Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Phần 4- 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ - Alan Dawson

Lời dẫn: 39 năm đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975 lịch sử. Với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, thế hệ trẻ chúng ta hôm nay có rất nhiều điều kiện thuận lợi để tìm hiểu về sự thật những trang lịch sử hào hùng của dân tộc. Ngoài những trang sách giáo khoa được học tập trong trường phổ thông hay ở giảng đường đại học; ngoài những trang hồi ký cả các vị tướng lĩnh cách mạng, chẳng có ai cấm cản chúng ta tìm đọc những cuốn sách, những bài báo của những người ở bên kia chiến tuyến.

Dịp 30/4 năm ngoái, Google.tienlang đã đăng toàn văn cuốn sách "55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ" của Alan Dawson. Tiếc rằng blog cũ của chúng tôi đã bị chiếm đoạt. Kỷ niệm ngày Giải phóng Sài Gòn năm nay, chúng tôi xin đăng lại cuốn sách này...
************
  *************

 Một điểm khác chẳng mấy ai nghi ngờ là Weyand cũng như Phú và chính quyền Sài Gòn đánh giá không đúng sự đổ vỡ tinh thần của dân chúng chống cộng và binh lính Sài Gòn. Họ cảm thấy bị phản bội. Không những bởi Mỹ không còn viện trợ mà bởi cả tổng thống của họ là Thiệu. Trong lúc ấy họ lại coi Bắc Việt Nam thuộc hạng siêu nhân. Thế là thấy được “Việt Nam Cộng hoà” tận số rồi. Weyand và các nhà lãnh đạo Mỹ vì lý do nào đó mà đui mùi trước thực tế này, thái độ đó sẽ gây biết bao thống khổ trong 31 ngày kế tiếp.
Thống khổ đầu tiên thấy được là tấn thảm kịch Nha Trang sụp đổ ngày 1-4, không có lấy một cuộc giao tranh, sụp đổ trong sự hoảng loạn. Hoảng loạn bắt đầu từ việc mất Quy Nhơn. Tên tỉnh trưởng và tư lệnh sư đoàn 22 đã bỏ rơi tỉnh lỵ Bình Định quá nhanh chóng. Phần nửa cái sư đoàn 10 nghìn người ấy với trang bị đầy đủ để đánh nhau lại bỏ chạy lên tàu thuyền. Bộ đội Bắc Việt Nam, ước lượng chỉ độ cấp trung đoàn đã xung phong vào Dục Mỹ. Việc Dục Mỹ bị bỏ rơi không có ai chống cự đã vọng về Nha Trang. Sở chỉ huy của Phú đã gói ghém hành trang, rõ ràng là nó lại sắp di chuyển. Sự hoảng loạn từ đó mà lớn lên không ai ngăn được.

Thu gom vũ khí, chiến lợi phẩm.
Binh nhì Đức và đám thuỷ quân lục chiến đến vịnh Cam Ranh ngày 1-4. Bọn quân cảnh, bình thường dữ tợn, nhưng lúc này thấy hãy nên tránh xa bọn thuỷ quân lục chiến. Bọn này lên bờ, bắt đầu chất người lên xe tải, xe jeep, xe du lịch, chĩa súng vào người lái yêu cầu chở đi Nha Trang. Những người lái hiểu ngay vì không muốn bánh xe bị bẹp gí bởi đạn M.16. Vừa ra khỏi vịnh Cam Ranh, đám thuỷ quân lục chiến nhanh chóng biết được Nha Trang giờ đây hoặc chẳng bao lâu nữa sẽ nằm trong tay cộng sản.
Gần một nửa đám lính này lại gí súng vào lái xe yêu cầu đưa họ quay lại vịnh Cam Ranh. Họ lại lên những chiếc tàu đã chở họ từ Huế đi Đà Nẵng, từ Đà Nẵng đi Cam Ranh và bây giờ từ Cam Ranh xuôi tiếp về phía Nam. Đức không có mặt trong tốp đó. Đức và hàng nghìn người khác cứ ngồi trên xe chạy dọc quốc lộ 1. Mục tiêu là đến Sài Gòn. Hàng nghìn người khác bỏ chạy về phía Nam, trong đó có cả Phú và sở chỉ huy quân đoàn 2.
 Cũng như Đà Nẵng, việc Nha Trang sụp đổ được xác nhận bằng một cú điện thoại đến chỉ huy quân sự ở Sài Gòn. Từ Nha Trang, tỉnh trưởng Khánh Hoà đã gọi về lúc xế chiều. Ông ta hét vào tai người sĩ quan trả lời điện thoại, làm cho người này sững sở với câu nói: “Tôi đi đây, tình hình tuyệt vọng rồi”. Rồi ông ra cúp điện thoại.
Giờ đây, cái gọi là quân lực Sài Gòn một triệu người đã bị tiêu diệt đúng phần nửa. Sáu sư đoàn rưỡi được gọi một cách văn vẻ là “mất hiệu lực tác chiến”. Chẳng sư đoàn nào sẽ chiến đấu trở lại. Những gì còn lại: chỉ có nửa sư đoàn dù và sư đoàn 18 được xem là còn đôi chút giá trị. Các sư đoàn 5 và 25 đã mất hiệu lực vì tư lệnh của chúng nằm tù do tham nhũng và bán vật liệu cho Việt Cộng. Ba sư đoàn khác nằm trong vùng châu thổ, năng lực đáng nghi ngờ và không thể chuyển về Sài Gòn được.
Hai tỉnh khác cùng Nha Trang rơi vào tay cộng sản là Quy Nhơn và Tuy Hoà. Thế là 15 trong số 23 tỉnh phía Bắc Sài Gòn vĩnh viễn nằm trong tay Bắc Việt Nam và Việt Cộng. Riêng tại Đà Nẵng, 100 nghìn lính Sài Gòn bị bắt. Tổng số lực lượng bị mất ước chừng 300 nghìn người, chưa kể số binh sĩ chẳng bị bắt, bị thương mà chỉ hoàn toàn vô tổ chức. Ba trong bốn thành phố lớn nhất ở Nam Việt Nam đã nằm trong tay cộng sản. Khoảng 2 triệu dân di tản về phía phòng tuyến Sài Gòn. Họ là những người làm nghẽn đường đi, ngốn thức ăn, làm mất thì giừ và đòi chiếm đủ mọi thứ phương tiện khác.

Tướng 4 sao Trần Thiện Khiêm - Thủ tướng chính phủ VNCH năm 1975.
Chính trong ngày này, cột trụ của Thiệu là Trần Thiện Khiêm thông báo ý định từ chức. Khiêm nói thẳng với Thiệu rằng Thiệu đã mất hết tín nhiệm không những đối với các nhà chính trị mà còn cả với quân đội nữa. Khiêm là một trong hai tướng 4 sao ở Sài Gòn (tay kia là Cao Văn Viên) là lý do chính giữ Thiệu tại vị. Chừng nào Khiêm còn ủng hộ Thiệu thì đa số các tướng khác cũng vậy. Thiệu đang cố tìm cách né tránh những lời đả đảo đã huỷ bỏ luôn buổi họp chia tay với tướng Weyand lúc 5 giờ chiều ngày 1-4. Thiệu hẹn gặp lại Weyand, Martin và tướng Viên vào sáng ngày 2-4. Weyand đang nóng nảy muốn cuốn gói về sớm để báo cáo với tổng thống Mỹ. Nhưng Thiệu lại huỷ bỏ buổi hẹn ấy lần nữa. Đang bù đầu với những khó khăn chính trị, Thiệu chưa sẵn sàng gặp những người Mỹ này. Rốt cuộc, chiều ngày 2-4, lúc 17 giờ Thiệu mới chịu tiếp họ. Tay tổng thống đã bị tác động nên khinh miệt gay gắt với Martin và Weyand, Thiệu rút ra một lá thư của cựu Tổng thống Nixon hứa can thiệp bằng quân lực Mỹ vào cuộc chiến tranh Việt Nam nếu cộng sản vi phạm hiệp định. Thiệu mắng nhiếc chính quyền Mỹ, nói thẳng vào mặt Weyand là về phần mình, con người Thiệu đã bị Kissinger viết chung một hoá đơn bán đứt cùng với Hiệp định Paris rồi. Cuộc gặp gỡ cù cưa, cù nhầy cho đến lúc nó chấm dứt.
Trong lúc những chuyện đại loại như vậy đang diễn ra ở Việt Nam thì ở Washington, Nhà Trắng nhận được báo cáo: Mọi việc vẫn ổn định và có chiều hướng tốt.


Leon Daniel (phải) là người đã đánh bức điện thông báo Sài Gòn sụp đổ vào ngày 30-4
David Kennerly (trái) là nhiếp ảnh gia đoạt giải Pulitzer, bạn của TT Ford, người đã có mặt trên chiếc máy bay trực thăng Mỹ bị tàn quân Ngụy bắn khi tháo chạy ngoài khơi Đà Nẵng.

Tuyến phòng thủ và trẻ em

Trận đánh chiếm Sài Gòn đã bắt đầu từ cái ngày sau thảm họa Nha Trang, mặc dù lúc ấy ít ai nhận ra điều đó. Đúng 4 tuần sau, nó kết thúc thảm họa di tản sứ quán Mỹ vài giờ.
Với những ai ở Việt Nam 4 tuần ấy, các sự kiện như nhoè đi. Những giờ phút thật dài, trí nhớ không hoàn toàn đáng tin cậy nữa. Muốn viết phải sắp xếp lại dữ kiện, không thể dựa vào trí nhớ riêng của mình. Phải dựa vào cả những ghi chú, điện văn có liên quan. Sự kiền dồn dập như phim quay nhanh. Với người Nam Việt Nam, nó còn là thảm kịch, sợ hãi, tuyệt vọng. Tháng 4 ở Sài Gòn là toàn bộ cuộc chiến tranh 30 năm thu nhỏ lại.
Trẻ con Việt Nam được thế giới nhìn như đám cô nhi lăn lóc trở thành chất xúc tác cho cái bệnh di tản sau khi Nha Trang sụp đổ. Những người quản lý các viện mồ côi ở Sài Gòn để lộ ý muốn của họ cho đám trẻ con đi. Điều này tức khắc trở thành thời cơ tuyên truyền không chỉ riêng cho những người thực tâm giúp đỡ trẻ em. Những kẻ mỉa mai, ích kỷ đã tìm thấy thời điểm ngon lành. Trong bọn này phải liệt Martin vào đấy. Vào một lúc không được kín đáo, Martin đã nói với một người trong đám thân tín rằng, vấn đề di tản trẻ con là đòn tuyên truyền tuyệt diệu. Viên đại sứ cảm thấy việc làm rùng beng tối đa chương trình di tản trẻ em giúp vào việc lái dư luận quốc hội Mỹ nghiêng về phía Sài Gòn. Mọi âm mưu đã thành công. Chiều ngày 3-4, một chiếc DC.8 đã chở 85 trẻ mồ côi và một số nhà báo chọn lọc từ Nam Việt Nam đi Mỹ.

Những em bé này đã chết cho cái gọi là "đòn tuyên truyền tuyệt diệu" của Martin.
Chiếc C5A đã hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất sáng sớm ngày 4-4. Nó quá lớn đến nỗi có vẻ chậm chạp trong khi bay. Công nhân bốc xuống hàng chục tấn thiết bị quân sự cho cái quân đội khốn khổ. Người ta sắp đặt cho nó cất cánh trưa hôm ấy với chuyến hàng chính thức là trẻ mồ côi và những người Mỹ, danh nghĩa là đi theo chăm sóc trẻ. Các nhà báo được ân cần mời ra Tân Sơn Nhất để chụp hình và phỏng vấn đám trẻ lên phi cơ. Chiếc C5A thuộc loại máy bay khổng lồ trên trời. Một số ít may mắn kiếm được ghế ngồi còn tuyệt đại đa số khoảng gần 400 trẻ em phải chui xuống dưới các dây chằng hàng. Cuối cùng cái cửa sổ khổng lồ cũng được đóng lại. Nó được đài không lưu báo là trống chỗ để di chuyển ra đầu đường băng. Phanh nhả ra. 4 động cơ phản lực khổng lồ rít lên. Chiếc máy bay lấy đà rồi cất cánh.
4 giờ 45 phút chiều hôm đó, máy bay ra đến biển Đông ở độ cao 4 dặm. Nó tiếp tục nâng độ cao lên 8 dặm mới ổn định đường bay. Lúc bấy giờ, trong máy bay hành khách còn bị chằng dây an toàn. Phần đông người lớn nắm tay nhau thành trò vui. Một số người cất tiếng hát. Bỗng nhiên, cánh cửa máy bay văng mất, sức hút của gió cuốn đi những vật gì không được cột chặt trong máy bay, kể cả mấy đứa trẻ sơ sinh. Chiếc máy bay cố tìm cách quay lại Tân Sơn Nhất. 20 phút sau, phi công không sao giữ được máy bay ổn định nên quyết định hạ cánh khẩn cấp. Chiếc phản lực khổng lồ chạm xuống một cái gò trên ruộng lúa, lướt qua con rạch rồi sựng lại trong đám ruộng kề đó, cách Tân Sơn Nhất không đầy 2 dặm. Lửa bùng cháy và khói làm cho số lớn người trên máy bay bị thiệt mạng.
Martin nhận cú điện thoại báo tin tai nạn máy bay rơi. “Chiếc C5A đã rơi”-một viên chức Hoa Kỳ nói với Martin bằng điện thoại siêu tần số của toà đại sứ. “Vâng”, Martin trả lời. “Có người sống sót”, viên chức ấy nói tiếp. “Vâng, cảm ơn anh”. Martin đáp rồi cúp điện thoại.

19 giờ sau, một máy bay phản lực B.747 chở 400 trẻ em khác ra khỏi Việt Nam. Cuộc di tản những người Mỹ vẫn không được sứ quán Hoa Kỳ giúp đỡ. Martin sẵn sàng giúp trẻ con bởi vì đám cô nhi ấy “giúp” ông ta. Còn với đồng bào của viên đại sứ, Martin vẫn giữ vững lập trường là pháp luật phải được tôn trọng.
Quân đội Sài Gòn đã bỏ thêm Đà Lạt vào ngày 3-4. Ở Sài Gòn người ta tự hỏi khi nào phòng tuyến được giữ vững? Khi Đà Lạt được trao cho cộng sản thì Khiêm đọc diễn văn cuối cùng trên đài phát thanh quân đội Sài Gòn. Thực tế Khiêm vẫn là quân nhân nhưng đã lột sao để nắm vai trò dân sự là thủ tướng. Với giọng đều đều, Khiêm đã đọc bài diễn văn chiến đấu trong giờ ngủ trưa, không chắc có đến 10% người nghe, van nài đồng bào đừng rút lui, công bố ý định từ chức để phản đối Thiệu.
Ngày 4-4 ấy là ngày bận rộn đối với Thiệu. Chấp nhận cho Khiêm từ chức, mở cuộc bắt bớ thứ hai các đối thủ chính trị, gặp Weyand trước khi viên tướng này về báo cáo với Ford. Weyand cho Thiệu biết rằng viện trợ cho Nam Việt Nam sẽ gặp khó khăn nếu rút lui nữa. Mỹ đã quyết định lập phòng tuyến Phan Rang-Tây Ninh, nhưng Nha Trang sụp đổ làm Weyand xúc động vì ở đó ông ta đã nói với các nhà báo rằng, Sài Gòn sẽ chiến đấu. Weyand đã nói thẳng với tay tổng thống Nam Việt Nam rằng những cuộc rút lui quy mô lớn làm mất phiếu quốc hội ủng hộ Sài Gòn. Lực lượng của Thiệu ít nhất cũng phải một lần chiến đấu, thắng được một trận càng tốt.

Thiệu hứa một trận đánh như vậy sẽ diễn ra. Sau đó, Thiệu triệu tập các cố vấn quân sự và quyết định Phan Rang là địa điểm. Thiệu moi móc trong chốc lát rồi quyết định trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi sẽ cầm đầu cuộc chống giữ ấy.
 
Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi của QLVNCH
Viên tướng ba sao này chẳng có thành tích chiến trường nào đáng nói. Nghi đã làm tư lệnh quân khu 4 nhưng tham nhũng công khai, đến nỗi người Mỹ cũng thấy ngượng và đã buộc Thiệu phải cách chức Nghi năm 1974. Nghi không có tài nhưng có lòng trung thành đặc biệt với Thiệu, điều có thể sử dụng vào năm 1975 này. Lần này, Thiệu giao cho Nghi quyền chỉ huy Phan Rang và Phan Thiết cách Sài Gòn 165 dặm về phía Đông Bắc. Về nguyên tắc, Nghi phải báo cáo về sở chỉ huy quân đoàn 3 ở Biên Hoà.
Tối ngày 4-4, Thiệu lên đài truyền hình, khiến người ta phải nhức mắt. Thiệu chửi Mỹ đã cắt viện trợ và kết luận: làm sao người ta có thể tin ở Mỹ được. Thiệu chửi báo chí, doạ trừng trị các hãng thông tấn ngoại quốc bóp méo sự thật. Thiệu sôi nổi hỏi tội các cấp chỉ huy không chịu cố thủ. Với kế hoạch bỏ rơi Tây Nguyên, Thiệu coi đó là ”chiến dịch quân sự xuất sắc bị quân đội thực hiện tồi”, Huế mất vì “phải chọi với lực lượng cộng sản ưu thế hơn”. Đà Nẵng sụp đổ vì “không có thì giờ dựng lên một vành đai phòng thủ trong tình hình hoảng loạn”. Thiệu xác định mình vẫn sẽ là tổng thống và quân đội sẽ chiến đấu từ Phan Rang. Kết thúc bài diễn văn gay gắt, Thiệu ra lệnh tống giam ba tướng: Phạm Văn Phú vì đã cãi vã với Thiệu về chuyện bỏ Tây Nguyên, Phạm Quốc Thuần vì không phòng thủ Nha Trang, Dư Quốc Đống để mất Phước Long. Còn viên tướng thứ tư mà Thiệu muốn bỏ tù thì lại đang nằm giường bệnh vì bị giày vò và xấu hổ, đó là Ngô Quang Trưởng. Trưởng chằng giữ nổi thành phố nào ở khu vực phía Bắc, nằm bệnh viện và đang tuyệt thực. Nhưng Trưởng không điên. Đến ngày tận số của Nam Việt Nam thì Trưởng là người đầu tiên leo lên trực thăng Hoa Kỳ.

Nguyễn Văn Thiệu trên truyền hình chửi Mỹ.
Binh nhì Đức của thuỷ quân lục chiến ngồi xe xuôi theo quốc lộ 1, rời Cam Ranh ngày 1-1. Anh ta dừng chân ở quận lỵ Du Long cùng bạn bè “mua” thức ăn bằng súng, thuê gái đĩ bằng dao găm nhởn nhơ vài ngày. Đến ngày 6-4, khi bốn lính thuỷ quân lục chiến, trong đó có Đức-cười sằng sặc bẻ khóa vồ một xe Jeep và đi thẳng tiếp về Sài Gòn thì đã tươi tỉnh lại. Ra khỏi thị trấn 15 dặm, cả bọn đụng đầu với quân cảnh và bị xung vào quân đội một lần nữa. Đám quân cảnh ấy đang làm việc cho Vĩnh Nghi. Bất cứ ai có vẻ có khả năng chiến đấu đều bị xung vào hoặc ép trở lại quân đội Sài Gòn để phòng thủ Phan Rang.
Một trong các lý do chọn Phan Rang làm phòng tuyến vì đó là quê Thiệu. Nhiều người cho đấy là lý do độc nhất. Tay tổng thống này sinh ra ở bên ngoài Phan Rang, gần Ninh Chữ và sát bờ biển. Mẹ Thiệu sống ở đó đến đầu thập kỷ 70. Tổng thống hay về thăm quê, thường xuyên hơn mọi vùng khác của đất nước. Thiệu theo đạo Thiên chúa là do chiều ý vợ. Lúc nhỏ, Thiệu theo đạo Phật nên vẫn về Ninh Chữ đều đặn để thăm mồ mả tổ tiền.
 Nghi chẳng phải là con người khờ dại về chính trị nên đã vạch kế hoạch phòng thủ Phan Rang bao gồm cả Ninh Chữ, cách Phan Rang 5 dặm về phía Bắc, hơi chếch về hướng Đông. Ninh Chữ không phải là nơi hoàn toàn có thể phòng thủ được. Vài chuyên gia cũng thắc mắc nhưng Nghi giải thích rằng, nó có thể kiếm soát được đường rút lui, hoặc mất Ninh Chữ thì tỉnh lỵ sẽ nằm trực tiếp dưới hoả lực cộng sản.
Đức và 3 người bạn thuỷ quân lục chiến đến Ninh Chữ. Có mặt ở đây gồm quân biệt động, lính bộ binh, nghĩa quân và cả mấy lính không quân. Một số trong đám lính này thậm chí chẳng hề biết viên đạn nằm ở đầu nào của cây súng. Nét chung nhất của lực lượng phòng thủ Ninh Chữ là hầu hết số lính bỏ chạy khỏi chiến trường nơi khác trong 3 tuần lễ qua. Ninh Chữ trở thành một làng chết được bảo vệ bởi đám lính thích bỏ chạy. Ít ai tin rằng họ sẽ thôi không chạy nữa.
Trung tá Bảo xuất hiện vào chiều ngày 7-4 để lãnh trách nhiệm phòng thủ Ninh Chữ. Ông ta báo cáo trực tiếp về tướng Nghi. Theo lời ông ta nói với lính rằng ông ta có ý định giữ vững Ninh Chữ cho viên tướng cũng như cho tổng thống. Bảo là con người nổi bật. Cầm đầu đám lính có một không hai với bộ đồ trận mới toanh và giầy bóng loáng. Ông ra không cho biết mình từ đâu đến, tuy nhiên Đức và đám bạn thân đoán được rằng ông ta từ bộ chỉ huy Sài Gòn ra và được Nghi đích thân lựa chọn.
Khó xác định được đúng ngày trận đánh Phan Rang khởi sự. Thành phố bị pháo kích và dân chúng bỏ đi từ trước khi Nghi nắm quyền chỉ huy phòng thủ. Cuộc tấn công lớn bằng bộ binh xảy ra lần đầu tiên ngày 7-4. Nhưng những biến cố khác làm mờ cuộc phòng thủ Phan Rang. Đó là cuộc ném bom dinh Tổng thống Thiệu ngày 8-4, một điểm ngoặt dẫn đến cuộc di tản người Mỹ.
.
Lính thủy đánh bộ Mỹ trên nóc tòa đại sứ tại Sài Gòn (8/4/1975), cột khói đen là do vụ ném bom xuống dinh Độc Lập

Cái hố tử thủ

Trận đánh Sài Gòn đã bắt đầu, nhưng dân chúng chỉ phát hiện được vào ngày 9-4, một ngày sau cuộc ném bom dinh Thiệu. Ngày 7-4, trận đánh Phan Rang bắt đầu nóng bỏng. Đức không nhìn thấy nhưng nghe được tiếng pháo kích nặng nề trong tỉnh lỵ và căn cứ không quân cạnh đó. Ở Sài Gòn, Thiệu ra lệnh tống giam tư lệnh không quân Tân Sơn Nhất. Tướng 2 sao Nguyễn Văn Hiếu, phó tư lệnh quân khu 3 tự tử sau khi cãi nhau với tướng 3 sao Nguyễn Văn Toàn về chuyện phòng thủ thủ đô. Trận đánh lớn nhất là ở tỉnh Long Khánh, cách Sài Gòn 38 dặm về hướng Đông Bắc. Toàn bộ một sư đoàn cộng sản tràn đến Xuân Lộc. Một cái hố tử thủ đã được đào vào thời điểm ấy.

Chiến sĩ sư đoàn 341 tấn công vào Xuân Lộc.
Phòng thủ Xuân Lộc là lính sư đoàn 18, sư đoàn tệ nhất trong quân đội Sài Gòn. Khi mới được thành lập, nó mang danh sư đoàn 10 và đi đến chỗ màng biệt hiệu “năm-bơ ten” (number ten), một tiếng Anh mà người Việt Nam nói bóng để chỉ “đồ tồi tệ nhất”. Do sự nhục mạ của dân chúng ngày càng nhiều đối với sư đoàn “năm-bơ ten”, nó được đổi thành sư đoàn 18. Giữa thập kỷ 60, nó là sư đoàn quá tệ, tới mức không gây đe dọa gì cho đám tướng lĩnh vốn sợ đảo chính nên nó được đóng trong vùng Sài Gòn.
Hai nghìn quả đạn pháo mở đầu cho trận đánh Xuân Lộc. Trận đánh kéo dài một ngày rưỡi. Xuân Lộc chưa chịu gục, nhưng các tư lệnh Bắc Việt Nam còn những lá bài khác trong tay. Hoa Kỳ đang viện trợ khẩn cấp cho Nam Việt Nam. Viện trợ ấy được trả bằng tiền trong các khoản lưu trữ từ 2 năm trước chưa dùng đến. Quốc hội Mỹ chưa chịu chi thêm viện trợ nhưng tiền trong két sắt lúc ấy vẫn còn quá đủ để giữ cho việc tuồn trang bị và đạn dược đến tay quân đội Sài Gòn trong nhiều tháng liên tục.
Khi trận Xuân Lộc bùng nổ, một chiếc C5A hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất lúc sương mù vừa tan, mang đến 27 tấn mũ sắt và áo giáp chống đạn. Máy bay đỗ, đài Sài Gòn báo cho công chúng Việt Nam biết là ở phía bên kia địa cầu, Tổng thống Ford kêu gọi trong đêm rằng, quốc hội Mỹ nên cho Sài Gòn 722 triệu đôla viện trợ quân sự và 250 triệu đôla viện trợ kinh tế.
Thật ra, quân đội Sài Gòn chẳng cần tiền mà cần thay lãnh đạo. Một quyết định ngờ nghệch do tay tổng thống đưa ra ngày 11-4 là tung một lữ đoàn dù nữa vào Xuân Lộc để mong giành lấy chiến thắng, dù tượng trưng, mà Sài Gòn đang hết sức cần thiết. Lữ đoàn được chở bằng xe đến Long Bình. Ở đấy, lính dù được chất lên các trực thăng khổng lồ loại Si-núc. Mục tiêu cuối cùng là Xuân Lộc, nhưng hoả lực mãnh liệt của cộng sản trong thành phố khiến không thể nào chở quân bằng máy bay vào tỉnh lỵ được. Vì thế phải chọn một bãi đáp trong đồn điền cao su do Pháp quản lý, cách Xuân Lộc 5 dặm về hướng Đông. Đại đội đi đầu được thả xuống. Binh lính dàn trận. Chẳng có lấy một phát súng nổ. Trực thăng bay đi bay lại giữa đồn điền và Long Bình mang thêm lính dù đến. Các sĩ quan ở Sài Gòn và ở chiến trường khen nhau rối rít về cuộc hành quân bất ngờ này.
Trước lúc hoàng hôn, sư đoàn Bắc Việt Nam bao quanh đồn điền cao su bắt đầu mở trận tấn công. Đám lính dù quả thật chẳng hề có cơ hội chiến đấu nào nữa. Liều thuốc an thần cho Xuân Lộc thế là tan nát. Bị hoàn toàn bất ngờ, bị áp đảo ở tỷ lệ 3 đánh 1, đám lính dù đã bại trận ngay lúc trận đánh bắt đầu. Đó là trận đánh úp lớn nhất trong cuộc chiến được thực hiện hoàn hảo của một sư đoàn Bắc Việt Nam. Con số tử thương không lớn nhưng số lính dù tan tác tứ phương. Lữ đoàn bị xoá tên, không còn là lực lượng tác chiến nữa.

Chiến đấu tại Xuân Lộc.
Điều quan trọng sau trận đánh úp là 1 sư đoàn Bắc Việt Nam nữa bước vào tham chiến ở Xuân Lộc. Hai nghìn quả đạn pháo nữa nã vào tỉnh lỵ. Như vậy không đáng sợ bằng đêm đó, cộng sản dùng đặc công chui vào phá một kho đạn nhằm trang bị lại cho 15 tiểu đoàn lính Sài Gòn. Đêm sau, một quả đạn pháo trúng số độc đắc lại rơi trúng trung tâm kho đạn khổng lồ ở Biên Hoà. Kho này cần cho trận đánh Xuân Lộc gồm bom, đạn pháo và đạn súng bộ binh. Thêm đòn nghiêm trọng đánh vào Sài Gòn. Chiếc hố tử thủ đã đào nhưng chẳng có gì để lấp ở đó.

1 nhận xét:

  1. Hoc sinh mẫu giáo vùng caolúc 07:21 1 tháng 5, 2014

    NGHIÊM! CHÀO CỜ, CHÀO!

    Đoàn quân Việt Nam đi
    Chung lòng cứu quốc,
    Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa,
    Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước,
    Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca,
    Đường vinh quang xây xác quân thù,
    Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu,
    Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,
    Tiến mau ra sa trường.
    Tiến lên! Cùng tiến lên!
    Nước non Việt Nam ta vững bền.

    Lời 2

    Đoàn Quân Việt Nam đi
    Sao vàng phấp phới
    Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than
    Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới
    Đứng đều lên gông xích ta đập tan
    Từ bao lâu ta nuốt căm hờn
    Quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn
    Vì nhân dân chiến đấu không ngừng
    Tiến mau ra sa trường
    Tiến lên! Cùng tiến lên!
    Nước non Việt Nam ta vững bền.

    Trả lờiXóa