Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Phần 6- 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ - Alan Dawson

Lời dẫn: 39 năm đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975 lịch sử. Với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, thế hệ trẻ chúng ta hôm nay có rất nhiều điều kiện thuận lợi để tìm hiểu về sự thật những trang lịch sử hào hùng của dân tộc. Ngoài những trang sách giáo khoa được học tập trong trường phổ thông hay ở giảng đường đại học; ngoài những trang hồi ký cả các vị tướng lĩnh cách mạng, chẳng có ai cấm cản chúng ta tìm đọc những cuốn sách, những bài báo của những người ở bên kia chiến tuyến.

Dịp 30/4 năm ngoái, Google.tienlang đã đăng toàn văn cuốn sách "55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ" của Alan Dawson. Tiếc rằng blog cũ của chúng tôi đã bị chiếm đoạt. Kỷ niệm ngày Giải phóng Sài Gòn năm nay, chúng tôi xin đăng lại cuốn sách này...

************
  *************

Cuộc tấn công thăm dò đầu tiên trong trận đánh cuối cùng vào Sài Gòn xảy ra ngày 18-4. Một toán đặc công cộng sản đã tấn công cứ điểm truyền tin Phú Lâm. Trên một khía cạnh, cộng sản đã mang chiến tranh đến gần Sài Gòn. Khía cạnh khác là các nhà quân sự đều cho rằng đó là cuộc thăm dò phòng thủ, thử phản ứng và di chuyển của quân đội Sài Gòn.

Trực thăng vũ trang ở Tân Sơn Nhất đã phản ứng nhưng Sài Gòn sẽ gặp khó khăn nếu trận đánh lớn xảy ra. Quân đội Sài Gòn chỉ còn 1 lữ đoàn dù, đôi ba tiểu đoàn quân biệt động ở nội thành. Không quân chẳng còn mấy nữa. Các bộ tham mưu cố tái lập một số đơn vị nhưng chẳng tiến triển gì. Các đơn vị khác còn ở tư thế đó để phòng thủ Sài Gòn là:

Sư đoàn 5, đóng ngay phía Bắc Sài Gòn, bị xem là tác chiến không hữu hiệu, do nạn tham nhũng và bị làm suy yếu mà đơn vị không sửa chữa nổi. Sư đoàn 25 đóng ở Tây Bắc Sài Gòn còn tệ hơn cả sư đoàn 5. Sư đoàn 9 khá hơn, nằm cách xa Sài Gòn 25 dặm về phía Nam, Bộ tổng tham mưu phá các tiền lệ ranh giới bất khả xâm phạm giữa các quân khu, định cho sư đoàn 9 vượt lên quân khu 3. Một khu vực lớn ở phần phía Bắc đồng bằng sông Cửu Long bị bỏ ngỏ cho cộng sản. Các đơn vị Việt Cộng đi vào các làng mạc và nắm quyền kiểm soát mà không gặp sự chống đối nào. Cái thòng lọng đặt lên cổ Sài Gòn đang siết chặt dần, chẳng có chỗ nào để Thiệu xoay xở nữa.

Martin trong khi không tuân lệnh đẩy mạnh cuộc di tản thì lại xoay trần ra làm cái mà ông ta coi là nhiệm vụ chính của mình. Đó là việc ngăn chặn sự hoảng loạn rõ ràng là đang lớn lên trong những mảng dân chúng Việt Nam. Quân đội Sài Gòn đã tháo chạy ở tất cả mọi nơi nó gặp thử thách, ngoại trừ Xuân Lộc, nhưng đây cũng đang bị sức ép nặng nề. Ít nhất cũng là 100 nghìn bộ đội cộng sản, 10 sư đoàn bộ binh và lực lượng yểm trợ đang ở trong khoảng cách Sài Gòn một hai ngày đường. Sài Gòn được phòng thủ bởi các đơn vị bộ binh tồi mà hầu hết những người am hiểu đều tin rằng chúng sẽ co rút nhanh chóng sau phút đầu chạm súng.

Thiệu sẽ không từ chức, tay tổng thống này nói thế nhưng trên thực tế thì Thiệu đang suy yếu. Thiệu nói rằng sẽ không có thương lượng. Martin muốn Thiệu ở lại để tìm cách mặc cả. Cộng sản đòi Thiệu cút đi và nói thẳng nếu còn Thiệu thì sẽ tàn phá Sài Gòn. Mỹ lo việc di tản. Phe Việt Nam thân Mỹ thì hoảng loạn, chẳng còn làm được gì. Mọi người Việt Nam đều có khả gây thương tích cho Thiệu và chán Mỹ, muốn “gút bai” người Mỹ. Sự căm ghét của họ đối với Thiệu quá sâu đậm rồi.
Nói cách khác,chiến tranh Việt Nam sắp đến hồi kết thúc.


“Người Mỹ các ông…”

Ba năm rưỡi qua, kể từ ngày 20-12-1971, Sài Gòn là hòn đảo kỳ quặc trong chiến tranh, không bị bom đạn đụng đến. Nó có vẻ cách chiến trận 1 nghìn dặm nên không phải là chiến trường. Nhưng nó đang là chiến trường bỏi vì Sài Gòn là trung tâm của vùng chiến trận.

Khi Hà Nội bị B.52 tập kích thì Sài Gòn chan hoà ánh nắng. Khi lính chết la liệt ở các tỉnh quanh nó thì Sài Gòn bình yên. Đến tháng 4-1975, nó căng thẳng hơn đôi chút. Thế là biết cuộc chiến sắp kết thúc. Cộng sản sắp sửa nhảy lên chỗ ngồi của người lái để làm chủ chiếc xe. Chiến tranh đang đến gần Sài Gòn. Tiếng nổ kho đạn ở Biên Hoà có thể nghe thấy được.

Cản trở duy nhất cho sự dàn xếp hoà bình trước khi khói lửa chiến tranh bốc lên ở Sài Gòn được xem là Thiệu. Tiếng rít lên đòi thủ cấp chính trị của Thiệu vang động ngày chủ nhật tương đối yên tĩnh này. Ở mọi nơi, trừ văn phòng lầu ba ở toà đại sứ Hoa Kỳ (văn phòng Martin). Người ta đều chấp nhận là Thiệu phải ra đi. Thiệu hết thời rồi. Tay tổng thống này còn ngồi đấy thì chiến tranh sẽ đến với Sài Gòn.

Suốt ngày 20-4, Thiệu ngồi ở hầm trú bom dưới dinh Độc Lập. Xế trưa thứ bảy, một chiếc trực thăng đáp xuống sân cỏ của dinh. Từ trực thăng bước ra là tướng 4 sao Cao Văn Viên và tướng 3 sao Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh quân khu 3 bao quanh Sài Gòn. Gặp được Thiệu, Toàn đi ngay vào trọng tâm: “Thưa tổng thống, cuộc chiến kể như xong!”. Toàn nói vậy.

Toàn nắm cuộc họp ấy, Toàn muốn Viên đi theo chỉ vì tổng thống tin Viên hơn và Toàn muốn Viên làm một nhân chứng. Toàn bảo Thiệu là Phan Rang tiêu tan rồi, điều mà ba ngày qua được giữ kín với Thiệu. Vĩnh Nghi đã bị bắt. Căn cứ không quân rơi vào tay cộng sản. Phan Thiết sụp đổ nhanh chóng. Chắc chắn cộng sản sẽ quay sang quốc lộ 1 để tràn xuống, không cần theo đường bờ biển đi vào Sài Gòn.

Toàn nói cả chuyện gì đã xảy đến cho mồ mả gia đình Thiệu ở Ninh Chữ. Tổng thống tay chân vốn đã run rẩy, mặt mày trở nên trắng bệch khi nghe Toàn nói điều đó. Toàn định ém chuyện này đi nhưng quá nhiều người đã biết. Nghi cũng đã đánh điện về Biên Hoà trước khi rời Phan Rang. Chuyện ủi sập mồ mả tổ tiên Thiệu là đầu đề trò chuyện ở sở chỉ huy của Toàn. Toàn nghĩ tốt hơn hết là nên nói thẳng tin này cho Thiệu biết hơn là để ý nghe thiên hạ xầm xì.

Cả Viên và Toàn đều ngạc nhiên khi không thấy Thiệu nổi trận lôi đình. Viên nghĩ cách để nói rằng mọi chuyện xảy ra là do hậu quả hành động của Thiệu. Nhưng Thiệu đã quay đi bước vào phòng nghỉ, không buồn bảo Toàn và Viên về nghỉ. Hai viên tướng tự động bước ra ngoài. Đấy là chuyện của ngày thứ bảy.

Thiệu nghĩ gì?!
Giờ đây là chủ nhật. Thiệu đang ngồi im như tượng. Thiệu không nói gì trong 24 giờ qua, ngoài câu dặn dò không tiếp ai cả. Nửa ngày thứ bảy, cả ngày chủ nhật và sáng thứ hai Thiệu rút vào cô độc, không ăn uống gì mặc dầu trong hầm chứa nhiều thức ăn. Phòng báo chí vẫn loan báo tổng thống sẽ dự lễ kỷ niệm Hùng Vương vào chiều thứ hai. 400 nhà báo nước ngoài vẫn chờ sẵn để quan sát tổng thống vào thời điểm 
 Cùng lúc ấy, Lê Minh Đảo, chỉ huy sư đoàn 18 ở Xuân Lộc biết rằng thành phố kể như tiêu rồi. Đêm chủ nhật, sáng thứ hai, cộng sản đã chuyển quân vào để dứt điểm. Lữ đoàn dù Sài Gòn đã sa lầy trong rừng cao su, trung đoàn dự bị của sư đoàn không hy vọng chọc thủng vòng vây nữa. Suốt đêm, tỉnh lỵ bị pháo kích. Hoả lực tấn công của cộng sản còn mạnh hơn bất kỳ đơn vị bộ binh Mỹ nào mà Đảo đã biết. Tiền đồn xung quanh Xuân Lộc lần lượt sụp đổ.
Sau rạng đông, Đảo nói chuyện bằng điện đài với sở chỉ huy Biên Hoà. Biết là Toàn không có mặt tại đó, nhưng đã dặn truyền lệnh giữ Xuân Lộc càng lâu càng tốt. Không còn kiểu ra lệnh của Thiệu là phải giữ bằng mọi giá. Đến nửa buổi sáng thì sư đoàn 18 rõ ràng là tuyệt vọng. Xuân Lộc, biểu tượng tử thủ của quân đội Sài Gòn sắp sụp đổ. Đảo ra lệnh rút bỏ vị trí và chạy.


Tướng Lê Minh Đảo - TL sư đoàn 18/VNCH.

Thiệu cũng bước ra khỏi hầm, tâm trạng âu sầu. Tổng thống đã quyết định rồi, sang phòng phía tây, lấy giấy bút soạn thảo diễn văn. Thiệu muốn họp với tả hữu tin cậy còn không đầy nửa tá và ra lệnh gọi Martin sau 1 giờ nữa có mặt ở dinh tổng thống.
Các nhân viên quanh Thiệu nhanh chóng loan truyền tin Thiệu sắp sửa từ chức. Một nhà báo Mỹ bèn gọi một cú điện thoại đến hỏi Martin. Thế nhưng đại sứ lại hiểu tổng thống hoàn toàn trái ngược. Theo lời Martin, Thiệu có ý định ở lại chức vụ và đang chống cự với mọi nỗ lực tìm cách phế truất y. Qua truyền hình, Thiệu có ý định đòi hỏi bỏ phiếu tín nhiệm và Martin tiên đoán là Thiệu sẽ thắng.

Bài diễn văn của Thiệu nói trước đám viên chức là những lời lẽ quyết liệt. Nó được đưa lên truyền hình lúc 8 giờ tối. Tổng thống nói “tình hình thật khẩn cấp”, gần như phải rút lui đến dinh Độc Lập. Nếu người Mỹ chỉ cần can thiệp như họ đã hứa thì Nam Việt Nam đâu đến nỗi nào đang phải đương đầu với nguy cơ sắp mất thủ đô. Thiệu cả gan nói láo rằng, cái gì đã xảy ra ở vùng cao nguyên là do quyết định của viên chỉ huy quân khu 2. Lệnh rút lui của cấp chỉ huy quân khu 2 tất yếu dẫn tới việc mất quân khu 1.

Khi Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam năm 1973, quân đội Sài Gòn đã mất 63% sức mạnh quân sự. Tổng thống ngừng nói, cắn môi, rõ ràng là để cầm nước mắt. Thiệu nói tiếp: “Người Mỹ các ông… không chịu cho chúng tôi viện trợ mà các ông đã hứa hẹn. Tức là không ủng hộ chúng tôi nữa. Thế thì được rồi, tôi sẽ ra đi. Nếu người Mỹ không giúp đỡ Nam Việt Nam nữa, hãy để họ ra đi, cút đi, hãy để họ nuốt hết những lời hứa của họ”. Thiệu thay đổi giọng điệu nhanh chóng và tuyên bố từ chức.

Dân chúng thở phào nhẹ nhõm trước sự từ chức của Thiệu. Con người bị khinh miệt nhất trong đất nước đã bước xuống, chấm dứt nhu cầu đảo chính, nhưng khả năng thương lượng vẫn mong manh. Chẳng có cách gì để lấy lại đất đã mất. Ít ai cảm thấy quân đội Sài Gòn có thể bảo vệ nổi phần còn lại của Nam Việt Nam. Vậy mà định thương lượng tức là sẵn sàng quỳ xuống để đối phương nhổ nước bọt vào mặt.

Bộ đội Bắc Việt Nam tiếp tục đổ xuống theo các quốc lộ hướng về Sài Gòn, sư đoàn nối tiếp sư đoàn, đặc biệt ở phía Bắc và Tây Bắc xuống. Trong phần lớn đoạn đường, họ ngồi trên xe tải và xe tăng. Một chố giao lưu quan trọng là Đồng Xoài, cách Sài Gòn 35 dặm về phía Bắc. Tại đây, điểm giao nhau giữa các cánh quân xuất phát từ đường mòn Hồ Chí Minh, từ vùng biên giới Campuchia, từ vùng Đông Bắc, nơi các sư đoàn chiến thắng ở cao nguyên, Đà Nẵng và Nha Trang đổ về Sài Gòn. Xe vận tải nối tiếp nhau đi ngang qua Đồng Xoài, nơi trước đây có một trại lính mũ nồi xanh của Mỹ, đã bị tràn ngập. Các loại xe chuyên môn cũng đã quá nhiều, không thể đếm được. Chúng chở cầu, kéo pháo, chở xăng cho xe tăng và các loại xe khác.


Đoàn xe "thần tốc" chở QĐ1 vào tham gia chiến dịch HCM.

Một công-voa kéo dài 3 ngày xuất phát từ các dãy núi. Nó được gọi là Trường Sơn, đặt theo tên vùng cao nguyên mà nó đi ngang qua. Công-voa hầu hết là xe vận tải mới của Bắc Việt Nam mà theo như những người lái chúng cho biết là mang đủ đạn cho trận đánh một tháng.

Cuộc vây hãm Sài Gòn đang được dựng lên. Từ Đồng Xoài, hàng trăm xe tải thẳng hướng Tây, tiến về Tây Ninh, Bình Dương. Những chiếc khác đi thẳng hướng Đông theo quốc lộ 1 đến Biên Hoà. Hàng trăm chiếc khác xuôi những con đường ít ai biết đến để ra Vũng Tàu và bờ biển. Vòng vây đặt quanh Sài Gòn không phải là một vòng tròn nhưng toàn vẹn và chặt chẽ. Thậm chí cả về phía Nam, nơi còn một chút kiểm soát của quân đội Sài Gòn, cộng sản vẫn đang đi vào vị trí để vây bọc và cắt đứt liên hệ giữa vùng châu thổ với Sài Gòn. Máy bay của không quân phần lớn chẳng có thể tìm ra các công-voa. Giả dụ dân chúng tìm ra thì cũng chẳng đủ máy bay, rồi dù có máy bay cũng chẳng có phi công nào liều chết bay đi khi đã nhan nhản tin đồn về loại tên lửa phòng không vác vai tuyệt diệu SA.7 xuất hiện trong đội hình các đoàn quân ấy.

Trong tầm pháo của Sài Gòn, bộ đội công binh cộng sản đặt một chiếc cầu trong vòng không đầy một ngày. Với nó, hàng tá xe tăng, đại bác hạng nặng và mấy chục xe vận tải vượt sông Đồng Nai để tấn công Sài Gòn từ hướng Tây. Khoảng chừng hơn 10 sư đoàn đã bao quanh Sài Gòn và nằm im chờ lệnh tấn công. Nửa tá các sư đoàn khác đang đứng sau lưng họ, sẵn sàng bổ sung cho tuyến xung phong. Về phía Bắc và Đông Bắc, cộng sản ở trong vòng 20 dặm đối với thủ đô. Về phía Đông, họ cách chừng 30 dặm. về phía Tây và Tây Nam, sau khi Thiệu từ chức, cộng sản đang thay đổi đội hình nhưng cũng chỉ cách Sài Gòn vào khoảng 30-35 dặm.

Đến ngày 26-4, Sài Gòn là mục tiêu nằm trong tình thế đợi phía bên kia bấm nút. “Người Mỹ các ông” lừng khừng không di tản sao được nữa.
Trước lúc đầu hàng


Loại A.37 được mang đến Việt Nam là do không quân Mỹ trao cho phi công Sài Gòn. Nó là loại oanh tạc cơ tấn công nhỏ nhưng tốt nhất trong không quân Sài Gòn. Khoảng 26 chiếc đã bị bỏ lại Đà Nẵng và tất cả hầu như có thể bay được sau khi tu bổ chút ít. Một điểm thuận lợi chính là kích thuớc của nó, chỉ cao ngang tầm vai và có thể được sử dụng dễ dàng bởi cỡ người thấp bé của dân phương Đông. Nó bay dưới mức siêu âm, nguyên thuỷ là loại máy bay huấn luyện và vẫn còn giữ hai chỗ ngồi kề nhau như khi ông thầy và học sinh ngồi bay. Phi công Hoa Kỳ nhận thấy nó là loại máy bay lý tưởng cho cuộc chiến tranh Việt Nam, đặc biệt vì nó bay chậm, do đó làm cho phi công có thể thực sự nhìn thấy mục tiêu đang tìm mà đánh.

Nó chẳng phải loại máy bay “con ma”, thậm chí nó không thể bay từ Sài Gòn đi Hà Nội để oanh tạc được. Tầm hoạt động của nó giới hạn nên đó là lý do khiến người Mỹ có thể giao nó cho quân đội Sài Gòn. Nó giản đơn so với chiếc phản lực nhưng như thế không có nghĩa là giống như xe hơi kiểu T cổ lỗ của Hoa Kỳ. Nó bay thường xuyên và tốt, chính xác, tuy chỉ sử dụng được vào ban ngày, không bay được trong mưa giông lớn. Nó không có vũ khí tự vệ để chống lại phi cơ khác, không có tên lửa đối không. Đáng buồn là chính những máy bay ấy lại quật bom vào Tân Sơn Nhất, bịt nốt cái phi cảng cuối cùng mà người Mỹ có thể hy vọng di tản qua con đường đó.


Phi công Nguyễn Thành Trung trên máy bay A-37 (ảnh chụp trước khi phi đội Quyết Thắng ném bom Tân Sơn Nhất)

Còn một loại bom được để ở Thái Lan và chỉ có một ít nằm ở đấy vì sợ hai tiếng chính trị. Số ít người Mỹ biết được sự có mặt của chúng ở Thái Lan, đã gọi chúng là vũ khí tối hậu mà các sĩ quan không quân Hoa Kỳ mê mệt. Chúng chỉ là một trong số hàng trăm vũ khí không nguyên tử bí mật và có tính chất huỷ diệt vốn xuất phát từ quỹ nhiều tỷ đôla tài trợ cho quân đội Hoa Kỳ giữa thập kỷ 60 để tiến hành chiến tranh Việt Nam. Mục đích các chương trình này là khám phá ra cách giết nhiều địch trong khi lực lượng Mỹ tổn thất ít hơn. Máy bay không người lái, lựu đạn cải tiến, bom CBU.55 chỉ là số ít trong những kết quả đạt được.

Bom CBU (viết tắt của các chữ Cluster Bom Unit) với số hiệu 55 là một trong những vũ khí đáng sợ, có ba khoang chứa đầy nhiên liệu propan, một hỗn hợp bí mật các loại chất khí khác và chất nổ. CBU.55 chưa hề được sử dụng trong chiến tranh. Một số lượng nhỏ loại bom này được để ở Thái Lan đề phòng bất trắc. Tuy nhiên cho đến tháng 4-1975, ít người Mỹ dám đề nghị sử dụng nó.

Đầu tháng 4, một quả bom CBU.55 được chở bằng máy bay từ căn cứ không quân Utapao đến Sài Gòn rồi chuyển bằng xe về căn cứ không quân Biên Hoà. Thứ vũ khí này vẫn nằm dưới quyền kiểm soát kỹ thuật của Mỹ, mặc dù nó nằm trong tay không quân Sài Gòn. Thiệu từ chức vẫn không có cách cứu vãn đà sụp đổ của quân đội Sài Gòn, tướng Homer Smith, sĩ quan cao cấp nhất của Mỹ ở Nam Việt Nam đã cho phép Sài Gòn sử dụng loại vũ khí ấy. Các sĩ quan Sài Gòn đã chọn Xuân Lộc làm mục tiêu khi lực lượng Sài Gòn đang rút lui và cộng sản đang tiến về Sài Gòn. Một máy bay vận tải C.130 được lệnh chuẩn bị sẵn sàng vào sáng ngày 21-4. Quả bom CBU.55 được chất lên. Con ngựa bốn động cơ của hãng Lockheed cất mình nhẹ nhàng khỏi phi đạo Biên Hoà và bay thẳng đến Xuân Lộc.

Ở độ cao 6 nghìn mét, cánh cửa vỏ sò ở đuôi máy bay mở ra. Cái dù thăng bằng đeo quả bom rơi vào không trung. Với một tiếng rền nghe có vẻ dồn nén kỳ lạ, và một quả cầu lửa khổng lồ bùng lên. Phi hành đoàn kinh sợ nhìn xuống.

Trong vòng hai ngày, đài Hà Nội đã công kích việc sử dụng loại vũ khí mới ấy. Họ miêu tả đúng nó, có lẽ là do báo cáo của các điệp viên ở Tân Sơn Nhất và Biên Hoà. Cộng sản coi đó là nỗ lực sau cùng trong các nỗ lực tuyệt vọng của quân đội Sài Gòn. Mà cũng đúng thế thật. Bom CBU.55 không được chở đến nữa. Loại có sẵn ở đó sau này được đem ra phòng trưng bày “tội ác chiến tranh” ở thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng còn cả những vũ khí khác được sử dụng trong những ngày chiến đấu luýnh quýnh sau cùng. C.130 ném dăm ba quả bom loại 15 nghìn bảng Anh (khoảng 7 tấn rưỡi) xuống các vị trí đối phương. Các trực thăng lớn ném “thùng phuy xăng”-một thứ bom napan chế tạo nội địa gồm có xăng và mảnh vụn xà phòng biệt hiệu Tuyết Ngà (Ivory Snow). Cũng vì B.52 không thể giúp sức Sài Gòn được nữa nên đã có nỗ lực tìm cách biến loại C.130 thành máy bay ném bom. Những chuỗi bom 500 bảng Anh còn nguyên trong thùng được đẩy ra sau đuôi máy bay vận tải cho rơi xuống. Chúng có chung tác động với cuộc chiến: chẳng làm nổi trò trống gì. Cũng như B.52, hầu hết loại bom chùm này cũng chỉ gây tổn thất cho môi trường và đám khỉ.

Các vũ khí bí mật như vậy đã chẳng giúp Sài Gòn thắng nổi cuộc chiến thì chính trị cũng chẳng làm được gì hơn. Chẳng có sự ủng hộ nào dành cho Hương, dù vài người cũng tin rằng lão già ấy có thể quy tụ được sự ủng hộ nào đó. Martin-đạí sứ Mỹ, J.M.Merillion-đại sứ Pháp, Trần Văn Lắm, Dương Văn Minh đều có những ý kiến riêng biệt được quyện vào nhau về cách thức chấm dứt cuộc chiến. Ai cũng muốn hành động tức khắc nhưng giống như diễn viên trong loại phim hài hước rẻ tiền, họ đụng nhau côm cốp. Không ai biết tất cả những chuyện mà ba người kia đang làm và không ai ủng hộ hoàn toàn việc làm của một trong ba người kia. Có thể so sánh họ với chuyện “Ba thằng hề cộng một”.

Cộng sản lúc đó chưa kêu gọi một cuộc đầu hàng. Đòi hỏi tuyệt đối không được thương lượng là “tất cả lực lượng quân đội Hoa Kỳ phải rút khỏi Nam Việt Nam”. Hà Nội ép Sài Gòn đang thua phải nhượng bộ. Cộng sản đã đi theo con đường ấy suốt 43 năm lịch sử. Không bao giờ nhường một tấc đất trong khi vẫn thúc đẩy để mang về từng thắng lợi ngoại giao hoặc quân sự. Họ chưa hề rút lui trong các đòi hỏi công khai. Giống như đấu thủ quần vợt đứng sát lưới, họ không để đấu thủ ngoại giao có khoảng trống. Trái bóng chỉ ở sân họ trong tích tắc và không để chạm đất đã nẩy lên. Trong năm 1975 này, B.52 không còn lảng vảng gần Hà Nội nữa.
Cuộc không vận của Mỹ di tản tăng lên hàng ngày. Ngày 24-4, có 24 chuyến bay, phần lớn là loại C.141 với 250 người một chuyến. Ngày 25 có 26 chuyến và ngày 26 có 31 chuyến. Tàu bè cũng bị gom vào dịch vụ di tản. Martin cho phép trả tiền hối lộ cho cảnh sát Sài Gòn tại Tân Sơn Nhất để đem người Việt Nam đi qua trạm kiểm soát vào sân bay tham gia di tản. Cứ 20 đôla một xe qua. Trong 10 ngày cuối cùng, tốn khoảng 50 nghìn đôla. Có lính gác Việt Nam đòi cái giá rất cao và cũng được người Mỹ thoả mãn. Có lẽ 250 nghìn đôla, thậm chí 500 nghìn đôla là món tiền hối lộ đã lọt vào túi họ. Suy cho kỹ thì đây là cách nhục mạ cuối cùng của người Nam Việt Nam đối với người Mỹ. Đến Việt Nam với một mong muốn giúp đỡ-tuy có thể còn phải bàn cãi điều này là phạm sai lầm-người Mỹ giờ đây phải bỏ tiền ra mua lấy sự thoát thân của họ.

Cuộc chiến chưa ngừng lại dù rằng nó giảm xuống mức gần như đứng yên. Nơi thấy rõ điều này là Biên Hoà, căn cứ lớn nhất còn nằm trong tay quân đội Sài Gòn. Chiến trận ở đây là tiếng còi và tiếng rít xé gió, thứ âm thanh đáng sợ nhất thế giới. Đạn pháo nổ và hoả tiễn ập xuống Biên Hoà với con số ngày càng tăng.

Buổi sáng Xuân Lộc sụp đổ cũng là ngày Thiệu từ chức thì đạn pháo của cộng sản đã làm phi đạo bị tê liệt mất nửa ngày. Nửa lực lượng không quân Sài Gòn nằm bẹp. Hai ngày sau, đạn pháo và hoả tiễn vẫn còn rơi xuống làm cho không ai ngủ ngon giấc qua đêm. Chúng rơi trúng kho bom, rồi trúng cả máy bay. Trực thăng giờ đây trở thành vô dụng và phi công Nam Việt Nam không chịu bay nữa. Ở Biên Hoà hãy còn một ít cố vấn Mỹ đang sửa chữa những chiếc trực thăng để chúng có thể tham chiến. Nhưng khi sửa xong máy bay thì phi công Sài Gòn lại không chịu bay. Lưới lửa phòng không Bắc Việt Nam đã ở sát Biên Hoà khiến các phi công Sài Gòn xem trực thăng chỉ là phương tiện để dự trữ thôi.


Pháo kích Tân Sơn Nhất.

Cố vấn Mỹ nổi cáu nhưng người Việt Nam khư khư giữ quyết định của họ. Hầu hết người Mỹ vào Sài Gòn để về Hoa Kỳ. Ngày 23-4, trong tình hình pháo kích vào Biên Hoà tăng thêm và quân cộng sản bao vây căn cứ thì không quân Sài Gòn lại rút đi. Máy bay F.5 chuyển về Sài Gòn, loại A.37 về Cần Thơ. Các phi công được đi phép một tuần rồi sẽ về trình diện ở Sài Gòn hoặc Cần Thơ. Xe vận tải được gom lại để chuyển bom từ Biên Hoà về các căn cứ mới. Thế là hơn một nửa lực lượng không quân Sài Gòn đã bị xếp cánh. Cùng ngày ấy, “lãnh sự quán Hoa Kỳ” ở Biên Hoà vẫn mở cửa. “Vâng, mở cửa vô hạn định!”. Ngày hôm sau, cánh cửa đã khoá tịt lại. Người Mỹ đã trốn trong đêm về Sài Gòn bằng một chiếc trực thăng. Người ta hy vọng lá cờ nhiều sao mà họ bỏ lại tiếp tục bay trên lãnh sự quán sẽ ngăn ngừa sự hoảng loạn ở Biên Hoà. Lãnh sự quán ở Cần Thơ cũng thế. Họ cũng chuồn về Sài Gòn ban đêm bằng trực thăng. Người Mỹ từ lâu vẫn nói rằng, châu thổ sông Cửu Long là chìa khoá của Nam Việt Nam vì rất đông dân, giờ đây lại bỏ ra đi trước khi cuộc chiến đấu bắt đầu.
Ngày 25-4, Bộ tư lệnh Bắc Việt Nam hỏi các phái đoàn Bắc Việt Nam và Việt Cộng tại sân bay Tân Sơn Nhất rằng, họ cần bao nhiêu thời gian để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với “cuộc giải phóng” bằng bạo lực. Vài phút sau, một điện mật trả lời rằng cấp trên không phải lo lắng cho những người ở đây. Mọi người ở trại David sẵn sàng hiến dâng mạng sống cho thắng lợi sau cùng.

Cách Sài Gòn 6 dặm về phía Bắc, lùi vào quốc lộ đi Biên Hoà 3 dặm, bộ đội Bắc Việt Nam đã chuyển pháo 105 ly đến cách đồng trống nằm ngay sau các rặng cây và nhà cửa. Họ ít tiếp xúc với dân chúng. Những ai bước ra khỏi nhà để nói chuyện với “quân giải phóng” đều được báo là nên tránh xa khu vực ấy. Sắp có một trận đánh lớn vào Sài Gòn và những khẩu đại bác này sẽ phá thành phố ra tro bụi nếu cần. Nhưng họ không biết khi nào thì trận đánh sẽ xảy ra.


Pháo binh triển khai trận địa bắn vào SG (Đoàn PB Tất Thắng).

Các sĩ quan cấp thấp thuộc 4 sư đoàn Bắc Việt Nam đã chuyển đến những vùng sát Bắc Sài Gòn. Giữa ban ngày, họ đã tiếp xúc với Việt Cộng nằm vùng. Hầu hết những người này thuộc trung đoàn Đồng Nai cũ. Bộ đội Bắc Việt Nam nói với họ rằng cuộc tấn công Sài Gòn sắp xảy ra. Việt Cộng sẽ là người dẫn đường. Nhiều bản đồ được đưa ra và những người cộng sản trong vùng chỉ cho các sĩ quan biết những con đường, nơi bố trí phòng thủ và các mục tiêu chủ chốt. Các lực lượng cộng sản vẫn chuẩn bị một cuộc tấn công toàn lực vào Sài Gòn, nhưng họ vẫn hy vọng sẽ không cần thiết phải làm như vậy. Xét cho cùng, một cuộc đầu hàng vẫn tốt hơn nhiều so với cuộc tấn công tàn phá thành phố. Các nhà quyết định chính sách của họ bèn chọn ngày 28-4 là kỳ hạn cuối cùng.

Điều buồn cười lúc này là sự giả vờ can đảm của Nguyễn Cao Kỳ. Kỳ đanh tính chuyện bên lề với Bộ quốc phòng Mỹ nhằm đem các máy bay đi không để lọt vào tay cộng sản và cũng đã gửi vợ đi theo các cuộc di tản khỏi Nam Việt Nam. Thế mà Kỳ vẫn được một số người tin là can đảm.

Việc Kỳ muốn nắm quyền hành ở Nam Việt Nam gần như là chuyện công khai. Trong khi kêu gọi Thiệu từ chức, suốt mấy tuần qua Kỳ tự xem mình như là tổng thống, là kẻ đang cầm đầu cái chế độ ngắc ngoải này. Thế là khi đứng trước đám đông độ 6 nghìn người thiên chúa giáo hữu khuynh vào xế trưa thứ sáu ngày 25-4 cái ngổ ngáo của viên tướng không quân này còn nguyên vẹn. Kỳ nói chuyện phòng thủ Sài Gòn, rằng những kẻ chạy trốn theo Mỹ là hèn nhát. Đàn bà và trẻ con sẽ được gửi đi đảo Phú Quốc. Dân Sài Gòn sẽ đứng lên chống cộng, Kỳ ở tuyến đầu. Trong lúc bốc lên, viên tướng râu dê này nói, nếu cần thành phố sẽ trở thành một Stalingrad, nơi đã cầm cự 900 ngày trong vòng vây hãm. Ít ra nhân dân thế giới cũng nhớ đến sự anh hùng của những người bảo vệ Stalingrad chứ sẽ chẳng ai thèm nhớ đến Sài Gòn nếu nó chịu đầu hàng ngay. Kỳ khuyên mọi người đừng di tản hãy đứng lên chiến đấu. Việc phân phối vũ khí sẽ làm ngay, mọi người nên ở lại Sài Gòn. Đám dân di cư từ Bắc Việt Nam vào đây từ năm 1954 bị kích động đã hoan hô Kỳ rầm rĩ.

Nhưng sĩ khí chống cộng chỉ thế thôi. Sau đó Kỳ bỏ vào sân bay Tân Sơn Nhất để sắp xếp cho các máy bay di tản sang Thái Lan và đồng thời cũng bí mật ra lệnh cho một trực thăng đến đón mình. Chẳng dại gì mà liều và Kỳ không thể nào dám liều ở lại với cộng sản. Tấn tuồng chống cự của viên tướng can đảm nhất của quân đội Sài Gòn công diễn âm thầm độ nửa giờ là đóng màn. Dù sao các nhà báo nước ngoài lúc ấy cũng ghi vào sổ tay chi tiết đó.
Còn Thiệu và mụ vợ thì đang bận gói ghém vàng, kim cương, ngọc thạch và đồ cổ. Công việc đó là 16 vali quần áo, tư trang và theo tin ở dinh thì còn 100 nghìn đôla nữa. Martin giúp bọn này ra đi và có ý định chỉ cho mang đồ vật cá nhân nhẹ. Thế là tay cựu tổng thống và vợ phải tính đến cách khác. Mai Anh đã xoay sở lấy được 16 tấn vàng ra khỏi ngân hàng bằng cách ép, dọa bọn thuộc cấp. Vàng nằm trong dinh lúc Thiệu từ chức “vì lý do an ninh”. Mụ ta cho chuyển phần lớn số vàng thỏi ấy lên một máy bay thuê của hãng hàng không Thuỵ Sĩ, nhưng các phi công đòi biết trong thùng hàng có gì, theo nguyên tắc phòng xa. Họ khám phá ra đó là vàng nên phải hỏi lãnh sự quán Thuỵ Sĩ và rồi từ chối không chở nữa. Lý Long Thân nhảy vào cứu nguy. Tay này có phương tiện riêng là tàu “Trương tinh”, tuy không phải là tàu đi xa nhưng khẩn cấp quá rồi. Thân ra lệnh chờ vàng đi Pháp, sau này Thiệu có nhận lại ở đó. Ngọc thạch và kim cương hầu hết được đóng thùng kỹ lưỡng và vợ Thiệu giám sát từng bước gói ghém hàng.

Đến lượt những thứ đồ cổ. Giá trị của chúng không ai biết rõ, nhưng là đồ của viện bảo tàng Sài Gòn thì chắc là phải đáng giá lắm. Buồn thay, nhiều thứ lại vô giá trị. Các nhân viên Viện bảo tàng cũng ăn hối lộ như điên nên đã thay thế phần lớn đồ cổ bằng những thứ giả giống hệt nó. Họ đem bán chúng (đồ thật) cho các chủ hiệu và người sưu tầm. Vợ Thiệu chẳng biết gì cứ yêu cầu viên phụ tá của Thiệu là Đặng Văn Quang thu xếp gửi đi đâu đấy. Quang chọn Canada là nơi lưu vong và đã chuyển những đồ cổ cả thật lẫn giả lên một chiếc tàu đi Montreal thông qua Hoa Kỳ. Vợ Thiệu vẫn đinh ninh như thế.

Một cách tuyệt đối bí mật, chiếc máy bay C.118 của không quân Mỹ đến Tân Sơn Nhất lúc 3 giờ sáng ngày 26-4 để chở Thiệu đi di tản. Thiệu được báo trước một giờ để sửa soạn hành lý lần cuối cùng, kể cả chuyện lén lút chở đi số tiền 100 nghìn đôla mà Kỳ nói là đầy ắp 4 vali thuộc quỹ dự phòng trong dinh. Cựu thủ tướng và là tướng 4 sao Khiêm được báo trước 20 phút. Xe Mỹ chở họ đến Tân Sơn Nhất. Máy bay cất cánh đi Đài Loan. Chẳng có họp báo, chẳng có tường thuật việc Thiệu đến Đài Bắc. Cuộc ra đi của Thiệu âm thầm và hoàn toàn nhục nhã.

Quốc hội Sài Gòn họp sau lúc Thiệu ra đi. Một số ý kiến đồng ý với Martin nên cử Hương hay Trần Văn Lắm làm tổng thống. Lắm vẫn mơ ước chức vụ ấy và đến lúc này vẫn còn thèm. Khi cộng sản đã vây chặt Sài Gòn và sắp san nó thành bình địa thì Martin lại có ý kiến khác nữa là Hương hoặc Lắm, ai làm tổng thống cũng được, còn thủ tướng nên để cho Minh lớn.
 Trước lúc bình minh ngày thứ bảy, nhiều xe vận tải Bắc Việt Nam đỗ lại bên sông Sài Gòn cách thủ đô 6 dặm về phía Bắc. Chúng chở hoả tiễn và đạn pháo 105. Những đại bác và hoả tiễn này đã nằm vào các vị trí bắn sau những rặng cây. Chiến tranh bắt đầu trở lại sáng chủ nhật và báo hiệu bằng tin dữ: 4 hoả tiễn rơi xuống Sài Gòn. Đây là dấu hiệu cho thấy phút bắt đầu của giai đoạn cuối và ai nấy đều biết. Ba năm rưỡi, chưa có đạn pháo hay hoả tiễn rơi xuống Sài Gòn. Bây giờ chiến tranh đang rẽ sang một bước ngoặt mới, cho thấy Hà Nội sẵn sàng tấn công Sài Gòn. Thời gian cấp bách một cách tuyệt vọng. Sự xào xáo chính trị nội bộ bây giờ là một thứ xa hoa không còn chỗ đứng.

Phòng tuyến sau cùng của Sài Gòn bắt đầu rung rinh vào sáng chủ nhật. Tại Long Thành, một trong những trận đánh bằng xe tăng dữ dội nhất cuộc chiến đã tràn ngập lên căn cứ thiết giáp của quân đội Sài Gòn. Trong vòng cung từ Đông Nam sang Đông Bắc chỉ còn căn cứ không quân Biên Hoà, đang bị cắt đứt ngày chủ nhật, lần cuối cùng và mãi mãi. Những cuộc tấn công dữ dội vào các tiền đồn ở Mỹ Tho-Long An đã đẩy sư đoàn 9 lùi về phía Sài Gòn. Phía Nam và Tây Nam Sài Gòn, 20 nghìn bộ đội Bắc Việt Nam chỉ còn cách Sài Gòn 15 dặm. Phía Tây Bắc Sài Gòn, dọc quốc lộ 1 đi Campuchia, vài sư đoàn Bắc Việt Nam đã cắt đứt con đường ấy, đẩy sư đoàn 25 giạt ra 2 hướng nằm ngoài xa vành đai Sài Gòn. Hai đại đội của sư đoàn 9 Bắc Việt Nam rẽ vào Gia Định, chốt các cầu trên quốc lộ 1 gần cửa hàng tạp hóa Mỹ và kho chứa hàng viện trợ Mỹ.

Các tướng lĩnh Sài Gòn bắt đầu dàn thế trận lần cuối. Biệt động quân và lữ đoàn dù cuối cùng được dàn thành hình quạt từ phía Nam sang Đông Bắc Sài Gòn. Đó là lực lượng phòng thủ đáng thương hại, bị áp đảo với tỷ lệ 1 chọi 15. Phe cộng đang thiết lập vị trí tiền tiêu, thử phản ứng của quân đội Sài Gòn. Nhưng viên tướng 4 sao duy nhất trong quân đội lúc bấy giờ là Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên đã lên máy bay riêng loại C.47 vào xế trưa thứ hai bay đi Băng-cốc. Hơn nửa số tướng lĩnh Sài Gòn đã bỏ chạy khỏi đất nước. Thủ tướng cuối cùng-Nguyễn Bá Cẩn cũng lên chiếc C.141 rời Sài Gòn.

Ba hoả tiễn rơi xướng Sài Gòn ngày thứ hai. Không cần lời cảnh cáo nào thêm nữa về việc cộng sản sẵn sàng đánh chiếm Sài Gòn. Đến trưa, thính giả nghe đài phát thanh của sứ quán biết được Martin đang làm gì trong phần thời gian cuối trong ngày cuối khốn khổ này. “Đại sứ Tám có một bộ sưu tập những vật quý giá trao cho đại sứ (Mỹ) giữ gìn và ông ta cần một số người gói hàng. Ông ta cần khoảng 20 hộp nhỏ, khoảng một tá hộp lớn hoặc thùng và một số chăn bông. Đại sứ Martin quan tâm trong vụ này: Chúng tôi muốn chuyển ông ta (Tám) và đi vào ngày hôm nay…”.

Ai đó ở đầu bên kia đài phát thanh của đại sứ quán đã vạch cho thấy những vấn đề cụ thể trong việc chuyển đồ cổ của tướng 3 sao Trần Ngọc Tám, người đã trở thành bạn của Martin khi cả hai đều làm đại sứ tại Thái Lan trong thập kỷ 60. Có lẽ Martin muốn giúp đỡ gói ghém hành lý. Nhưng những người di tản khác thì đang ra đi một cách khôn ngoan. Họ bỏ lại tài sản cuộc đời-hay nói đúng hơn là tìm cách dồn tài sản cuộc đời vào trong một cái túi đeo vài thôi thì mới thoát được.

Di tản.
 
Mục lục:

   

1 nhận xét:

  1. Hoc sinh mẫu giáo vùng caolúc 07:23 1 tháng 5, 2014

    NGHIÊM! CHÀO CỜ, CHÀO!

    Đoàn quân Việt Nam đi
    Chung lòng cứu quốc,
    Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa,
    Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước,
    Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca,
    Đường vinh quang xây xác quân thù,
    Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu,
    Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,
    Tiến mau ra sa trường.
    Tiến lên! Cùng tiến lên!
    Nước non Việt Nam ta vững bền.

    Lời 2

    Đoàn Quân Việt Nam đi
    Sao vàng phấp phới
    Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than
    Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới
    Đứng đều lên gông xích ta đập tan
    Từ bao lâu ta nuốt căm hờn
    Quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn
    Vì nhân dân chiến đấu không ngừng
    Tiến mau ra sa trường
    Tiến lên! Cùng tiến lên!
    Nước non Việt Nam ta vững bền.

    Trả lờiXóa