Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

THƯ NGỎ GỬI ÔNG ĐẶNG NGỌC TÙNG- CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Về Đài tưởng niệm liệt sĩ 14/3/1988

Kính gửi ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam

          Thưa ông, tôi là Nguyễn Đình Quân, phóng viên báo Tiền Phong, đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Khánh Hòa. Tôi vừa được UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, sáng ngày 4/7, ông đã làm việc với ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về việc xây dựng Đài tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh tại đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988. Ông và Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất địa điểm xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma tại khu vực dự kiến xây công viên, bãi đỗ xe ở khu K5 – K6, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Về việc này, tôi có nhiều điều muốn thưa với ông.
          Tôi được biết, việc xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma nằm trong chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát động từ ngày 13/3/2014. Trả lời báo chí về chương trình này, ông nói rằng, trước hết việc xây đài tưởng niệm giúp gia đình các liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma có nơi thắp hương tưởng nhớ người thân vào dịp 14/3, vì họ không thể ra ngoài đảo được. Đài tưởng niệm cũng là sự ghi nhận công lao những anh hùng đã hy sinh bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ tổ quốc cho thế hệ trẻ. Là công dân Việt Nam, tôi ủng hộ chương trình này.
          Thưa ông, viết đến đây tôi lại nhớ đến hình ảnh cụ Phan Thị Đay ở xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa ngồi bất động rất lâu trước bia ghi tên liệt sĩ tại Tượng đài Cam Ranh, ánh mắt cụ như hướng đến một nơi xa, rất xa. Con trai cụ Phan Thị Đay, anh Võ Đình Tuấn đã hy sinh trên đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, khi chưa đầy 20 tuổi. Tôi nhớ đến hình ảnh người yêu của anh Võ Đình Tuấn là chị Nguyễn Thị Dung, chị cũng đã đứng yên lặng thật lâu, trước Tượng đài Cam Ranh. Tôi nhớ đến sự lặng lẽ, âm thầm của chị Đỗ Thị Hà, vợ của Trung úy liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, trong những buổi chúng tôi cùng chị viếng Tượng đài Cam Ranh. Tôi nhớ đến lời cựu chiến binh Nguyễn Văn Tuấn, người trông coi Tượng đài Cam Ranh kể về ngày 17/2/2012, nhằm ngày 26 tháng Giêng năm Nhâm Thìn, một ngày trước ngày giỗ của 64 liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988. Ngày đó, anh Phan Văn Dân, anh trai của liệt sĩ Phan Văn Sự từ Đà Nẵng vào viếng Tượng đài Cam Ranh, cùng một phụ nữ. Suốt buổi viếng, chị ấy cứ lặng lẽ bày hoa trái, lặng lẽ thắp hương rồi ngồi nhìn vào dòng tên liệt sĩ Phan Văn Sự trên bia, lặng lẽ khóc. Anh Dân cho biết, đó là người yêu của liệt sĩ Phan Văn Sự, đến nay chị vẫn không lấy chồng... Tôi nhớ lời dặn của Nguyễn Quang Lăng, người bạn cùng nhập ngũ với tôi ngày 23/7/1979 “khi nào có dịp ra Trường Sa, qua vùng biển Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin, hãy thắp hộ mình nén hương tưởng nhớ anh Doan, anh Hoàng, tưởng nhớ anh em đồng đội của mình, Quân nhé”. Anh Nguyễn Quang Lăng có 2 người bạn thân cùng học tại Học viện Hải quân Varna, Bulgaria là Trung úy Phan Hữu Doan, Thuyền phó tàu HQ-605 và Trung úy Lê Đức Hoàng, Thuyền phó tàu HQ-604, hai anh đã hy sinh ngày 14/3/1988...


Cụ Võ Ta, cha liệt sĩ Võ Đình Tuấn tìm tên con ở Tượng đài Cam Ranh
          Thưa ông Đặng Ngọc Tùng
Tôi rất trân trọng tấm lòng của ông, của những người đề xuất ý tưởng xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma. Và với tất cả sự trân trọng, tôi mong các ông cân nhắc, xem xét lại việc lựa chọn vị trí xây dựng đài tưởng niệm, xem xét lại tên gọi của đài tưởng niệm.
          Theo ông, vị trí mà ông thống nhất với Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa để xây dựng Đài tưởng niệm là vị trí đẹp, cạnh đại lộ Nguyễn Tất Thành nối thành phố Nha Trang với Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, thuận lợi cho người dân khắp mọi miền đất nước đến chiêm bái và tưởng niệm. Nhưng theo tôi, chỉ cần xét theo mục đích giúp gia đình các liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988 có nơi thắp hương tưởng nhớ người thân vào dịp 14/3 hàng năm, đã thấy vị trí đó không phù hợp.
          Tôi hiểu rằng, các ông muốn xây dựng đài tưởng niệm ở tỉnh Khánh Hòa, vì đảo Gạc Ma thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Nhưng Trường Sa không phải của riêng tỉnh Khánh Hòa, mà là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, nỗi đau ngày 14/3/1988 không phải là nỗi đau riêng của người Khánh Hòa, mà là nỗi đau chung của mọi người Việt Nam. Khi xây dựng đài tưởng niệm, cần thấu hiểu điều đó.
          Thưa ông
          Ở tỉnh Khánh Hòa, hiện nay đã có ít nhất 4 nơi thường xuyên có hương khói tưởng nhớ những người con đất Việt đã hy sinh vì nước ngày 14/3/1988. Đầu tiên, là bàn thờ trên đảo Cô Lin, chỉ cách nơi anh em hy sinh ở đảo Gạc Ma khoảng 3 hải lý. Nơi thứ hai, là chùa đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tại đây có bàn thờ và bia phương danh anh linh 64 liệt sĩ. 
 
Bia phương danh 64 liệt sĩ ở chùa đảo Sinh Tồn
Nơi thứ ba là Đài Liệt sĩ ở đảo Trường Sa, thị trấn Trường Sa. 


Đài Liệt sĩ ở đảo Trường Sa
Nơi thứ tư ở đất liền, là Tượng đài Cam Ranh cạnh Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh, thuộc địa phận thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Tại Tượng đài Cam Ranh có bia ghi tên 172 liệt sĩ hy sinh ở khu vực quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 từ năm 1975 trở lại đây, trong đó có tên của 64 Anh hùng, liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988. 


Tượng đài Cam Ranh
Bây giờ, cũng trên đại lộ Nguyễn Tất Thành, chỉ cách Tượng đài Cam Ranh dăm cây số, các ông định xây dựng một đài tưởng niệm nữa, có trùng lắp không, có làm loãng không gian tưởng niệm không? Hơn nữa, địa điểm đó ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tuy thuộc tỉnh Khánh Hòa nhưng không có mối liên hệ trực tiếp, gần gũi nào với sự kiện ngày 14/3/1988.
          Trong số 64 liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988, chỉ có hai liệt sĩ có người ruột thịt đang sống ở tỉnh Khánh Hòa, là liệt sĩ Võ Đình Tuấn và liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh. Có hai liệt sĩ quê ở tỉnh Phú Yên cạnh tỉnh Khánh Hòa, là liệt sĩ Phan Tấn Dư và liệt sĩ Trương Văn Thịnh. Hầu hết các liệt sĩ quê ở các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở ra, như Đà Nẵng (9 liệt sĩ, trong đó riêng phường Hòa Cường có 7 liệt sĩ), Quảng Bình (13 liệt sĩ), Nghệ An (7 liệt sĩ), Thanh Hóa (6 liệt sĩ), Thái Bình (9 liệt sĩ)… Như vậy, nếu xây Đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988 tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, sẽ không thuận tiện cho việc đến thắp hương của phần đông thân nhân liệt sĩ, còn với thân nhân các liệt sĩ ở tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Phú Yên, lâu nay họ đã có Tượng đài Cam Ranh để lui tới, tưởng nhớ người thân của họ. 


  Chị Đỗ Thị Hà, vợ Trung úy liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh thắp hương cho chồng ở Tượng đài Cam Ranh 
           Thưa ông, tại sao không chọn địa điểm xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988 tại thành phố Đà Nẵng, vừa thuận tiện cho thân nhân liệt sĩ ở các tỉnh lân cận đến viếng, vừa thuận tiện kết nối với các hoạt động tưởng nhớ những người đã xác lập, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa?
            Một điều nữa tôi muốn nói, ngày 14/3/1988, súng đã nổ, đạn địch đã bắn vào bộ đội ta không chỉ ở đảo Gạc Ma, mà cả ở đảo Len Đao, đảo Cô Lin. Những người lính Việt Nam gan dạ, anh hùng đã bảo vệ được đảo Len Đao và đảo Cô Lin, quân Trung Quốc chỉ chiếm được đảo Gạc Ma. Trong ngày 14/3/1988, không phải tất cả 64 Anh hùng, liệt sĩ đều ngã xuống ở đảo Gạc Ma. Có hai người đã hy sinh trên tàu HQ-605 ở đảo Len Đao, đó là Trung úy Phan Hữu Doan, Thuyền phó tàu HQ-605 và Trung sĩ Bùi Duy Hiển, nhân viên báo vụ tàu HQ-605. Do vậy, gọi sự kiện xảy ra ngày 14/3/1988 là “hải chiến Gạc Ma” là không đúng, nếu đặt tên đài tưởng niệm 64 liệt sĩ là Đài tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, đó là điều không đúng. Không chỉ không đúng về tên gọi, việc gọi như vậy còn dễ làm sai lệch nhận thức, hiểu biết của nhiều người về sự kiện ngày 14/3/1988, về mặt nào đó là có lỗi với những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.       
          Thưa ông Đặng Ngọc Tùng
          Để bảo vệ Trường Sa, hàng trăm liệt sĩ đã hy sinh, không riêng tại đảo Gạc Ma và đảo Len Đao ngày 14/3/1988. Tại sao chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” hỗ trợ cả thân nhân của 74 quân nhân Việt Nam Cộng hòa ngã xuống trong trận hải chiến Hoàng Sa tháng 1/1974 (tôi ủng hộ việc làm này), mà không hỗ trợ thân nhân của hàng trăm liệt sĩ khác đã hy sinh ở Trường Sa trước và sau ngày 14/3/1988? Đó là điều cuối cùng tôi muốn thắc mắc với ông. Tôi thắc mắc thôi, không có ý gì khác.
          Trân trọng
Nguyễn Đình Quân

          Tái bút:

          Tôi chân thành cảm ơn ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng cảm với tôi, khi tôi phát biểu tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức ngày 11/7, và gợi ý tôi viết thư ngỏ này.
Nguồn: Thiềm Thừ        

2 nhận xét:

  1. Phải xây, nếu không xây thì con tôi làm sao đi du học được

    Trả lờiXóa


  2. đồng ý xây.nếu không xây thì ông TÙNG cùng bộ hạ của ổng làm sao có tiền ăn nhậu và cho con RU học cám ơn nguyễn đình quân với bài viết.

    Trả lờiXóa