tình báo khác chọn lọc báo cáo, cố gắng phân biệt tin thật với tin giả, nhận ra những cuộc chuyển quân của Việt Cộng và Bắc Việt Nam qua lại trong 44 tỉnh của Nam Việt Nam. Có giá trị hơn hết bất cứ loại tin tình báo nào khác mà các viên chức Sài Gòn nắm trong tay, những tin tức chuyển quân chính là dấu hiệu để đoán xem cộng sản sẽ tấn công ở nơi nào và đôi khi đoán được cả vào lúc nào.
Phạm vi chuyên môn của trung sĩ Tăng là vùng Sài Gòn, nhưng đến cuối tháng 1-1975, anh ta nắm luôn công việc đánh dấu trên sơ đồ sự chuyển quân của Bắc Việt Nam ở vùng Tây Nguyên, cách Sài Gòn hơn 200 dặm.


Bản đồ dưới hầm ngầm dinh Độc Lập.
Tăng và các nhà phân tích báo cáo từ nhiều nguồn tin khác nhau trên nguyên tắc-và ngay cả cấp trên họ-không được biết xuất xứ. Giống như tình báo CIA Mỹ, tình báo Nam Việt Nam cũng chỉ phân phối tin tức một cách rất hạn chế. Tăng có được báo cáo và không cần biết nguồn tin. Nhưng trải qua nhiều năm, anh ta đã đoán được xuất xứ của báo cáo, bằng cách học được lối nhận ra một số mật danh, mật hiệu và cách hành văn, đoán xem báo cáo là của nhân viên tình báo hay của những người chỉ huy các toán quân.
Một việc không bình thường đã xảy ra trong bộ phận của Tăng vào đầu tháng 2-1975 là trên bàn làm việc của anh ta bắt đầu xuất hiện những báo cáo tình báo không đi qua hệ thống chuyển tin thường lệ. Lần lượt, nội dung những báo cáo này đã được dùng để thiết lập bản đồ tác chiến trong phủ tình báo rồi sau đó ở Bộ tổng tham mưu, dinh tổng thống, các cơ sở chỉ huy quân đoàn, đại sứ quán Mỹ và sở chỉ huy quân đội Hao Kỳ. Người ta còn nói rằng cả ở Lầu Năm Góc và Nhà Trắng nữa.
Những bản đồ ấy mà chúng ta có thể gọi là bản đồ của Tăng, bởi vì chúng hoàn toàn là sản phẩm của Tăng, cho thấy cộng sản tập trung số quân khổng lồ xung quanh Pleiku và Kontum, hai thành phố cách nhau 20 dặm và cách Sài Gòn 250 dặm về phía Bắc trên vùng Tây Nguyên.
Không ai đặt vấn đề với những bản đồ của Tăng. Anh ta là một chuyên viên và là nhà phân tích có uy tín cao. Xét cho cùng, Tăng chỉ lập bản đồ theo các tài liệu trên bàn làm việc của mình và theo những hồ sơ mật vốn xuất xứ từ báo cáo ở chiến trường.
Trong cách cư xử, trung sĩ Tăng chẳng qua chỉ là một binh sĩ Sài Gòn như mọi người khác, chống cộng một cách ôn hoà, một người không đặc biệt nổi bật trừ công việc anh ta làm và năng lực trí tuệ trên mức trung bình. Do sự thông minh ấy, Tăng được trọng dụng. Không có hoạt động quân sự nào lớn xung quanh Kontum và Pleiku vào đầu năm 1975. Nó tập trung xa hẳn về phía Nam, xung quanh thị xã Buôn Ma Thuột. Những báo cáo của trung sĩ Tăng và các bản đồ từ đó mà vẽ ra đều là tài liệu giả.
Ngày 28-4, trung sĩ Tăng không đến làm việc tại phủ đặc uỷ. Cấp trên của anh ta cũng đang lo sợ trong giờ phút Sài Gòn hấp hối, không chú ý đến sự vắng mặt này. Thực tế phần lớn trong bọn họ cũng không ngồi tại bàn làm việc hôm ấy, mà đã ở Guam hoặc Philippin.
Tăng xuất hiện trở lại trong buổi sáng 30-4- “ngày giải phóng”. Suốt 72 giờ sau đó, anh ta đã hướng dẫn các đơn vị quân đội Bắc Việt Nam, chỉ cho họ thấy các cơ sở chủ chốt, các khu cư xá cần được lục soát hoặc cần được canh giữ. Ngày 3-5, đại uý Lê Tăng của lực lượng vũ trang giải phóng nhân dân thuộc Cộng hoà miền Nam Việt Nam lên nắm quyền chỉ huy tiểu đoàn tình báo quân cảnh mà anh đã bí mật làm việc với họ trong hơn 3 năm qua.
Trong khi đó, quân đội Sài Gòn tan rã từng mảng. Có nhiều người nói rằng nó chưa bao giờ được kết lại thành một khối vững chắc cả. Người Mỹ cũng tranh cãi với nhau xem ai là kẻ chịu trách nhiệm về sự tồi tệ của quân đội ấy? Cốt lõi của quân đội Sài Gòn vào năm 1954 là lực lượng Việt Nam thân Pháp được gom lại ở Nam Việt Nam khi lực lượng của ông Hồ Chí Minh tiếp quản Hà Nội. Lúc ấy có những người Mỹ-nổi bật là đại tá Ed.Lansdale-một bóng ma trọn vẹn-vẫn nghĩ rằng quân đội Sài Gòn nên phân nhỏ và cơ động. Họ lập luận rằng, quân đội này nên được huấn luyện kỹ về chiến thuật chống du kích, chống nổi dậy, bởi vì đối thủ của họ-ít ra cho đến thập kỷ 60-vẫn gồm phần lớn là du kích Việt Minh và cán bộ chính trị nằm lại ở Nam Việt Nam.

Edward Landsdale - Một người Mỹ trầm lặng và...

...hồ sơ nhân sự tại CIA.
Nhưng vì những lý do sai lầm, quân đội Sài Gòn buộc phải trở thành một đội quân lớn, thiếu cơ động và huấn luyện tồi. Nó được trang bị loại vũ khí đúng là tốt nhất ở Đông Nam Á, đặc biệt từ ngày Mỹ bắt đầu rút quân-ngày 10-7-1969, nhưng các sĩ quan của nó thường không thể sử dụng những vũ khí này, còn các binh sĩ thì không đủ sức bảo quản chúng.
Khi Mỹ nắm lấy các nỗ lực chiến tranh tại Việt Nam và bắt đầu “cố vấn” trực tiếp quân đội Sài Gòn thì những người chủ trương một quân đội nhỏ, được huấn luyện cao về kỹ thuật chống du kích đã đi vào lãng
quên và phần lớn không được đả động đến. Với họ, cái cần thiết là một đội quân lớn được trang bị đầy đủ đối phó với sự xâm lược ào ạt qua khu phi quân sự như từng diễn ra ở Triều Tiên năm 1950.
Thế là quân đội Sài Gòn ngày càng trở nên to lớn hơn. Đến năm 1975, trên giấy tờ, đội quân đã tới hơn 1 triệu người. Nó tỏ ra hoàn toàn không có khả năng đối phó với quân du kích của thời kỳ 12 và 15 năm trước. Không ai chịu nhìn nhận một sự thật nữa là nó còn bất lực trong việc đối phó với những cuộc tấn công bằng quân chủ lực. Chính những sĩ quan Mỹ cho rằng chỉ có không lực Hoa Kỳ mới cứu nổi Nam Việt Nam khỏi thất bại năm 1972 lại thường nói rằng quân đội Sài Gòn đã chuyển mình một cách mầu nhiệm và bí hiểm thành một lực lượng chiến đấu có hiệu quả.
Điều rõ ràng là quân đội Sài Gòn trở thành bộ phận chính trong hệ thống cấp bậc của chính quyền Nam Việt Nam. Trừ Diệm không phải là tướng, khi Thiệu lên nắm chính quyền thì đã là tướng ba sao. Bề ngoài Thiệu bỏ cấp bậc của mình nhưng cơ cấu quyền lực và hậu thuẫn cho Thiệu đều bắt nguồn trực tiếp từ quân đội.
Điều mà ít người Mỹ và Nam Việt Nam phát hiện được vào tháng 3-1975 là tinh thần quân đội Sài Gòn đang tan rã. Đội quân này trang bị vũ khí tốt hơn bất kỳ nước châu Á nào khác, có nhiều máy bay chiến đấu hơn bất kỳ chính quyền chư hầu nào khác trên thế giới, có nhiều đạn dược, xăng dầu, quân cụ, xe cộ và lương thực hơn hầu hết các quân đội trên thế giới. Nó chỉ thiếu mỗi một điều thôi. Một người Mỹ nói với một binh sĩ Sài Gòn rằng: “Chúng tôi đã cho anh mọi thứ anh cần, trừ sự dũng cảm. Chỉ tại anh không có thứ ấy”. Không có thứ ấy vì binh lính thiếu ý muốn chiến đấu.
 Việc người lính biết họ chiến đấu chống lại cái gì là rất quan trọng. Người lính Nam Việt Nam đều nói là họ “chống cộng” nhưng điều ấy lại không phải là niềm tin. Từ trong tiềm thức, họ đã tự hỏi mình chiến đấu cho cái gì đây? Câu trả lời là cho sự tiếp tục tồn tại của chế độ hiện tại-một chế độ ngày càng tham nhũng, ngày càng có sự cách biệt giữa kẻ giàu và người nghèo và nạn lạm phát. Một số ít muốn chiến đấu để sống khá hơn. Những kẻ sống khá giả thì lại hướng về cuộc sống không chiến đấu. Con trai, con gái và con rể của Thiệu đều ra nước ngoài du học. Nếu có viên tướng Nam Việt Nam nào lại có con trong quân đội thì điều đó không được biết công khai.
Ngược lại, người lính cộng sản biết họ đang chiến đấu cho cái gì: để “giải phóng” đồng bào bị áp bức ở miền Nam và để xây dựng sự nghiệp cách mạng. Hỏi một chiến sĩ Bắc Việt Nam sau khi cuộc chiến tranh chấm dứt:
-“Anh có mừng khi chiến tranh chấm dứt để giờ đây anh có thể trở về nhà được không?’
-“Tôi rất mừng khi chiến tranh chấm dứt!-Anh ta trả lời-Nhưng đây mới chỉ là một giai đoạn cách mạng. Chúng tôi còn nhiều công việc trước khi có thể trở về nhà!”. Người Bắc Việt Nam được uốn nắn bằng những mục tiêu quyện vào nhau chặt chẽ: “Giải phóng miền Nam, đuổi Mỹ khỏi đất nước, xây dựng Việt Nam thành một nước cộng sản thống nhất”.

Tháng 1-1975, một bước phát triển không được làm rùm beng ở nước ngoài, nhưng lại được truyền miệng trong khắp hàng ngũ cấp dưới của quân đội Sài Gòn lúc bấy giờ. Nó chính lại là một trong những cái đinh cuối cùng đóng lên chiếc quan tài của quân đội Sài Gòn. Việc đó xảy ra ở thị trấn Phước Bình, thành phố chính của tỉnh Phước Long, nơi được cộng sản chọn làm chỗ thử cho cuộc tiến công năm 1975 của họ. Phước Bình rơi vào tay cộng sản thành cái chìa khóa mở ra sự sụp đổ cuối cùng của Nam Việt Nam không đầy 4 tháng sau đó.
Phước Bình không có lính chính quy đóng giữ. Khi bị tấn công, các tướng của quân đội Sài Gòn chờ đợi cùng với Thiệu, con người luôn đòi cho được tiếng nói sau cùng trong bất kỳ cuộc giao tranh quân sự  quan trọng nào. Người ta chẳng làm vì cả. Đấy là một sự thật khó tin, nhưng đã làm suy sụp toàn bộ tinh thần quân đội Sài Gòn.
Phản ứng của Mỹ là đáng kinh ngạc. Trên thực tế người Mỹ chẳng làm gì khi mất Phước Bình. Chính quyền Mỹ bị buộc phải nói công khai rằng người Mỹ sẽ không bao giờ trở lại cuộc chiến ở Nam Việt Nam dù trên đất liền, trên biển, trên không, trong bất cứ tình huống nào. Khi Hoa Kỳ chỉ chấp nhận chiến đấu ở Việt Nam năm 1975 bằng lời nói chứ không phải bằng súng đạn thì niềm vui tràn ngập ở Hà Nội.


Tiến công Phước Long.
Nguyễn Văn Thiệu theo dõi diễn biến trận đánh Buôn Ma Thuột từ văn phòng mình trong dinh Độc Lập, một toà nhà hình hộp nằm trên một nền đất rộng lớn, cách toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn hai khu phố. Dinh do Ngô Đình Diệm xây vào những năm 60 bằng tiền của Mỹ, nhưng Diệm không sống nổi đến lúc dinh được hoàn thành.
Nằm gần trên cùng trong đống hồ sơ “lưu” của Thiệu là một kế hoạch được các nhà vạch kế hoạch trong Bộ tổng tham mưu trình lên vào tháng giêng để đối phó với những bất ngờ. Về thực chất, nó kêu gọi rút quân trên phần lớn đất nước để đội quân trên 1 triệu người của Sài Gòn có thể bảo vệ những khu vực đông dân.
Kế hoạch kêu gọi một cuộc rút lui toàn bộ ra khỏi hầu hết Tây Nguyên, một khu vực từ Bắc Buôn Ma Thuột trùm lên phía Tây của Nam Việt Nam. Các đại tá vạch kế hoạch và các tướng lĩnh phê chuẩn nó nói rằng trong địa thế hiểm trở, không thể nào phòng thủ được trước bất kỳ cuộc tập trung quy mô lớn nào của quân cộng sản. Cuộc tập trung ấy rõ ràng đang được tiến hành vào đầu năm 1975.
Theo các nhà vạch kế hoạch, phải rút khỏi những vùng thưa dân. Nếu cuộc rút lui được tổ chức tốt, được giữ bí mật để trong vài ngày có thể di chuyển cả quân đội lẫn dân chúng cư ngụ trong thành phố thì có thể chyển sang ngăn chặn bước tiên của cộng sản vào các vùng đồng bằng duyên hải quan trọng hơn.
Khi kế hoạch trình lên hồi tháng giêng. Thiệu đã xem xét một cách nghiêm chỉnh, xếp nó vào hồ sơ vì lập trường không lay chuyển của Thiệu là không bỏ một tấc đất đã chiếm giữ. Nhưng kế hoạch lại có lý đến nỗi Thiệu không thể bác bỏ thẳng thừng được, nên đã giữ nó trong tay theo đúng tính chất của nó-một kế hoạch để đối phó với những sự bất ngờ. Vấn đề là khi sự bất ngờ đã xảy ra thì Thiệu chẳng còn đủ sức thực hiện kế hoạch như đã vạch ra nữa.
Thiệu có thể quan sát biến cố Buôn Ma Thuột nhờ vào hệ thống thông tin liên lạc tương đối tinh vi được lắp đặt trong dinh Độc Lập. Đại tá E.Lansdale, con người của Bộ quốc phòng-CIA-Bộ ngoại giao Mỹ đã cho lắp đặt hệ thống này từ năm 1955. Nó đi song song nhưng không lệ thuộc vào hệ thống truyền tin quân sự Nam Việt Nam. Trải qua nhiều năm, hệ thống thông tin liên lạc được hoàn chỉnh, cải tiến càng hiện đại.
Cho đến khi mất Buôn Ma Thuột, Thiệu vẫn có thể nói chuyện thẳng với các sĩ quan chiến trường. Trong khi các quân sư của tổng thống tung tin rằng cộng sản đang bị đẩy lùi bởi những cuộc phản công thì Thiệu lại biết những điều khác hẳn. Trong hoàn cảnh khó khăn, Thiệu quan sát bản đồ tình huống trong văn phòng của mình và không thích gì những điều trong văn phòng của mình và không thích gì những điều đang diễn ra trước mặt. Thậm chí Thiệu cũng chẳng biết rằng, các bản đồ đang lừa dối mình, vì lực lượng tình báo Sài Gòn đã không biết và hiểu biết sai lạc do trung sĩ Tăng và những Việt Cộng xâm nhập khác đánh lừa.
 Cái mà Thiệu không biết và do đó nước cờ sắp tới của tổng thống trở thành quyết định trọng yếu và độc nhất dẫn tới việc mất toàn bộ Nam Việt Nam là: bộ đội cộng sản không thực sự ở tại nơi mà bản đồ chỉ ra nó. Những người lính Bắc Việt Nam mà người ta tưởng rằng đang ở xung quanh Pleiku, trên thực tế lại đang chiến đấu hay chờ lệnh tấn công ở nam Buôn Ma Thuột.
Một lý do chính về sự đổ vỡ trong hệ thống tình báo là quân đội Sài Gòn chẳng còn chú ý gì đến công tác thu lượm tin tức tình báo. Dù thế nào thì họ vẫn chưa bao giờ làm đủ các cuộc do thám tầm xa. Khi các toán trinh sát của Mỹ ra đi trong những năm 1969-1970, quân đội Sài Gòn không đủ sức lấp lỗ trống sinh tử này.


Đại sứ Martin, Kissinger, tướng Wymand và tổng thống Ford bàn về tình hình VNCH.
Vào khoảng thời gian mà những lá cờ xanh đỏ sao vàng được kéo lên trong các vùng Việt Cộng vừa chiếm được ở Buôn Ma Thuột ngày 12-3, thì Thiệu đang quyết định nước cờ định mệnh. Theo như người ta được biết, Thiệu không thảo luận với ai cả và cũng đã không trao đổi ý kiến cả với người Mỹ.
Đại sứ Hoa Kỳ G.Martin lúc ấy lại không ở tại Sài Gòn. Ông ta đang kéo dài kỳ nghỉ vốn đã quá dài nằm tại nhà ở bang Bắc Carolina trong lúc Thiệu muốn nói chuyện với ông ta. Vì Thiệu không tin người Mỹ nào khác ngoài Martin lúc đó,thành ra khi Thiệu cần một cái vai Mỹ để dựa thì đại diện của Washington lại không ở cạnh đó.
W.Lehmann ngồi làm việc khuya tại văn phòng của mình ở Sài Gòn, tạm thay thế cho đại sứ Martin đang vắng mặt quá lâu trong kỳ nghỉ phép, đang gặp rắc rối về vụ một viên chức Mỹ là Struharick đang bị mắc kẹt ở Buôn Ma Thuột. Một viên chức Mỹ bị bắt sẽ gây rắc rối thế nào cho Hoa Kỳ? Đáng lẽ Mỹ đã phải nằm ngoài cuộc chiến tranh Việt Nam. Các bức điện ngắn đầy hốt hoảng từ Bộ ngoại giao và Nhà Trắng thông báo cho Lehmann rằng không được từ một nỗ lực nào trong việc giải cứu Struharick ra khỏi Buôn Ma Thuột là một vấn đề khó xử mà Lehmann vẫn phải vật lộn với nó.
Lehmann ước ao Martin có mặt ở Sài Gòn để chính ông ta tự quyết định lấy. Lehmann biết, nếu Struharick bị bỏ lại, rõ ràng Martin sẽ nối cáu với ông ta. Lehmann không biết khi nào Martin mới có thể trở lại Sài Gòn, vì Martin đã cắt liên lạc với sứ quán như ông ta vẫn làm trong mùa hè vừa qua, khi vắng mặt lâu dài khỏi nhiệm sở ở Sài Gòn. Thậm chí không ai biết Martin đã đi đâu trong thời gian tạm rời khỏi Sài Gòn, trừ việc ông ta viếng thăm nông trại của mình ở Italia và về thăm nhà ở Bắc Carolina.
Lehmann không hy vọng cứu Struharick ra khỏi Buôn Ma Thuột bằng phương tiện phụ thuộc vào người Nam Việt Nam. Không hy vọng Sài Gòn sẽ biệt phái-dù chỉ một người lính rời trận đánh để giúp việc đưa một người Mỹ ra khỏi thị xã. Hy vọng giải pháp duy nhất do các nhân viên sứ quán đề nghị là cho một trực thăng của Air America, hàng không của CIA do sứ quán Mỹ “thuê” đến hạ cánh ở Buôn Ma Thuột để chộp lấy Struharick. Một chiếc trực thăng đã thử làm đúng như thế vào buổi chiều hôm ấy, nhưng hoả lực tên lửa đất đối không tì vào vai để bắn đã có mặt ở đây khiến cho chiếc trực thăng UH-1 phải quay về sở chỉ huy Nha Trang. Thế là Lehmann bị bó tay.


Trực thăng UH-1 làm nhiệm vụ tìm cứu.
Vì mục đích tuyên truyền, người phát ngôn của Bộ tư lệnh ở Sài Gòn, trung tá Lê Trung Hiền đã nói với các nhà báo vào ngày 11-3, cuộc tấn cong Buôn Ma Thuột là một phần của cuộc tấn công trên toàn quốc. Nhưng hành động và phản ứng của Sài Gòn cho thấy Hiền chỉ hô khẩu hiệu mà thôi.

"Di tản"?!
Thật ra, có một số rất ít người thực sự nghĩ rằng cộng sản có cơ hội chiến thắng bằng quân sự trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng cái thiểu số đó bị cười nhạo báng nhiều đến nỗi họ rất ít khi dám nói dài dòng để bảo vệ lập luận của mình. Trong khi đóng tại Sài Gòn, trung sĩ Tăng và những người của ông ta làm việc của họ với những bản đồ giả, tin tức tình báo giả và dữ kiện sai lạc. Việc đánh lừa thành công. Trong khi lực lượng chiến đấu của Bắc Việt Nam di chuyển đến Buôn Ma Thuột một cách bí mật thì bộ chỉ huy Sài Gòn lại điều lực lượng của họ khỏi Buôn Ma Thuột để chống lại sự uy hiếp tưởng tượng ở Pleiku.
Một câu hỏi xác đáng là tại sao người Mỹ lại không di tản trước ra khỏi Buôn Ma Thuột? Hình như có một niềm tin quá đáng của người Mỹ với quân đội Sài Gòn, cho rằng quân đội này hoàn toàn đủ sức bảo vệ bất kỳ thị xã nào như Buôn Ma Thuột.
Nguyễn Văn Mười không phải là một người lính may mắn. Anh ta bị bắt lính vào quân đội Sài Gòn lúc đang ở nhà tại vùng đồng bằng sông Cửu Long vào năm 19 tuổi, cách đó hơn 4 năm về trước. Tên của Mười là con số “10” trong tiếng Viêt, và ngoài việc không thích quân đội, Mười còn ghét cách chơi chữ thường xuyên của bạn đồng ngũ đối với tên anh ta. Tục danh của anh ta là “năm-bơ ten” (number ten), tiếng lóng của lính Mỹ để chỉ cái gì “tồi tệ nhất”.
Mười không thích thú gì với cách khôi hài dai dẳng ấy, chẳng khác nào một người điều khiển thang máy chán ngấy cái cảnh phải nghe người ta than phiền về những lúc lên lúc xuống trong cuộc sống. Mười đã đảo ngũ một lần, bị quân cảnh bắt lại và bị đổi đến sư đoàn 23 ở Buôn Ma Thuột như là một hình phạt. Sư đoàn 23 là nơi an trí cho nhiều lính quân dịch Nam Việt Nam bất mãn và vì thế, nó là một trong những đơn vị yếu nhất trong số 13 sư đoàn chiến đấu của Sài Gòn.
====


Mục lục:




2 nhận xét:

  1. Vâng, cảm ơn các bạn trẻ cho tớ đọc lại những thông tin này trong những ngày 30/4 lịch sử.
    Xem mấy anh mũi lõ mắt xanh nghĩ gì, viết gì về bọn tớ!
    Đọc hết phần 1, thấy nó viết cũng được!

    Trả lờiXóa
  2. Hócinh mẫu giáo vùng caolúc 07:18 1 tháng 5, 2014

    NGHIÊM! CHÀO CỜ, CHÀO!

    Đoàn quân Việt Nam đi
    Chung lòng cứu quốc,
    Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa,
    Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước,
    Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca,
    Đường vinh quang xây xác quân thù,
    Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu,
    Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,
    Tiến mau ra sa trường.
    Tiến lên! Cùng tiến lên!
    Nước non Việt Nam ta vững bền.

    Lời 2

    Đoàn Quân Việt Nam đi
    Sao vàng phấp phới
    Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than
    Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới
    Đứng đều lên gông xích ta đập tan
    Từ bao lâu ta nuốt căm hờn
    Quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn
    Vì nhân dân chiến đấu không ngừng
    Tiến mau ra sa trường
    Tiến lên! Cùng tiến lên!
    Nước non Việt Nam ta vững bền.

    Trả lờiXóa