Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

Phần 9. “NHỮNG BÍ MẬT VỀ CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT NAM...” - Daniel Ellsberg

Hình bìa cuốn sách  "Những bí mật về chiến tranh Việt Nam - Hồi ức về Việt Nam và Hồ sơ Lầu Năm Góc" (Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon papers)
Tiến sĩ Daniel Ellsberg, sĩ quan Lầu Năm Góc và là cố vấn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ
Lời dẫn của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn: Tiến sĩ Daniel Ellsberg, sĩ quan Lầu Năm Góc và là cố vấn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong buổi phỏng vấn với CNN và trong sách  "Những bí mật về chiến tranh Việt Nam - Hồi ức về Việt Nam và Hồ sơ Lầu Năm Góc" (Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon papers) đã viết: "Không hề có chiến tranh Đông Dương thứ nhất và thứ nhì, chỉ có một cuộc xung đột nối tiếp trong một phần tư thế kỷ. Dùng ngôn từ thực tế, đứng về một phía (Mỹ), ngay từ đầu nó đã là một cuộc chiến của Mỹ: mới đầu là Pháp - Mỹ, sau đến toàn là Mỹ. Trong cả hai trường hợp, nó là một cuộc đấu tranh của người Việt Nam – không phải là tất cả người Việt Nam nhưng cũng đủ để duy trì cuộc đấu tranh – chống chính sách của Mỹ và những kinh viện, ủy nhiệm, kỹ thuật gia, hỏa lực, và cuối cùng, quân đội và phi công, của Mỹ... Cuộc chiến đó không có gì là "nội chiến", như nó đã không là nội chiến trong cuộc tái chiếm thuộc địa của Pháp được Mỹ ủng hộ. Một cuộc chiến mà trong đó một phía hoàn toàn được trang bị và trả lương bởi một quyền lực ngoại quốc – một quyền lực nắm quyền quyết định về bản chất của chế độ địa phương vì những quyền lợi của mình – thì không phải là một cuộc nội chiến... Theo tinh thần Hiến chương Liên Hiệp Quốc và theo những lý tưởng mà chúng ta (nước Mỹ) công khai thừa nhận, đó là một cuộc ngoại xâm, sự xâm lược của Mỹ".
Mời xem video clip mới nhất của Kênh QPVN- Chuyên mục Nhận diện sự thật số 120 ngày 27/4/2018:
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trả lời trên Kênh QPVN: VÌ SAO LỊCH SỬ CHIẾN THẮNG 30-4 VẪN BỊ XUYÊN TẠC?


Theo yêu cầu của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Google.tienlang xin đăng trọn bộ cuốn sách "Những bí mật về chiến tranh Việt Nam - Hồi ức về Việt Nam và Hồ sơ Lầu Năm Góc" (Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon papers) của Tiến sĩ Daniel Ellsberg, sĩ quan Lầu Năm Góc và là cố vấn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
*************
Chương 16. Tới khách sạn Pierre

Trong khoảng thời gian hai năm sau khi Lyndon Johnson quyết định không ra tranh cử lần thứ hai, từ tuyên bố của ông ta vào ngày 31-3-1968 tới khi Nixon xâm lược Campuchia ngày 30-4-1970, cuộc chiến tranh Việt Nam dường như không còn được giới chính trị ở Mỹ bàn cãi nhiều như một vấn đề nóng hổi. Trong toàn bộ quá trình đó, bao gồm cả những cuộc bầu cử của Đảng Dân chủ chọn ứng cử viên ra tranh cử Tổng thống, chiến dịch vận động tranh cử vào mùa thu và 16 tháng đầu tiên của chính quyền Nixon, cuộc chiến tranh Việt Nam nổi lên hai lần như một cuộc tranh luận rất ngắn gọn: trong đại hội Chicago và khoảng sáu tuần phản đối quyết liệt mùa thu năm 1969.

Việc dư luận không mấy tranh cãi và bàn bạc (trừ trong những thời kỳ vừa nêu trên) phản ánh niềm tin kiên định trong đởi sống chính trị ở Mỹ: tuyên bố của Johnson ngày 31-3, bao gồm cả quyết định của ông ta ngừng ném bom phần phía bắc của Bắc Việt Nam và mong muốn đàm phán với chính phủ

Hà Nội tạo ra một bước ngoặt rất quan trọng mang tính quyết định dẫn đến việc chấm dứt nhanh chóng sự can thiệp của Mỹ vào chiến tranh Đông Dương.

Bản thânHồ sơ Lầu Năm Góc- tối mật "Lịch sử quá trình hoạch định chính sách của Mỹ tại Việt Nam, 1945-1968" - phản ánh tình hình tương tự trong những trang cuối và ngay trong tiêu đề của tập tài liệu đó. Nghiên cứu này, khi được McNamara bắt đầu tiến hành từ giữa năm 1967, là một nghiên cứu chính thức xét về nội dung và thời gian, và công việc nghiên cứu tiếp tục đến đầu năm 1969; nhưng các tác giả và người giám sát nghiên cứu này quyết định ngừng nghiên cứu vào ngày 31-3-1968. Việc chọn ngày này để quyết định ngừng nghiên cứu đối với lịch sử hoạch định chính sách của Mỹ ở Việt Nam thực sự phản ánh sự thật rằng những ai phụ trách về nghiên cứu đó (Morton H. Halperin và Leslie Geth, dưới sự giám sát của Paul Warnke) có cùng niềm tin như dân chúng rằng việc đưa ra tuyên bố ngày hôm đó chính là sự chuyển hướng có tính quyết định đối với việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Chương kết 3 trang ở cuối tập tài liệu này bắt đầu với tuyên bố ngày 3-4 của Hà Nội rằng Hà Nội sẽ đàm phán với Mỹ và viết tiếp: "Bước đầu tiên trên con đường dài tiến tới hoà bình đã được khởi động. Trong một hành động đầy kịch tính, Tổng thống Johnson đã một lần đưa vấn đề Việt Nam ra khỏi tranh luận chính trị trong nước"(90).

Cái gọi là "đã một lần" đó kéo dài trong gần hai năm.

Những gì nổi bật trong quá trình kéo dài này về niềm tin bị lừa dối của công chúng rằng hoà bình đã cận kề đâu đây là ở chỗ mặc dù một số hình thức hội đàm và cuối cùng là đàm phán chính thức đã được tiến hành nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn không ngừng và quy mô không kích vẫn không hề giảm. Sau tháng 3-1968, máy bay Mỹ không còn dội bom trên vĩ tuyến 20 ở Bắc Việt Nam nữa. Sau tháng mười một thì không còn dội bom một lần nào xuống miền Bắc Việt Nam nữa. Nhưng đơn giản là Mỹ chỉ chuyển hướng ném bom sang Nam Việt Nam và Lào (và bí mật đầu năm 1969 chuyển hướng ném bom sang cả Campuchia), một số lượng bom lớn hơn bao giờ hết.

Từ tháng 11-1968 đến tháng 8-1969, tôi đã ngờ nghệch hy vọng (như tất cả những người khác) về tiền đồ của một giải pháp thông qua đàm phán. Nhưng tôi có lẽ là người thuộc nhóm thiểu số vẫn còn nhớ thực tế cuộc chiến trên quy mô lớn, cùng với khả năng rằng cuộc chiến này có thể còn tiếp tục lâu dài và leo thang bằng quyết định của Washington hay Hà Nội.

Tính tới ngày 6-11-1968, một ngày sau bầu cử, tôi tiếp tục bị ám ảnh bởi chiến tranh Việt Nam sau mười tuần quyết tâm không nghĩ gì về nó nữa. Sáng hôm đó, tin tức báo chí cho biết Hubert Humphrey đã thua cuộc không khiến tôi bận tâm. Tôi đã bỏ phiếu cho Humphrey vì mọi lý do nhưng Việt Nam mới là mối quan tâm duy nhất của tôi. Tôi không có lý do gì để nghĩ rằng Nixon có thể kéo dài cuộc chiến thất bại của Đảng Dân chủ lâu hơn Humphrey. Là người của Đảng Cộng hoà, ông ta có thể làm được ngược lại. Việc ném bom ở miền Bắc đã chấm dứt, mở ra khả năng đàm phán thực sự, và Nixon đã công khai ủng hộ điều đó. Thậm chí ông ta còn đề nghị muốn tới Sài Gòn, ngay trước kỳ bầu cử, để hối thúc Thiệu đồng ý đàm phán tại Paris.

Trên thực tế, lời bình luận tồi tệ nhất mà tôi nghe được về Nixon là từ Henry Kissinger của Đại học Harvard. Ông ta là học trò cưng và là cố vấn của Nelson Rockefeller. Ông ta đến thăm Rand vào ngày thứ sáu, 8-11, ba ngày sau cuộc bầu cử theo lời mời của Fred Iklé, Trưởng khoa Khoa học xã hội.

Trong buổi nói chuyện ngày hôm đó, Kissinger nhắc đi nhắc lại tuyên bố mà ông ta đã phát biểu tại đại hội của Đảng Cộng hoà:

"Richard Nixon không xứng đáng được làm Tổng thống".

Dường như đó là lời nhận xét lộ liễu đối với một người hoạt động tích cực trong đời sống chính trị của Đảng Cộng hoà, đặc biệt giờ đây khi Nixon đã được bầu làm Tổng thống. Tuy vậy, điều đó không ngăn được Kissinger nhận lời mời của Nixon vài tuần sau đó, làm Cố vấn An ninh quốc gia.

Đây là một trong những lần đầu tiên Kissinger tới thăm Rand sau một thời gian quan hệ đóng băng từ cuối những năm 1950 vì Rand chỉ trích chủ trương của ông ta coi việc sử dụng chiến tranh hạt nhân hạn chế là công cụ trong chính sách của Mỹ viết trong cuốn sách năm 1957: "Vũ khí hạt nhân và Chính sách đối ngoại". Chủ đề này đã thu hút được sự quan tâm của Nixon, lúc đó đang làm phó Tổng thống. Một bức ảnh in trên trang nhất của tờThời báo New Yorkcho thấy Nixon cầm quyển sách, tên quyển sách được in rõ ràng, khi ông ta bước vào cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia. Tôi nghĩ đó là một cách quảng cáo sách kỳ lạ.

Nhưng đã nhiều năm qua, cả Nixon và Kissinger đều không có những nhận xét công khai và tích cực về vũ khí hạt nhân.

Trong những năm gần đây, Iklé đã kết bạn với Kissinger và nối lại quan hệ giữa ông ta với Rand. Về vấn đề Việt Nam, tôi có ấn tượng rất tốt với ông ta, kể từ những cuộc tranh luận ở Sài Gòn năm 1965, khi ông ta là một cố vấn tới thăm Đại sứ Lodge.

Trong buổi nói chuyện tháng mười một năm 1968 tại Rand, ông ta nói với nhân viên làm việc cho Rand, trong đó có tôi rằng, "tôi biết về Dan Ellsberg nhiều hơn bất kỳ ai ở Việt Nam". Đó là một điều rất thú vị được nghe thấy trước các bạn đồng nghiệp. Kissinger có thói quen tâng bốc về một ai đó trước mặt những người khác. Tôi biết ông ta đang muốn nói gì.

Đó không phải là những thông tin cụ thể mà tôi đã cung cấp cho ông ta khi chúng tôi nói chuyện với nhau ở Sài Gòn vào tháng mười năm 1965 - lúc đó tôi chưa phải là chuyên gia nghiên cứu sâu về Việt Nam, tôi mới đến Sài Gòn được vài tháng ông ta đã bắt đầu bằng việc đặt một câu hỏi rất hay: làm thế nào để thông báo cho ông ta thật nhanh.

Tôi đã nói với ông ấy tránh mất thời gian tại các cuộc họp chính thức hay nói chuyện với ai đó khi có mặt sếp của ông ta.

Thay vì làm điều đó, ông ta nên tìm kiếm những ai đã ở Việt Nam lâu, những ai hiểu biết rõ về tình hình - đặc biệt, những ai nói được tiếng Việt, có bạn bè người Việt và có khả năng đi lại giữa thành phố và vùng nông thôn. Ông ta nên nói chuyện riêng với họ, hỏi họ tên của những người mà họ kính trọng và sau đó tìm cách nói chuyện với những người đó. Đặc biệt ông ta nên hỏi tên của những người Việt Nam mà ông ta muốn nói chuyện. Tôi rất may mắn được người ta khuyên như vậy khi đặt chân tới Việt Nam. Tôi đưa cho ông một danh sách những người Mỹ và người Việt Nam để có thể bắt đầu công việc của mình.

Tôi đã nói với ông ấy rằng trong chừng mực mà tôi biết, McNamara không bao giờ làm điều này trong những chuyện công du thường xuyên của ông ta tới Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tham dự những cuộc họp chính thức và nói chuyện với các quan chức chóp bu; và khi ông ta gặp các cố vấn hay các sĩ quan tham mưu cấp dưới thì bao giờ cũng có mặt các tướng tá của họ. Dường như ông ta không bao giờ nhận thức được rằng làm việc kiểu ấy sẽ khiến ông ta tốn kém đến đâu, Đại sứ quán và Tham mưu hỗ trợ quân sự của Việt Nam sẽ lôi kéo và ông ta sẽ bị lừa dòí đến mức độ nào. Điều tương tự cũng đúng với hầu hết các chính khách cấp cao khác.

Tôi có ấn tượng rõ nét rằng Kissinger thực sự đã làm theo những gì tôi khuyên nên làm, không giống như những người khác ông ta thực sự đã gặp những người tôi gợi ý nên gặp và chỉ trong vài cuộc gặp ngắn ngủi, đã biết được rất nhiều điều.

Ông ta đặt những câu hỏi rất thông minh và chịu khó lắng nghe, ghi chép cẩn thận những gì nghe được. Chẳng bao lâu, Kissinger cũng bắt đầu nghi ngờ và bi quan về tiền đồ của chính quyền Sài Gòn.

Năm 1967 và 1968, tôi cùng Kissinger tham dự một số hội nghị về Việt Nam, nơi ông ta trình bày quan điểm "đi trước thời đại" hơn các chính trị gia khác tại thời điểm đó. Ông ta lập luận rằng mục tiêu duy nhất của chúng ta lại Việt Nam sẽ là bảo đảm một thời kỳ chuyển giao hợp lý sau khi chúng ta ra đi và trước khi Cộng sản tiếp quản, để chúng ta có thể rút quân mà không nếm mùi nhục nhã vì thất bại của những mục tiêu trước đây. Ông ta không giải thích rõ là quá trình chuyển giao như vậy sẽ kéo dài trong bao lâu; trong những cuộc bàn bạc, mọi người thường nói là sáu tháng đến hai năm. Rất ít người hình dung ra rằng lực lượng Cộng sản đợi lâu hơn thời gian đó và một chính phủ có cả Cộng sản trong đó có thể đứng vững lâu hơn một khi quân Mỹ đã rút hết đi.

Làm thế nào để chúng ta có thể trì hoãn lâu đến như vậy?

Giả thuyết của Kissinger là Bắc Việt Nam sẽ không rút quân theo phương án cả hai bên cùng rút. Điều đó sẽ khiến cho Chính phủ Sài gòn và quân đội VNCH đối chọi với Mặt trận dân tộc giải phóng. Với việc Mỹ tiếp tục viện trợ tài chính và trang thiết bị, họ có thể trì hoãn thắng lợi của Cộng sản thêm một hai năm nữa hoặc là thoả thuận với họ. Trong khi đó, họ sẽ có thời gian chuẩn bị dựng nên một chính quyền mới.

Liệu Hà nội có đồng ý với phương án cả hai bên cùng rút quân không. Vào năm 1969 và sau đó, câu trả lời là không.

Trong vòng sáu năm sau, Bắc Việt Nam không bao giờ chấp nhận điều đó. Nhưng câu trả lời không hiển nhiên đối với tôi cũng như đối với những người khác. Lời đề nghị đó chưa bao giờ được nêu ra trong đàm phán - thực ra cũng chưa có lần đàm phán nghiêm túc nào - và miền Bắc Việt Nam được đề nghị rằng có ít nhất một cơ hội để họ chấp nhận điều đó. Do vậy đề xuất này là điểm khởi đầu thích hợp để tiến hành đàm phán. Năm 1967, những lời kêu gọi Mỹ đơn phương rút quân toàn bộ, dần dần hay ngay lập tức chủ yếu vẫn là của các trí thức cấp tiến như Howard Zinn hay Noam Chomsky (tôi mới bắt đầu đọc các bài viết của ông này), các nhà hoạt động vì hoà bình và những người kích động công luận như Abbie Hoffman và Dave Dellinger và ứng cử viên chức Tổng thống của phe Hoà bình và Tự do Eldridge Cleaver. Nhân vật chính trị lớn duy nhất đề xuất việc này là Martin Luther King.

Cương lĩnh của Đảng Cộng hoà cho chiến dịch tranh cử năm 1968 rất giống như cương lĩnh của Đảng Dân chủ được Johnson ủng hộ. Người của Nixon đã hợp lực với các đại diện của Nelson Rockerfeller, nổi bật là Henry Kissinger để chống lại quan điểm diều hâu của Thống đốc bang Ronald Reagan. Tuy nhiên, quan điểm của Kissinger gần gũi với cương lĩnh hoà bình của những người bất đồng Đảng Dân chủ hơn là cương lĩnh chính thức của một trong h.ai Đảng. Đặc biệt, mục tiêu thực tiễn của quá trình chuyển giao dường như ít tham vọng hơn và thực tiễn hơn những gì mọi người trong chính giới muốn tuyên bố công khai. Nó di quá cả việc khuyến khích thành lập ra một chính phủ liên hiệp - cương lĩnh thoả hiệp mà Humphrey chấp nhận nhưng Johnson và các lực lượng của ông ta đã bác bỏ - để quy định việc chấp nhận một chính phủ Cộng sản ở Sài Gòn, không ngay lập tức nhưng có thể trong một vài năm. Không một nhân vật chính trị nào công khai tuyên bố điều đó.

Tất nhiên, Kissinger chưa công khai tuyên bố đề xuất của mình, nhưng ông ta đã hối thúc ứng cử viên của Đảng Cộng hoà Nelson Rockerfeller. Mặc dù những người chỉ trích kêu gọi ngừng ném bom và Mỹ rút quân nhưng ngụ ý nói tới việc chấp nhận một chính quyền gần như là Cộng sản ở Nam Việt Nam, họ không nói điều đó một cách rõ ràng, thậm chí khi bàn bạc riêng với nhau, Kissinger sẵn sàng nói đó là một kết cục có thể chấp nhận được trong ngắn hạn và điều này nghe thật kỳ quặc đối với phe chỉ trích.

Nhìn chung, đối với những người trong cuộc không theo đuổi chính sách diều hâu và các học giả biết những gì Kissinger nói trong năm 1968, thì mọi người thấy an tâm khi Nixon bất ngờ chọn ông ta làm Cố vấn An ninh quốc gia sau khi được bầu làm Tổng thống. Ẩn ý ở đây là mong muốn của Nixon "thoát khỏi vũng lầy Việt Nam" cũng lớn như của Humphrey. Giả thuyết này được củng cố khi bài báo của Kissinger đăng trên Tuần báo Quốc tế có tiêu đề là "Đàm phán về Việt Nam" xuất hiện vào tháng giêng năm 1969. Cuối cùng bài báo này cũng lý giải công khai và chi tiết những lập luận riêng trước đây của ông ta cho quá trình tìm kiếm "thời gian quá độ hợp lý" trước khi Cộng sản tiếp quản Sài Gòn. Xét về nhiều phương diện, đó là đóng góp có giá trị vào những cuộc bàn thảo về Việt Nam.

Nhưng căn cứ vào thời gian và hoàn rảnh thì dường như mọi việc còn hơn thế. Xuất hiện cùng lúc với việc chính quyền mới tuyên thệ nhậm chức, trong đó việc bổ nhiệm ông ta đã được thông báo trước đó hai tháng, bài báo này trông giống như việc trình bày luồng quan điểm chính thống. Người ta mặc nhiên cho rằng tân Tổng thống chắc hẳn đã đọc nội dung bài báo, hoặc ít nhất cũng nắm được sơ sơ nội dung đó, trước khi bổ nhiệm và chắc chắn Tổng thống đã đồng ý cho xuất bản bài báo.

Ấn tượng này là giả tạo. Chừng nào ông ta còn đương nhiệm và thậm chí về sau này, Nixon không bao giờ chấp nhận rằng Sài Gòn sẽ trở thành thành phố Hồ Chí Minh dưới trướng Cộng sản sau thời gian "quá độ" hợp lý và ông ta sẵn sàng không chỉ kéo dài cuộc chiến tranh vô thời hạn mà còn mở rộng quy mô cuộc chiến. Kissinger chắc chắn đã được sếp mới của mình thông báo về điều này trước khi bài báo xuất hiện. Nhưng đó là điều bí mật mà ông ta giữ kín, không cho ai ở trong và ngoài Nhà Trắng biết.

Sau khi được Nixon bổ nhiệm, Kissinger yêu cầu Harry Rowen, Giám đốc của Rand chuẩn bị nghiên cứu "Các phương án đối với Việt Nam" và triệu tập cuộc họp đầu tiên của Uỷ ban An ninh quốc gia vào tháng giêng. Ông ta yêu cầu việc này thông qua Fred Inkle. Harry đề xuất tôi sẽ chủ trì công trình nghiên cứu đó. Với kiến thức của tôi thì đó là sự lựa chọn tự nhiên. Kissinger đồng ý việc này, mặc dù có hơi do dự. Inkle nói với tôi rằng Kissinger rất vui khi có tôi chủ trì nghiên cứu nhưng ông ta hơi nghi ngại một chút về "tài phán xét" của tôi.

Tôi rất ngạc nhiên. Không một ai nghi ngại về điều đó cả, trong một thập kỷ vừa qua. Toàn bộ công việc của tôi dựa trên sự tin tưởng vững chắc của mọi người đối với "tài phán xét" của tôi (Tôi không tin rằng Kissinger hay ai đó ngoài tờThời báo New Yorkbiết rằng tháng 3 năm ngoái tôi có bí mật cung cấp thông tin cho Neil Sheehan). Điều gì đã khiến ông ta nghi ngại về tôi như vậy?

Fred trả lời: "Henry nói rằng rất có lợi cho ông ta vì anh tỏ ra thẳng thắn khi nói chuyện với ông ta ở Việt Nam. Nhưng bây giờ ở vào cương vị khác, ông ta nhìn nhận tình hình cũng khác đi ngụ ý ông ta vẫn còn nhớ tính trung thực của tôi ở Sài Gòn - đó là lý do tại sao ông ta tâng bốc tôi vài tuần trước - có thể làm ông ta lo lắng khi nhận tôi vào làm tư vấn. Tôi nói với Fred: "Nhưng khi tôi nói chuyện với ông ta lúc đó, ông ta là nhà tư vấn chính thức cho sếp của tôi là Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn cơ mà?".

Không có vấn đề gì. Thông điệp là ở chỗ chuẩn mực về phán xét giờ đây còn cao hơn. Hoá ra Kissinger khá nhạy cảm với việc tuyên bố công khai rằng ông ta quay ra nhờ Rand giúp đỡ, mà Rand lại là một công ty ngoài, chủ trương hoà bình (theo chuẩn mực của Đảng Cộng hoà) trong cộng đồng quốc phòng. Đặc biệt ông ta không muốn mọi người biết rằng tôi có tham gia vào công trình nghiên cứu, bởi vì tính đến thời điểm đó, những người trong cuộc đều biết tôi phê bình việc Mỹ can thiệp vào Việt Nam. Chính vì kính trọng tôi mà Kissinger đã đồng ý cho tôi tham gia vào nghiên cứu. Tôi nói với Fred rằng Henry không cần phải lo lắng như vậy.

Tuy nhiên, bản thân tôi cũng hoài nghi khi tham gia làm công việc kiểu như vậy trong giai đoạn này. Điều hiển nhiên là từ quan điểm của Kissinger, khi được giới thiệu với Tổng thống, cách trình bày của anh ta cần được coi là "cân bằng", "khách quan, thể hiện những "phương án khác nhau" mà không lập luận mạnh mẽ ủng hộ phương án này hơn phương án khác. Tại thời điểm này tôi không thấy an tâm về việc áp đặt các quan điểm của tôi đối với các vấn đề khác nhau mà tôi thấy tâm huyết, trong bài trình bày cho Tổng thống. Nếu Tổng thống mới, dù là Nixon hay Wallace muốn biết tôi hay ai đó khác ở Rand có kinh nghiệm về Việt Nam nghĩ gì - hoặc thậm chí nếu anh ta không đề nghị điều đó, nếu có cách nào đó để trình bày quan điểm của chúng tôi trước anh ta - thì điều đó rất tốt.

Tuy nhiên, đã nhiều năm nay Rand muốn hoạt động ở cấp chính sách cao hơn là lực lượng không quân hay thậm chí cả Bộ Quốc phòng. Đây thực sự là cơ hội đầu tiên Rand có để làm việc trực tiếp với Nhà Trắng, giúp đỡ Kissinger có thể mở ra những cánh cửa cho Rand. Tôi cũng muốn giúp Harry, mặc dù tôi hơi nghi ngờ về việc trình bày những cách tiếp cận mà tôi tin rằng là những cái bẫy nguy hiểm. Bên cạnh đó, tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng ngay cả nếu tôi có đề cập đến trong bài trình bày của tôi những thuận lợi và bất lợi hơn là tôi muốn thì vẫn có những lợi thế khi tham gia vào công trình nghiên cứu này. Tôi có thể bảo đảm rằng tôi sẽ trình bày một cách đầy đủ và hợp lý hơn những bất lợi của việc leo thang và những thuận lợi của các phương án hoà bình, so với một nhóm làm việc bao gồm các sĩ quan quân đội. Xác định các phương án chiến lược phản ánh các mục tiêu và quan điểm khác nhau đã từ lâu là chuyên môn chính của tôi, tại Rand và trong chính phủ. Đó là một lý do khác, cùng với kinh nghiệm của tôi ở Việt Nam và Washington, khiến cho tôi trở thành điều phối viên của công trình nghiên cứu này.

Nhưng về việc xác định tất cả các phương án, thì quan điểm của tôi rất kiên định. Có một người tại một trong những cuộc họp đầu tiên mà tôi chủ trì nói rằng để giải quyết vấn đề một cách hoàn thiện thì chúng ta có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Tôi nói, nếu tôi không liên quan gì đến công trình nghiên cứu này thì tôi sẽ không ký vào một tài liệu nào gợi ý sử dụng vũ khí hạt nhân, bất kỳ tình huống gì ở Việt Nam. Kể từ đó, không ai còn nêu lại vấn đề này nữa và từ "hạt nhân" không còn xuất hiện trong bất kỳ bản thảo nào của công trình nghiên cứu.

Sẽ có một chính quyền mới, một đảng phái mới lên nắm quyền sau 8 năm. Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 đã làm suy yếu chiến lược Westmoreland và Bộ trưởng Clifford đã hạn chế mức trần đối với số lượng quân. Đàm phán chính thức bắt đầu được tiến hành. Việt Nam đang sẵn sàng, đang yêu cầu và trông đợi những thay đổi. Trên hết, những gì cần làm là theo hướng rút quân. Nhưng vấn đề là làm thế nào và tốc độ được đến đâu?

Tôi đi Washington trong hơn một tuần để kiểm tra những thông tin của tôi với Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao. Tôi đọc các bức điện tín, những dự đoán và có những cuộc nói chuyện lâu với Mort Halperin, Les Gelb và một số người khác để lấy ý tưởng về những gì một vị tân Tổng thống cần đến nhất. Tôi đi đến kết luận rằng những gì ông ta cần nhất là nhận thức được sự rạn nứt trong suy nghĩ trong nội bộ các quan chức đã trở nên sâu sắc hơn và hệ thống hơn so với nhiều năm nay.

Vào buổi chiều trước ngày lễ Giáng sinh năm 1968, tôi đưa tập bản thảo cuối cùng về các phương án cho các thư ký tại Rand đánh máy. Sau khi dàn xếp với vợ cũ của tôi, tôi vui đêm trước Giáng sinh với hai con. Đêm đó tại Malibu, tôi tặng quà cho chúng. Ngày hôm sau, Giáng sinh, tôi lái xe đưa chúng tới mẹ chúng, lấy những giấy tờ tại Rand và ra sân bay với Harry Rowen và Fred Inkle. Tối hôm đó, tại New York, chúng tôi nghỉ ở khách sạn Pierre, nơi mà Nixon và Kissinger đang sử dụng làm đại bản doanh của mình khi chuẩn bị nhậm chức Tổng thống. Tôi đưa tập tài liệu nghiên cứu cho Kissinger đọc trong đêm hôm đó vì sáng hôm sau tôi muốn trao đổi với ông ta.

Sáng ngày hôm sau, trong phòng khách sạn Henry đang sử dụng làm văn phòng làm việc, tôi bàn thảo với ông ta từng trang một của 72 trang tập tài liệu nghiên cứu. Fred và Harry không có mặt ở đó, nhưng Kissinger đã mời Tom Schelling tới New York để cùng làm việc này. Schelling là một giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, có ảnh hưởng lớn đến tư duy của tôi về học thuyết mặc cả. Ông ta trước đây là cố vấn chính thức cho luận văn tiến sĩ của tôi. Giờ đây ông ta là một nhà tư vấn tại Rand và cũng là bạn thân của tôi. Trước đây tôi không biết Kissinger và Schelling thân nhau đến mức độ nào.

Hoá ra, Schelling đặt nhiều câu hỏi hơn Kissinger. Một trong những nhận xét đầu tiên của ông ta là: "Dan, anh không có chiến lược chiến thắng ở đây, một chiến lược mà theo anh chúng ta phải sử dụng để chiến thắng". Thực ra ba chiến lược quân sự đầu tiên mà tôi đưa ra được coi như "Chiến thắng thông qua thương lượng với Cộng sản" và niềm tin của những người ủng hộ chiến lược đó vào chiến thắng, trong những quãng thời gian khác nhau, đều được giải thích rõ ràng. Nhưng tôi không hề tin vào những dự đoán này hoặc giả thuyết cho những dự đoán đó hoặc các chiến lược đi kèm.

Tom nói: "Tôi có cảm giác rằng khi anh trình bày một loạt những phương án trước Tổng thống, anh phải trình bày một chiến lược mà ông nghĩ sẽ đem lại chiến thắng, cho dù anh có thể không kiến nghị áp dụng nó vì nó quá tốn kém hay nguy hiểm hay vì một lý do nào khác. Anh sẽ nói: "Đây là những gì chúng ta phải làm để chiến thắng", cho dù anh không nghĩ là Tổng thống nên làm điều đó".

Tôi nói: "Nhưng tôi không tin rằng sẽ có cách nào đó giúp chúng ta chiến thắng. Một phương cách như vậy không tồn lại. Một số người nghĩ rằng họ có thể làm được điều đó và tôi đã vạch ra những cách tiếp cận của họ nhưng tôi nghĩ họ chỉ nói đùa. Tôi không tin rằng hy vọng của họ chỉ hơn những ảo tưởng".

Mọi người im lặng một lúc. Theo như tôi biết thì trước đó, Kissinger cũng có những kết luận tương tự. Tôi nói tiếp: "Anh có thể đưa một triệu quân vào Nam Việt Nam, có thể là hai triệu và bình ổn tình hình ở đó cho đến khi họ rút quân.

"Anh có thể xâm lược Bắc Việt Nam, giống như người Pháp và sẽ diễn ra một cuộc chiến tranh tồi tệ gấp năm lần những gì chúng ta đã có. Anh có thể đuổi lực lượng Cộng sản qua biên giới, chạy sang Lào và Trung Quốc và tiếp tục đánh đuổi họ. Nhưng anh có thể làm điều đó bao xa và trong bao lâu?

"Anh có thể giết hết mọi người với vũ khí hạt nhân. Tôi không coi đó là chiến thắng". Tôi nói thêm, thực ra nếu có cái gì đó còn sống sót thì có lẽ đó là bộ máy kiểm soát của Đảng Lao động (của lực lượng Cộng sản), bộ máy có thể hoạt động ở Lào hay Trung Quốc nếu cần thiết".

Schelling không nhấn mạnh điểm này, nhưng anh ta đưa ra sự chỉ trích khác: "Ở đây, anh chưa nói gì tới các mối đe doạ. Anh không có chiến thuật đe doạ".

Tôi rất ngạc nhiên. Cả Schelling và tôi đều là các nhà phân tích về lý thuyết mặc cả và đe doạ và ông ta còn là thầy của tôi.

Tôi thấy rất ngượng khi chính ông ta chỉ ra sai sót này của tôi.

Tôi nói: "Giáo sư nói đúng". Sau đó tôi nói thêm: "Tôi thấy rất khó tin rằng những lời đe doạ leo thang chiến tranh sẽ có tác động đối với họ. Chúng ta thực sự đã ném bom Việt Nam trong 3 năm nay và điều đó không mang lại cho chúng ta sức mạnh trên bàn đàm phán". Tuy nhiên tôi có đưa vào nghiên cứu những phương án khác được Lầu Năm Góc ưa thích nhưng tôi nghĩ sẽ không có tác dụng gì.

Cuối cùng Kissinger nói: "Làm thế nào mà anh có thể tiến hành hoạt động ngoại giao mà không đe doạ leo thang? Thiếu điều đó chúng ta sẽ không có cơ sở để đàm phán".

Tôi nói: "Henry, rất nhiều tiến trình thương lượng, rất nhiều cuộc đàm phán diễn ra trên thế giới mà đâu cần đến lời đe doạ ném bom".

Nhưng tôi chấp nhận luận điểm của Tony. Tôi nói tôi sẽ đưa phương án đe doạ vào trong bản thảo tiếp theo. Ngày hôm đó, tôi làm việc tiếp với phương án đó, chuyển sang phương án tiếp theo và nộp tập tài liệu nghiên cứu vào buổi chiều.

Trong cuộc gặp thứ hai với Kissinger tại khách sạn Pierre vào ngày 27 tháng mười hai, tôi thảo luận về mục đích đằng sau những câu hỏi mà tôi đã đưa vào phụ lục của tập tài liệu.

Tôi thông báo cho ông ta biết về những vấn đề mà McNamara đã trình bày trước các bộ phận khác nhau của Bộ Quốc phòng Mỹ khi ông ta bắt đầu làm việc tại Lầu Năm Góc và những vấn đề mà sau đó tôi đã phác thảo trong kế hoạch của Tổng Tham mưu trưởng có liên quan tới chiến tranh hạt nhân, mà Thứ trưởng Quốc phòng đã gửi cho các tham mưu trưởng vào mùa xuân năm 1961. Trong cả hai trường hợp, giá trị của những vấn đề này không phải chỉ là lấy thông tin; bản thân các vấn đề này có những tác động riêng của nó. Chúng giúp sớm định hình quyền lực của McNamara trong Lầu Năm Góc. Một mặt, những vấn đề này cho thấy ông ta và các phó tướng có những cố vấn rất quen thuộc với những cuộc tranh cãi bên trong Lầu Năm Góc. Do vậy sẽ nguy hiểm nếu lừa dối ông ta về một mặt trận thống nhất. Ông ta có những trợ thủ đắc lực, những cánh tay phải, biết được "những xác chết được chôn cất ở đâu". Ông ta có những nguồn thạo tin hoặc các cố vấn có kiến thức và tin tức rất cập nhật. Dù thế nào đi nữa, ông ta sẽ phát hiện ra ngay khi mình bị lừa phỉnh và sẽ phản ứng.

Hơn thế nữa, trong trường hợp của Việt Nam, điều quan trọng đối với Tổng thống là biết được quy mô của các vấn đề tranh luận. Ông ta sẽ không biết được điều đó nếu ông ta chỉ theo cách thông thường là hỏi vấn đề đó với các cơ quan phụ trách nó. Thông thường các cơ quan khác bị cấm bày tỏ quan điểm của mình trực tiếp với Tổng thống, có thể có những nguồn thông tin không những khác mà còn có sức thuyết phục hơn, khách quan hơn và đáng tin cậy hơn.

Một ví dụ là xung đột giữa các tướng lĩnh ở Việt Nam và CIA chỉ về việc thực lực của Việt Cộng đến đâu trong năm trước đó Thông thường, không một cơ quan tình báo dân sự nào được mời tới hoặc được phép ước tính về sức mạnh quân sự của đối phương mà lại không có sự tham gia của Tổng tham mưu trưởng hoặc các tham mưu mặt trận mặc dù những ước tính của CIA phù hợp và chính xác hơn. Nhưng hiện giờ còn có hơn mười vấn đề gây nên xung đột kiểu như vậy, ví dụ như hoạt động của Quân đội Việt Nam cộng hoà hoặc là khả năng chống đột kích bằng cách đặt mìn ở Hải Phòng hay ném bom miền Bắc. Thông thường người ta không mời các cơ quan dân sự như CIA hay bộ phận tình báo của Bộ Ngoại giao (INR) hay các cán bộ dân sự trong Bộ Quốc phòng (các vấn đề An ninh quốc tế và phân tích hệ thống) tới để góp ý trực tiếp với Tổng thống về các vấn đề quân sự. Giả sử rằng họ có làm việc đó thì bên quân đội, Tổng Tham mưu trưởng liên quân và Tư lệnh hỗ trợ quân sự của Việt Nam sẽ nổi đoá lên và rêu rao rằng "những cán bộ dân sự này" đang vượt quá quyền hạn và chuyên môn của họ.

Đối với vấn đề chuyên môn, bao gồm cả tính khách quan trong đó, lời cáo buộc nêu trên là hoàn toàn sai, xét về thông tin, kinh nghiệm khu vực và khả năng phân tích. Vì lẽ đó, nhiều chuyên gia trong các cơ quan dân sự này cũng là những sĩ quan quân đội cừ khôi. Đánh giá của họ về những vấn đề này trong thời điểm hiện tại không chỉ khác và bi quan hơn thế hệ cha anh họ, mà còn đáng tin cậy hơn. Nhưng bên quân đội, lấy cớ bảo vệ đất nước, có thể ngăn cản Tổng thống không nghe những ý kiến vớ vẩn này.

Tôi cho rằng những gì Nixon có thể làm một lần khi còn đang đương nhiệm là giải quyết một số vấn đề được lựa chọn kỹ lưỡng trước các cơ quan chuyện trách và kêu gọi tách biệt các cơ quan riêng ra mà không có sự điều phối. Nhưng bạn không thể cấm việc điều phối được. Đó là một thông lệ bình thường và là bản chất của quá trình quan liêu. Nhưng nhiều khi bạn có thể hợp thức hoá việc trình lên Tổng thống những ý kiến đa chiều và "nổi loạn" mà nhiều khi rất khó chuyện được đến cấp cao nhất.

Quá trình này bảo vệ tân Tổng thống khỏi hai vấn đề cùng một lúc. Thứ nhất, những câu trả lời dành cho Tổng thống từ các cơ quan chức năng thường là sai hoặc không đáng tin cậy hơn là những câu trả lời ông ta có được từ các nơi khác. Thứ hai, dù đúng hay sai, những ý kiến này sẽ được trình bày với mức độ chắc chắn nhất định. Việc tập hợp một lần tất cả những đánh giá mâu thuẫn nhau về cùng một vấn đề có thể không phải là mối quan tâm của Nhà Trắng, nhưng đó có thể là lời cảnh báo có giá trị về tình trạng thiếu chắc chắn của các nhận định.

Hơn thế nữa, chính việc tiết lộ những tranh cãi và quan điểm không hề có sức thuyết phục của một số cơ quan (trong tình hình có những thách thức và trả đũa cùng với những câu trả lời) sẽ gây ra những tình huống khó xử. Nó sẽ khiến những kẻ quan liêu phải lui về thế phòng thủ trước các nguồn câu hỏi - có nghĩa là Kissinger.

Kissinger thích điều đó. Điều đó thật hấp dẫn ông ta mà lúc đó tôi không hay biết gì. Với sự giúp đỡ của Kissinger, Nixon dự tính tập trung vào kiểm soát chính sách đối ngoại bao gồm cả Việt Nam trong Nhà Trắng và điểm cuối cùng của tôi sẽ giúp Kissinger có những động thái để làm được điều đó. Hơn thế nữa, ông ta đã có Morton Halperin soạn thảo cho ông ta những thủ tục mới đối với việc điều phối kế hoạch giữa các cơ quan dưới sự lãnh đạo của ông ta với tư cách là Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia. Trong tháng tới, những vấn đề mà tôi đã soạn thảo cho ông ta và cả những vấn đề ông ta nêu ra khiến cho các cơ quan phải bận tâm và bận rộn suy nghĩ trong khi ông ta sắp xếp mọi việc vào vị trí; có thể ông ta đã dự đoán được tác động tiềm năng này ngay khi tôi nói chuyện với ông ta.

Dù thế nào, khi kết thúc buổi bàn thảo của chúng tôi, Kissinger bảo tôi tách danh sách câu hỏi của tôi ra khỏi tập tài liệu, nêu các phương án và làm cho danh sách này dài hơn nữa (danh sách lúc ban đầu của tôi chỉ bao gồm các ví dụ), và ông ta sẽ công bố danh sách đó như một chỉ thị nghiên cứu riêng, một tài liệu nghiên cứu an ninh quốc gia (NSSM). (NSSM này được gọi là NSSM-1, tài liệu đầu tiên trong hàng trăm tài liệu sau này ông ta yêu cầu tiến hành). Ông ta yêu cầu tôi làm việc cật lực với tài liệu đó ngay lập tức. Fred Inkle sẽ đảm nhận việc soạn thảo bản cuối cùng của tập tài liệu bao gồm các phương án.

Kissinger không vội vã gì kết thúc câu chuyện của chúng tôi vào sáng hôm đó và tôi có thêm một thông diệp mới chuyển tới ông ta. "Henry, có một vài điều tôi muốn nói với anh. Những điều đáng nhẽ tôi phải được biết nhiều năm trước đây. Anh đã là người cố vấn trong thời gian dài và anh đã xử lý rất nhiều tài liệu tối mật. Nhưng sắp tới anh sẽ nhận được một loạt các tài liệu mới, còn hơn cả tối mật nữa kia.

"Bản thân tôi đã có một ít tài liệu này rồi và tôi cũng biết những ai vừa mới có được tài liệu và tôi cảm nhận được tác động của tập tài liệu đó với một người mà người này không hề biết rằng có tồn tại một tập tài liệu như vậy. Và tác động tới bản thân ông khi ông đọc những thông tin trong tập tài liệu đó.

"Thứ nhất, ông sẽ rất hào hứng với những thông tin mới này và với việc ông sẽ được tiếp cận với toàn bộ thông tin này một cách bất ngờ. Điều này thật không thể tin nổi. Thứ hai, một cách nhanh chóng, ông sẽ cảm thấy mình như một chàng ngốc sau khi đã nghiên cứu, đã viết, đã đọc về những chủ đề này, phê bình và phân tích các quyết định của Tổng thống trong hàng năm trời mà không biết là có tồn tại những thông tin như vậy, những thông tin mà Tổng thống và những người khác có nhưng anh lại không và thông tin này chắc chắn đã gây ảnh hưởng lên quyết định của họ. Đặc biệt, anh sẽ cảm thấy ngốc nghếch hơn vì đã tiếp xúc hơn 10 năm với một số quan chức và giữa cố vấn, những người được tiếp cận với tất cả các thông tin mà anh không biết và không biết rằng họ có thông tin đó, và anh sẽ té ngửa khi biết rằng họ giấu không cho anh biết những thông tin đó một cách khéo léo.

"Ông sẽ cảm thấy như một chàng ngốc, và điều đó sẽ kéo dài khoảng 2 tuần. Sau đó, sau khi anh đã bắt đầu đọc tất cả những thông tin tình báo hàng ngày này và quen với việc sử dụng bao nhiêu thông tin bí mật trong thư viện, anh sẽ quên rằng đã có thời anh không có thông tin đó và anh sẽ nhận ra rằng bây giờ anh có thông tin và phần lớn những người khác thì không và tất cả những người khác là những kẻ ngờ nghệch.

"Trong tương lai - không quá lần đầu, chỉ khoảng hai hay ba năm thôi - cuối cùng anh sẽ thấy mặt hạn chế của những thông tin này. Có rất nhiều điều những thông tin này không giúp ích gì cho anh, bởi chúng không chính xác và có thể lừa dối anh giống như tờThời báo New Yorkvậy. Nhưng phải mất một thời gian anh mới nhận ra điều đó.

"Trong khi đó, sẽ rất khó khăn cho anh lấy được thông tin từ những ai không có mấy thẩm quyền. Bởi vì anh sẽ nghĩ, "Người này sẽ nói gì với ta khi mà ông ta biết những gì ta đã biết cơ chứ? ông ta sẽ khuyên ta như những người khác hay là điều đó sẽ làm thay đổi toàn bộ những dự đoán và kiến nghị của ông ta?

Và những câu hỏi mệt mỏi như vậy sẽ tra tấn anh. Tới một lúc nào đó anh sẽ từ bỏ và không còn muốn nghe người khác nói nữa. Tôi đã có kinh nghiệm về chuyện này với sếp của tôi, đồng nghiệp của tôi và cả bản thân tôi nữa.

"Anh sẽ tiếp xúc với một người không có thẩm quyền và anh sẽ phải nói dối rất khéo với ông ta về những gì anh biết.

Trên thực tế, anh sẽ phải lợi dụng ông ta. Anh sẽ không còn muốn cố gắng đánh giá những gì ông ta nói. Nguy cơ là ở chỗ anh sẽ trở thành một cái gì đó giống như kẻ khờ khạo. Anh sẽ không thể học được từ nhiều người trên thế giới này, cho dù họ có kinh nghiệm đến đâu đi nữa về những lĩnh vực khác nhau".

Đó là một bài nói mà tôi đã nghĩ trước, một bài nói mà tôi muốn giảng giải cho ai đó sắp bước vào thế giới "những bí mật thực sự". Cuối cùng tôi nói rằng từ lâu tôi đã nghĩ đến những thông tin bí mật này như những phần thức ăn bố thí cho người gặp nạn đắm tàu hay bị bỏ rơi trên hoang đảo và họ biến thành những con lợn bẩn thỉu. Họ không hiểu được tiếng người và không tìm thấy đường về nhà.

Kissinger không ngắt lời khi tôi nói. Như tôi đã nói, ông ta rất chịu khó lắng nghe. Ông ta dường như hiểu rằng những gì tôi nói là chân thành, chứ không phải "kẻ cả", "lên lớp" với ông ta, như tôi vốn e ngại. Nhưng tôi biết, bây giờ còn quá sớm để ông ta có thể đánh giá cao tất cả những gì tôi đang mới.

Vào giữa tháng hai, Halperin gọi tôi tới Washington để xem những thư hồi âm của các cơ quan chức năng với NSSM-1, tổng cộng dày hơn 500 trang. Trợ lý của ông ta, Winston Lord, một cán bộ đối ngoại trẻ, đang tập hợp các thư hồi âm, chia các phần của bức thư gửi tới các bộ phận khác nhau trong Hội đồng An ninh quốc gia để so sánh và tóm tắt cho Tổng thống. Vì tôi đã viết tất cả các câu hỏi trong đó có tính tới những bàn cãi có thể nảy sinh, Halperin muốn tôi là người sẽ đọc tất cả các câu trả lời và kiểm tra xem những phần tóm tắt có gây ra bất đồng lớn hay tạo ra sự nhất trí cao hay không. Tôi cũng giúp Lord soạn thảo bản tóm tắt cuối cùng, mặc dù anh ta là người viết phần lớn bản tóm tắt, dựa trên những phần của nhóm làm việc mà anh ta lập ra.

Những ý kiến khác nhau cho thấy những gì tôi đã dự đoán trong bản thảo của tôi về tập tài liệu trình bày những phương án khác nhau. Một liên minh tập hợp Tổng Tham mưu trưởng, CINCPAC, Tham mưu hỗ trợ quân đội và Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn cùng với Vụ Đông Á của Bộ Ngoại giao chia sẻ quan điểm lạc quan. Quan điểm của họ đối trọng với một nhóm khác, bao gồm CIA, Văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng (ISA và phân tích hệ thống), bộ phận tình báo của Bộ Ngoại giao và các nhà phân tích dân sự ở Washington. Nhóm này bảo thủ và bi quan hơn nhóm đầu tiên trong quan điểm của họ về tiến trình bình định, về tác động của việc ném bom Lào và Việt Nam và chiến tranh ở miền Nam, ảnh hưởng của Việt Cộng ở khu vực nông thôn và sức mạnh tổng lực. Đối với tôi, ảnh hưởng của Việt Cộng ở khu vực nông thôn và sức mạnh tổng lực xem chừng thực tế hơn. Nhưng dù thế nào thì tôi cũng rất vui khi thấy những ước đoán của họ được trình bày trước Tổng thống. Thậm chí những ước đoán của nhóm đầu tiên (bao gồm chủ yếu các thành phần trong quân đội) cho thấy phải mất 8,3 năm mới có thể bình định xong 4,15 triệu Việt Cộng. Những người bi quan hơn thì dự đoán để hoàn thành việc đó phải mất 13,4 năm.

Quan trọng hơn nữa, NSSM-l cuối cùng đã đặt dấu chấm hết cho chiến lược tiêu hao lực lượng. Tư lệnh hỗ trợ quân đội cùng với Tổng Tham mưu trưởng phải thừa nhận rằng cho dù những tổn thất lớn lao của Mặt trận dân tộc giải phóng và quân đội Bắc Việt Nam trong năm 1968 nhưng họ vẫn có thể dễ dàng bù lại được từ những lần tuyển quân mới ở cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Hơn thế nữa, nếu không có cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 thì sẽ không thể làm tiêu hao lực lượng của họ.

"Ba phần tư số trận đánh là do đối phương chọn địa điểm, thời gian và hình thức. CIA ghi nhận rằng chưa tới 1% trong tổng số gần 2 triệu hoạt động quân sự nhỏ lẻ diễn ra trong hai năm qua đều dẫn đến những liên lạc với đối phương và khi tiến hành khảo sát trong Quân đội Cộng hoà Nam Việt Nam thì tỷ lệ này còn giảm xuống còn 1/10 của l%. Do vậy mọi người đều đồng ý rằng: "Theo những quy định hiện nay về mức độ can thiệp vào Việt Nam (giới hạn số lượng lính bộ binh ở Nam Việt Nam), lực lượng của đối phương và khả năng biệt kích là mạnh hơn so với khả năng tiêu hao lực lượng của quân đội Mỹ trong một thời gian dài. Nhìn chung, phía đối phương có thể làm chủ tỷ lệ thương vong của cả hai bên".

Một số điểm được mọi người tán thành quan trọng hơn những điểm mọi người bất đồng. Dưới đây là những gì chúng tôi đã nhất trí và trình lên Tổng thống:

- Chính phủ Nam Việt Nam đã cải thiện được vị thế chính trị của mình, nhưng không chắc là chính phủ này và những lực lượng phi cộng sản có khả năng đấu tranh hoà bình với Mặt trận dân tộc giải phóng để giành quyền lực chính trị tại Nam Việt Nam hay không.

- Chỉ riêng RVNAF (tập hợp tất cả các lực lượng quân sự ở Sài Gòn, bao gồm cả Quân đội Việt Nam cộng hoà), trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai gần, không thể kháng cự lại được lực lượng Việt Cộng - Bắc Việt Nam.

- Đối phương đã gặp một số thất bại nhưng họ không thay đổi mục tiêu cơ bản của mình và họ có đủ sức mạnh để theo đuổi các mục tiêu đó. Chúng ta không thể tiêu hao lực lượng của họ nhanh hơn là họ có thể tuyển quân hay gửi biệt kích.

Tất cả mọi người đều nhất trí rằng chính sách Việt Nam hoá sắp được công bố nhằm mở rộng, trang bị lại, hiện đại hoá Quân đội Việt Nam cộng hoà và các lực lượng quân sự phi cộng sản khác để có thể đảm đường được vai trò lớn hơn trên chiến trường sẽ không giúp họ chống lại được lực lượng quân đội Bắc Việt Nam không có "sự hỗ trợ của Mỹ dưới hình thức không quân, máy bay trực thăng, pháo binh, hậu cần và bộ binh". Thực ra, Tổng Tham mưu trưởng, CINCPAC và Tư lệnh hỗ trợ quân đội đều tin rằng phải mất ít nhất 3 năm trước khi lực lượng quân đội Nam Việt Nam, không được Mỹ hậu thuẫn, có thể đối phó với phong trào nổi dậy của lực lượng Việt Minh ở Nam Việt Nam.

Bộ Quốc phòng không nghĩ rằng mục tiêu đó có thể thực hiện được trước năm 1972 mà không có sự cải tổ lớn trong Quân đội Cộng hoà Nam Việt Nam.

Sau khi Winston và tôi soạn thảo xong bản tóm tắt những câu trả lời cho NSSM-l để trình lên Tổng thống, tôi quyết định gợi ý một số chủ đề khác để tiếp tục nghiên cứu, bao gồm một nghiên cứu về mức độ thiệt hại cho dân thường từ những cuộc ném bom và sử dụng pháo. Một nghiên cứu khác có liên quan đến công trình nghiên cứu gần đây nhất, bản "Đánh giá tình báo quốc gia" (NIE 50-68). Công trình này đánh giá thấp tầm quan trọng của học thuyết Domino và kết luận rằng diễn biến như vậy sẽ khiến cho Lào và Campuchia rơi vào quỹ đạo của Hà Nội nhưng "không nhất thiết là gây phương hại tới châu Á". Lord và tôi thông báo, tất cả các cơ quan có văn bản trả lời đối với NSSM-1 đều "bác bỏ quan điểm cho rằng một giải pháp không thấu tình đạt lý ở Việt Nam chắc chắn sẽ dẫn đến việc Cộng sản tiếp quản bên ngoài khu vực Đông Dương. Một số người khác còn tỏ ra bi quan hơn, nhưng việc gọi những tác động tiêu cực là "những điều chỉnh thực tế" như người Thái Lan vẫn nói, hay "một số biện pháp thích nghi" không nói rõ là những biện pháp này sẽ gây phương hại thế nào tới an ninh của Mỹ. Sau 15 năm cảnh báo về những "điều chỉnh" hay "thích nghi" tại Đông Nam Á và xa hơn thế nếu Việt Nam trở thành nhà nước cộng sản, tôi kiến nghị một công trình nghiên cứu liên ngành để xem xem những từ ngữ nêu trên có ý nghĩa cụ thể nào, tại sao lại như vậy và chúng ta cần phải quan tâm nhiều đến đâu.

Khi Mort Halperin trình bày với Kissinger nghiên cứu tôi đã đề xuất để xin chữ ký, Kissinger nói với ông ta: "Giờ đây chúng ta đã có quá đủ câu hỏi rồi". Đối với tôi điều đó nghe không hợp lý sau khi chúng tôi đã gửi đi hơn 20 câu hỏi của NSSM-1, nhưng tất nhiên chưa một nghiên cứu nào trong số này được tiến hành.

Khi tôi chuẩn bị đi, tôi thấy rõ rằng 500 trang những câu trả lời từ các cơ quan khác nhau đối với các câu hỏi của NSSM-l sẽ mang lại những mối quan tâm sâu sắc tới các đồng nghiệp ở Rand hiện giờ đang tham gia các công trình nghiên cứu khác nhau về Việt Nam. Thực ra không có gì giống những câu trả lời này, những câu trả lời về cùng một câu hỏi mà không có sự phối hợp nhịp nhàng. Đây chính là loại thông tin mà bất kỳ một nhân viên nào của Rand tham gia vào nhóm làm việc ở Washington cố gắng muốn mang về cho các đồng nghiệp ở Santa Monica. Tất nhiên, Mort Halperin biết rõ điều đó. Do vậy một sáng anh ta kéo tôi sang văn phòng điều hành và nói: "Tôi yêu cầu anh không cho ai ở Rand xem tài liệu này và anh cũng không mang tài liệu về nhà". Lời đề nghị của anh nghe ra cũng có lý bởi vì tài liệu này là tài sản của Hội đồng An ninh quốc gia và thông thường thì nhân viên hợp đồng không được phép tiếp cận với tài liệu. Thực ra, theo những gì tôi được biết, có rất ít tiền lệ khi một nhà nghiên cứu của Rand, như tôi chẳng hạn, tham gia vào một nghiên cứu của Hội đồng An ninh quốc gia và được phép tiếp cận với tài liệu như vậy.

Từ giọng điệu của Mort, mặc nhiên tôi cho rằng những gì anh ta muốn nói là bảo tôi đừng làm những điều này và e ngại rằng Nhà Trắng không biết được rằng Rand có tập tài liệu của anh ta.

Tôi thấy thông tin này không đến mức nhạy cảm như vậy.

Phần lớn thông tin là về những giao tiếp giữa các cơ quan hữu quan và Hội đồng An ninh quốc gia, chứ không phải là các công văn giấy tờ giữa các nhân viên của Rand và Tổng thống.

Và nó cũng không phản ánh quan điểm của Tổng thống hay của bản thân Henry Kissinger. Bản tóm tắt này không phải dành cho đôi mắt của Tổng thống và Kissinger, mà nó chỉ đơn thuần là tóm tắt lại những quan điểm của một cơ quan cấp dưới. Tuy nhiên nếu Mort thực sự không muốn tôi gửi tài liệu này cho Rand thì anh ta có thể chuyển bức thông điệp đó và anh ta biết điều đó, bằng giọng điệu, lời nói và ánh mắt khi anh ta nói với tôi: "Dan, anh không thể chuyển tài liệu này cho Rand. Tôi tin rằng anh sẽ không làm điều đó và sẽ không chuyện tài liệu cho Harry Rowen, cho Fred Inkle, cho bất kỳ một ai".

Sau khi đã đồng ý với Rand, tự tôi sao chụp tất cả tập tài liệu trong phòng photocopy của Hội đồng An ninh quốc gia, thay vì đưa cho thư ký sao chụp hộ. Khi tôi mang tài liệu này về Rand, tôi triệu tập một cuộc họp gồm khoảng 12 người làm về Việt Nam. Sau khi đã nhân bản và phân phát một số lượng tài liệu, tôi nhắc lại lời yêu cầu của Halperin rằng anh ta không muốn tôi sao chụp tài liệu này rồi phân phát cho mọi người ở Rand. Tôi nói sở dĩ có chuyện như vậy vì anh ta không muốn nhận trách nhiệm là đã đưa cho tôi tập tài liệu này và điều quan trọng là không được để Nhà Trắng biết rằng chúng ta có tập tài liệu. Tôi nói rằng nếu ai có tình cờ nói chuyện với Halperin hay bất kỳ ai ở Nhà Trắng thì người đó không nên nói rằng anh ta biết nội dung của tài liệu hay thậm chí nó đang nằm ở Rand bởi vì tôi dám chắc rằng không muốn bị người ta chú ý khi tôi đã vi phạm những gì anh ấy dặn.

Đây không phải là lời cảnh báo xa lạ đối với các chuyên gia phân tích của Rand, mặc dù từ trước đến nay thì Rand chưa bao giờ có chuyện gì liên can đến Nhà Trắng cả. Các tài liệu bí mật mà chúng tôi có được thường được mang về Rand. Nếu đưa vào hệ thống lưu trữ tại Rand thì những tài liệu này sẽ được "cải trang" đi.

Vài tháng sau, để bảo đảm rằng tôi làm theo đúng lời Halperin dặn, tôi nói với anh ta những gì tôi đã làm và những gì tôi đã nói ở Rand. Tôi hỏi anh ta rằng không biết tôi suy nghĩ và hành động như vậy có đúng không và anh ta có thấy thoải mái với điều đó không. Anh ta nói: "Dĩ nhiên những gì anh đã làm là đúng".

Ngược lại, lời cảnh báo anh ta nói với tôi trong tuần đó, khi tôi chuẩn bị lấy một số tập trong nghiên cứu McNamara từ Washington mang về Santa Monica, về việc không chia sẻ tài liệu cho một ai biết, là hoàn toàn khác. Thỉnh thoảng tôi đọc những bản thảo trong nghiên cứu của McNamara khi tôi làm việc trong Nhà Trắng vào năm 1968. Phần cuối của bản nghiên ctnl, chủ yếu liên quan đế.n các sự kiện diễn ra đầu năm 1968 và quá trình đàm phán, đã được hoàn tất vào cuối năm đó. Les Gelb tiếp tục làm việc cho ISA thêm một vài tháng nữa trong chính quyền mới, chủ yếu để làm nết công việc biên tập và xuất bản nghiên cứu trước khi anh ta chuyển sang làm việc tại viện Brookings.

Vào tháng mười hai, anh ta và sếp, Paul Warnke và Halperin đã có thoả thuận giấy trắng mực đen rằng với Han y Rowen rằng hai bản của toàn bộ công trình nghiên cứu, một bản thuộc về Warnke, một bản thuộc về Halperin và Gelb, sẽ được lưu trữ tuyệt mật tại văn phòng của Rand ở Washington. (Viện Brookings không nghiên cứu tài liệu tuyệt mật và không có thiết bị lưu trữ thông tin mật).

Họ đã phải dàn xếp tài liệu theo hình thức hơi kỳ lạ một chút. Mặc dù đã được lưu trữ, bảo vệ và coi như tuyệt mật, người ta sẽ không đưa tài liệu này vào hệ thống kiểm soát tuyệt mật chính thức. Thông thường để đưa thông tin vào hệ thống này thì cần cỏ một cán bộ chuyện trách; tài liệu sẽ được gán một mã số nhất định và đăng nhập vào hệ thống. Halperin lo sợ rằng Walt Rostow hay một ai đó lo ngại về sự tồn tại của tài liệu đó sẽ cố gắng truy tìm tất cả các bản sao và tiêu huỷ chúng đi. Họ muốn bảo đảm rằng một hoặc hai bản tài liệu đó vẫn được tồn tại. Họ không muốn những bản tài liệu đó rơi vào các hệ thống lưu trữ chính thức, lực lượng không quân, Bộ Quốc phòng và Nhà Trắng. Cũng vì lý do tương tự, họ muốn càng ít người ở Rand biết về sự tồn tại của tài liệu này càng tốt, có lẽ chỉ nên mình Harry biết. Vì điều đó khiến cho tài liệu không còn có ích gì như tài liệu nghiên cứu, họ cho phép những người khác được tiếp cận với tài liệu từng người một.

Cả Harry và tôi đều muốn rằng tôi sẽ tham gia vào công việc nghiên cứu, vì tôi đang mong nghiên cứu so sánh một phần nào đó trong công trình. Tôi coi đây như là cơ sở tiềm năng cho công trình nghiên cứu của tôi "Chuyên".

Gelb chối bỏ rằng anh ta đã thoả thuận như vậy với tôi - điều đó đúng - và không nhớ là đã khiến tôi nghĩ rằng cuối cùng tôi có thể hoàn toàn có thể tiếp cận với tài liệu. Anh ta và Halperin lúc đầu rất lưỡng lự, không muốn cho tôi tham gia. Tôi hiểu rằng mối quan ngại của họ không phải là vì tôi tiết lộ cho ai biết nội dung và sự tồn tại của tài liệu này mà không xin phép mà ở chỗ tôi có thể để lộ cho các đồng nghiệp khác biết và họ có thể tiếp cận được với thông tin. Nhưng sau khi Halperin nhấn mạnh luận điểm rằng nghiên cứu của tôi phụ thuộc vào điều này - tôi có thể là nhà nghiên cứu duy nhất trọng chính phủ tại thời điểm này đang tìm hiểu nghiêm túc về Việt Nam, và đó không phải là mối quan tâm của chính phủ lúc đó - vì thế họ đồng ý đưa tên tôi vào.

Tháng 3-1969, vấn đề đặt ra là làm sao chuyển một số tập trong lài liệu tới Santa Monica để tôi có thể dành thời gian ở đó để đọc. Một lần nữa, Gelb lo ngại rằng điều này sẽ dẫn đến việc càng có nhiều người biết về nơi cất giữ những tập tài liệu đó và sẽ không thuận tiện cho anh ấy khi anh ấy đọc tài liệu. Tuy nhiên, tôi hứa sẽ trả lại những tập tài liệu ngay cả khi được báo gấp nếu ông ta muốn đọc. Tôi sẽ đảm nhận việc lưu thông tài liệu hai chiều, nếu như tài liệu được một sĩ quan không quân chuyển hay được chuyển trên một máy bay của lực lượng không quân. Vì phần lớn tài liệu mật được gửi đi từ Washington, chúng sẽ phải nhập chính thức vào hệ thống kiểm soát chính thức và gửi cho một nhân viên phụ trách hệ thống này. Do vậy, vào ngày 4-3, tôi tuyên thệ làm thư ký phụ trách tài liệu tuyệt mật tại văn phòng của Rand ở Washington. Hai túi to tài liệu chất đầy hai cặp sách lớn - các túi chuyên dùng để chứa tài liệu, có nắp và khoá rất cẩn thận - mà tôi sẽ luôn xách tay trên đường về nhà. Chúng không thể đi cùng hành lý gửi được. Từ điện thoại trong phòng làm việc của ông Larry Henderson, Phó giám đốc của Rand ở Washington, tôi nhận được mệnh lệnh của Rowen: khi tôi quay trở lại Santa Monica thì toàn bộ số tài liệu đó phải được đưa ngay vào trong két bảo mật. Jan Butler, nhân viên kiểm soát bảo mật và sếp của cô ta là Dick Best, cán bộ an ninh không được biết về việc những tài liệu này đã đến nơi.

Không một ai ở Rand biết rằng tập tài liệu nghiên cứu đã có mặt ở đó. Một số người đã nghe về tập tài liệu này, bao gồm Fred Inkle và Bob Korner, hỏi tôi rằng tôi có biết một bản sao của tài liệu hiện đang nằm ở Rand không. Tôi nói dối họ là không biết. Nhưng sau đó tôi giục Harry để yêu cầu Gelb và Halperin cho phép phân phát tài liệu cho thêm một số người khác nữa. Không phải là tôi ngại nói dối các bạn thân của mình - điều đó tôi cũng không thấy thoải mái lắm, nhưng đó là công việc và họ sẽ thông cảm với tôi nếu họ phát hiện ra tôi đã nói dối họ - mà vì những người tôi thực sự muốn chia sẻ lài liệu này là những nhà nghiên cứu làm việc cho dự án và bản thân họ cũng đã tham gia viết một phần của nghiên cứu, cũng như là các nhà phân tích có năng lực khác ở Rand. Tôi thấy một số mô hình phân tích tiết lộ trong tập tài liệu này hơi khó hiểu (ngay cả đến bây giờ vẫn khó hiểu), và tôi muốn những người khác có cơ hội xây dựng và thử nghiệm những giả thuyết khác nhau. Tôi thấy thật khó chịu khi trình bày những khái quát hoá không mấy quen thuộc nhưng nghe rất hợp lý về quá trình hoạch định chính sách trong những cuộc họp hay trong các công văn mà lại không thể xử lý những thách thức bằng cách trích dẫn những phân tích trong nghiên cứu mà tôi đang làm. Nhưng mỗi lần khi bị tôi thúc giục, Rowen nêu vấn đề đó với Halperin và Gelb rằng nên thêm một hay hai nhà nghiên cứu nữa vào trong danh sách những người được phân phát tài liệu thì anh ta đều bị từ chối. Một thời gian sau đó, người ta đưa hai người khác đã làm việc cho dự án này vào trong danh sách: đó là nhà nghiên cứu Richard Moorsteen và Emie May, giáo sư tại đại học Harvard. Nhưng Gelb và Halperin chỉ cho phép đến đó thôi.

Chú thích:

(90) "Bước đầu tiên" -Hồ sơ Lầu Năm Góc,Gravel biên tập, quyển số4, trang 603.

Chương 17. Khía cạnh đạo đức của cuộc chiến kéo dài

Công trình nghiên cứu "Những bài học về ViệtNam" mà tôi tiếp tục tiến hành sau khi tôi đến Washington vào mùa xuân năm 1969, ngoài những vấn đề khác ra, còn đề cập tới những "tiêu chí không can thiệp", cảnh báo những dấu hiệu can thiệp mà chúng ta cần tránh hoặc cần loại bỏ. Đa phần người Mỹ từ lâu đều biết rằng Việt Nam nằm trong số những tiêu chí này, căn cứ vào cách chúng ta có thể hành động, cách chúng ta đã hành động và khả năng không thể giành thắng lợi. Tuy nhiên, mãi đến mùa hè năm đó, câu hỏi "Làm thế nào để chúng ta có thể chiến thắng tại Việt Nam?" vẫn rất hấp dẫn tôi. Và cả những câu hỏi đại loại như vậy nữa: nước Mỹ đáng nhẽ ra nên làm gì để nâng cao khả năng thành công? Nếu một số mục tiêu đặt ra không khả thi - ít nhất sau một thời điểm nào đó - thì Tổng thống sẽ đặt ra những mục tiêu nào khác khả thi hơn?

Đó là những gì nằm trong số những câu hỏi mà tôi đề cập đến trong tài liệu nghiên cứu tôi viết tháng bảy và tháng 8-1969, tài liệu thứ chín trong một loạt các tài liệu nội bộ của Rand mà tôi tham gia viết, có tựa đề là "Những mục tiêu không khả thi và nền chính trị bế tắc"(91). Những câu hỏi này thiên về học thuật; rõ ràng là những câu hỏi này ảnh hưởng tới chính sách đang phát huy hiệu quả tại các khu vực khác, nơi mà các chương trình chống biệt kích xâm nhập có lẽ phù hợp hơn.

Tôi cho rằng vào thời điểm đó, những câu hỏi này khiến tôi nhớ lại những gì mà Richard Bames đã miêu tả là mối bận tâm của nước Mỹ: "Mục tiêu quốc gia của toàn nước Mỹ là phải chiến thắng". Quan điểm của tôi thay đổi rất nhiều - một phần là vì lúc đó tôi sắp đọc (đúng ra là vào tháng chín) những chương đầu tiên củaHồ sơ Lầu Năm Góc- do vậy những quan ngại thể hiện trong tập tài liệu dự thảo này kết thúc một giai đoạn đối với tôi. Chính trong tháng cuối cùng của giai đoạn đó, những gì tôi viết đã thể hiện được mối quan ngại về việc làm thế nào chúng ta có thể chiến thắng ở Việt Nam.

Một vài năm sau, khi đọc lại những phân tích tôi viết trước thời điểm giữa năm 1969, tôi rất ngạc nhiên về niềm tin kiên định rằng chúng ta có quyền chiến thắng, cái quyền mà chúng ta tự định nghĩa theo cách của riêng mình (tức là theo cách của Tổng thống). Hầu như tất cả các nhà phân tích chiến lược khác cũng như các chính khách của chính phủ đều viết như vậy. Giả thuyết ngầm đó làm cơ sở cho một giả thuyết ngầm khác của một nhóm rất nhiều các quan chức, các cựu quan chức và những thành viên tự do không còn tin vào khả năng thực tiễn giành được chiến thắng bằng bất kỳ giá nào. Tuy nhiên đây là giả thuyết để chúng ta có thể kéo dài cuộc chiến bất thành nhằm trì hoãn thất bại hoặc trong trường hợp xấu nhất thì sẽ thua cuộc trong danh dự với mạng sống của không biết bao nhiêu người châu Á, một tổn thất mà họ và chính sách của chúng ta không đặt ra giới hạn.

Tới cuối mùa xuân năm 1969, tôi đã loại trừ giả thuyết thứ hai khi tôi bắt đầu hoài nghi về sự phù hợp trong đánh giá chính trị giải thích cho cảm giác của đa phần các quan chức Mỹ, trong đó có cả tôi, rằng việc can thiệp vào Việt Nam lúc ban đầu và sau này tiếp tục can thiệp là hợp pháp. Tôi bắt đầu suy nghĩ lại ngay sau khi tôi giảng bài về nền chính trị Nam Việt Nam cho một lớp ở đại học Ohio vào tháng 5-1969. Bằng cách đặt câu hỏi cho sinh viên, tôi phân biệt sự khác nhau giữa các ý kiến. Tôi có cảm giác một số sinh viên hồ nghi về quan điểm của tôi. Tôi đề nghị cả lớp giơ tay biểu quyết xem ai tin rằng đa số người dân Nam Việt Nam ủng hộ thắng lợi của Mặt trận dân tộc giải phóng. Đúng như tôi nghĩ, hầu hết sinh viên đều giơ tay. Tôi nói họ có thể đúng nhưng trong thâm tâm tôi lại không nghĩ như vậy. Tôi tin rằng bản chất của tình hình không phải là những gì trái ngược với những điều họ nghĩ, mà bản chất đó hơi khác một chút. Bằng cách đưa ra sự phân biệt quen thuộc với người dân Việt Nam, mặc dù không quen thuộc với người dân Mỹ, tôi nhận xét rằng đa phần người dân Nam Việt Nam là phi cộng sản, chứ không phải chống Cộng sản. Điều này có nghĩa rằng, không giống địa chủ, người theo đạo Thiên Chúa, công chức và chiến sĩ, những người hết lòng ủng hộ chính phủ Việt Nam - có lẽ chiếm khoảng 10-15% dân số - thì đa phần người phi cộng sản không nhiệt tình tham gia hay tự nguyện ủng hộ một chiến dịch sử dụng vũ lực để truất quyền của người cộng sản hoặc trừ khử họ như một lực lượng chính trị, chứ đừng nói gì tới tiêu diệt họ. Tuy nhiên đa phần mọi người càng không muốn đất nước mình diệt vong dưới đạn bom của Mỹ khi theo đuổi những mục đích như vậy.

Tôi nói tiếp: "Ngay bây giờ, nguyện vọng chính trị chính của nhóm đa số này là muốn thấy chiến tranh kết thúc. Tôi không dám chắc là lâu nay phần lớn người dân Nam Việt Nam mong muốn chiến tranh kết thúc - dù bên nào thắng cũng được - hơn là chiến tranh cứ tiếp diễn với quy mô như hiện nay.

Tối hôm đó, tôi chợt nảy ra một ý tưởng mới khi tôi ngồi nghĩ lại những gì hiển hiện trong đầu khi đang giảng bài. Trái ngược lại với niềm tin của phần lớn thanh niên trong phong trào phản chiến - bao gồm đa phần sinh viên trong lớp học hôm đó - phần lớn người dân Nam Việt Nam không nhiệt tình ủng hộ Việt Cộng hay ban lãnh đạo của họ (trừ Chủ tịch Hồ Chí Minh). Nếu hiểu theo cách đó thì chúng ta không tham chiến bất hợp pháp chống lại phần đông ý kiến của người dân Nam Việt Nam.

Không. Phải theo cách hiểu đó. Nhưng liệu còn cách đánh giá khác mà tôi đã trình bày khi cố gắng định nghĩa chính kiến của người Việt Nam? Tác động của việc cho rằng đa phần người dân Nam Việt Nam muốn chiến tranh kết thúc cho dù bất kỳ bên nào thắng? Điều đó sẽ có ý nghĩa gì về tính hợp pháp khi chúng ta áp đặt ý định muốn tiếp tục cuộc chiến?

Đêm hôm đó tôi cứ trăn trở mãi với những câu hỏi đó. Sáng hôm sau, trước khi tôi đáp máy bay về nhà ở bang California, tôi gọi điện cho Mort Halperin, lúc đó đang làm việc cho Henry Kissinger trong Nhà Trắng, phụ trách về Việt Nam.

Tôi nói: "Mort, tôi muốn hỏi anh một câu. Anh dự đoán thế nào về tỷ lệ người Việt Nam, tính cho đến thời điểm này, muốn chiến tranh kết thúc, dù bất kỳ bên nào thắng?"

Mort đưa ra câu trả lời khiến tôi không hề ngạc nhiên: "Khoảng 80 đến 90%".

"Thế còn sếp của anh?", ý tôi muốn nói đến Kissinger.

"Tôi chưa bao giờ nói với sếp. Nhưng tôi nghĩ ông ta cũng sẽ nói như vậy".

Tôi nói: "Con số dự đoán đó nghe rất có lý. Nhưng tôi mới có thêm một câu hỏi khiến tôi bận tâm nhiều hơn. Nếu đúng là đa phần người dân Nam Việt Nam muốn chiến tranh kết thúc, dù phe Cộng sản hay chính quyền Nam Việt Nam chiến thắng thì làm sao chúng ta có đầy đủ lý do chính đáng để kéo dài cuộc chiến tại đất nước họ? Tại sao chúng ta có quyền kéo dài cuộc chiến đó dù chỉ thêm một ngày?"

Mort im lặng hồi lâu rồi nói: "Đó là một câu hỏi rất hay. Tôi chưa có ngay câu trả lời. Tôi sẽ suy nghĩ thêm".

Khi đáp máy bay về nhà và sau đó, tôi cảm thấy kết quả không hoàn toàn logic. Kết quả có được từ một tầm nhìn khác, từ những cân nhắc khác nhau. Tôi không hoàn toàn đồng ý với các bạn sinh viên - thể hiện bằng việc giơ tay biểu quyết trong lớp - rằng đa phần người dân nam Việt Nam nhiệt tình và ngầm ủng hộ Mặt trận dân tộc giải phóng. Tôi dần dần mường tượng ra rằng những gì tôi thực sự tin về việc Nam Việt Nam thiếu hậu thuẫn trong cuộc chiến này không có nghĩa rằng chính sách của chúng ta ít tàn bạo và vô nhân đạo hơn là lớp sinh viên tôi dạy đã nghĩ. Tôi hiểu theo một cách khác về mối hoài nghi của các bạn sinh viên tôi cảm nhận được khi giảng bài cho họ, cảm giác xa cách của họ đối với thái độ của tôi. Cảm giác xa cách đó cũng bắt đầu xâm chiếm tôi.

Để phục vụ cho nền chính trị trong và ngoài nước, chúng ta đang tiến hành chiến tranh tại xứ người, một đất nước không hề tấn công chúng ta hay một nước nào khác. Tiếp tục cuộc chiến chống lại ý nguyện của nhân dân quốc gia đó bắt đầu khiến tôi thấy mặc cảm tội lỗi.

Cảm giác đó càng ngày càng lớn mạnh trong tôi vào những tháng tiếp sau khi cuối cùng tôi quay sang đọc về nguồn gốc của cuộc chiến tranh này. Gần một năm trước đó, tôi đã bắt đầu đọc những báo cáo lịch sử chính thống, một số được viết bằng tiếng Pháp. Đến lượt mình, những bản báo cáo này đã khiến tôi mang từ Washington về Rand vào cuối tháng tám những phần đầu tiên củaHồ sơ Lầu Năm Gócviết về giai đoạn 1945-1960.

Niềm tin rằng chúng ta có quyền chiến thắng tại Việt Nam, áp đặt ý nguyện chính trị của chúng ta bằng biện pháp quân sự đã biến mất trong tôi khi tôi đọc những phần đầu tiên này.

Mùa xuân năm 1969, ông Hoàng Văn Chí, bây giờ là một nhà tư vấn cho Công ty Rand, nói với tôi: "Ông phải hiểu rằng trong con mắt của tất cả người Việt Nam, chúng tôi giành được độc lập vào tháng 3-1945, và gần hai năm sau đó, người Pháp bắt đầu quay lại xâm lược miền Bắc Việt Nam". Lúc đó tôi hầu như không hiểu những gì ông ta nói và tôi cũng không nghi ngờ bất kỳ quan chức Mỹ nào mà tôi làm việc cùng. Ông ta muốn nói tới sự thật là người Nhật đã giam giữ lực lượng chiếm đóng của Pháp vào ngày 9-3-1945, tuyên bố Việt Nam độc lập từ tay người Pháp và Hoàng đế Bảo Đại một lần nữa khẳng định nền độc lập, và sau đó 5 tháng chính thức thoái vị, nhường chỗ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ lúc đó đến tháng 11, 12-1946 khi quân Pháp bắt đầu chiến dịch sử dụng vũ lực hòng tái chiếm lại thuộc địa cũ của mình thì người Pháp có ý muốn coi ít nhất là khu vực Bắc Bộ, một phần ba lãnh thổ Việt Nam ở phía bắc, là nhà nước độc lập và chủ tịch nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc đó lời đề nghị khẩn thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới nước Mỹ yêu cầu công nhận cả Việt Nam là một nhà nước độc lập đã bị Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Truman bác bỏ.

Tài liệu nội bộ nêu rõ rằng việc bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cộng sản - không hề liên quan đến việc năm 1945 Mỹ quyết định không đáp lại lời đề nghị nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đúng ra, việc chúng ta lặng thinh như vậy phản ánh một quyết sách hơi do dự nhưng chắc chắn của Tổng thống Roosevelt để người Pháp thấy rằng chúng ta công nhận "quyền sở hữu" thuộc địa của người Pháp đối với Việt Nam, mặc dù trong chiến tranh đã có thời gian bị ngắt quãng và bất chấp việc đòi độc lập sau chiến tranh. Quyết định đó, được tiếp tục dưới thời Tổng thống Truman, mâu thuẫn với truyền thống chống thực dân hoá của nước Mỹ (và cảm giác của Tổng thống Roosevelt rằng người Pháp đã bóc lột và lợi dụng thuộc địa này) và lời hứa về quyền tự quyết ghi trong Hiến chương Đại Tây Dương. Cả hai điều này đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến trong những bức thư gửi Tổng thống Truman. Bản Hiến chương này được thông qua hoàn toàn vì lợi ích mong muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp với Pháp cũng như với Anh. Mặc dù Anh có tham gia vào Hiến chương Đại Tây Dương nhưng Anh không muốn và cũng không có ý định áp dụng bản Hiến chương này vào các thuộc địa của mình ở Ấn Độ và Malaysia.

Tại Pháp, vào mùa xuân và mùa hè năm 1946, trong những cuộc hội đàm về tương lai của khu vực nam Trung Hoa, bao gồm cả Sài Gòn, tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh được trọng vọng như một nguyên thủ quốc gia và sử dụng tư cách đó để đàm phán với Pháp. Jean Sainteny, viên toàn quyền trước đây của Pháp tại Việt Nam, vào tháng 3 đã ký một bản thoả thuận rằng việc có đưa Sài Gòn vào nhà nước độc lập ở Bắc Việt Nam hay không sẽ được quyết định thông qua trưng cầu dân ý. Nhưng chính phủ Pháp không có ý định thực hiện bản thoả thuận đó. Việc làm này cùng với ý đồ rõ ràng của Pháp muốn dùng vũ lực biến Bắc Việt Nam một lần nữa thành thuộc địa đã khiến cho hai bên nổ súng giao chiến vào cuối năm 1946. Trong năm năm làm quan chức và tư vấn phụ trách về Việt Nam, tôi không hay biết gì về giai đoạn lịch sử này hoặc ít nhất là về tầm quan trọng của nó. Tới cuối mùa hè, tôi biết về câu chuyện kể trên thông qua những tài liệu mà tôi đã trích dẫn, những tài liệu mà cho đến nay tôi vẫn khuyên người Mỹ nên đọc. Điều làm tôi ấn tượng hơn là ở chỗ tình hình cũng được đánh giá tương tự trong tài liệu tối mật của nghiên cứu McNamara về giai đoạn đó.

Từ những gì tôi làm cho nghiên cứu McNamara về giai đoạn 1950- 1961, tôi biết rằng trong thập kỷ 50, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cộng sự của ông có đủ mọi lý do để Mỹ, Pháp, cộng đồng quốc tế và trên hết là các nước đồng minh cộng sản, Liên Xô và Trung Quốc, phản bội lại vì họ đã không thực hiện được chính xác thoả thuận trong Hiệp định Geneva ký năm 1954. Hiệp định này quy định rõ khu vực phi quân sự không phải là biên giới quốc tế chia cắt hai nhà nước độc lập. Năm 1956, họ kêu gọi tổng tuyển cử với sự giám sát quốc tế để quyết định về chính phủ của nhà nước Việt Nam thống nhất. Khi còn là quan chức Lầu Năm Góc, tôi không hề hay biết gì về việc này. Lúc đó tôi tin vào lý lẽ nguỵ biện của Bộ Ngoại giao Mỹ mà tôi được đọc, thậm chí trong những công văn giấy tờ tối mật về hiệp định Geneva và việc không tổ chức tổng tuyển cử được.

Dù nội bộ hay công khai, Ngoại trưởng Mỹ, Rusk và cấp dưới nhiều lần tuyên bố rằng "tất cả những gì chúng tôi yêu cầu là Bắc Việt Nam hãy để cho người láng giềng của mình được yên" và tuân thủ các điều khoản của hiệp định Geneva năm 1954.

Giả thuyết hiểu ngầm và nhiều khi tuyên bố công khai thể hiện ở chỗ hiệp định này đã sinh ra hai nhà nước tách biệt, độc lập và có chủ quyền, hai "người láng giềng", Bắc và Nam Việt Nam. Cuối cùng khi tôi đọc hiệp định, tôi phát hiện ra rằng điều đó hoàn toàn trái ngược với tinh thần của hiệp định như nó vốn có trên giấy trắng mực đen. Trái ngược đến mức trơ trẽn.

Và cũng trơ trẽn không kém là việc trong suốt thập kỷ 60 Mỹ thường xuyên yêu cầu "phải quay lại tuân thủ những điều khoản của hiệp định" trong khi Mỹ chưa bao giờ có ý định ủng hộ và cho phép tuân thủ những điều khoản chính trị cốt lõi của hiệp định, kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Nhưng điều đó được phản ánh rất rõ trong các tài liệu tôi đọc được năm 1967 tại Lầu Năm Góc. Tháng 3-1964, Bộ trưởng McNamara đã báo cáo với Tổng thống Johnson rằng kiến nghị của De Gaulle "trung lập hoá Nam Việt Nam" bao gồm việc Mỹ rút quân hoàn toàn và rằng: "Đàm phán trên cơ sở này có nghĩa là Cộng sản sẽ tiếp quản toàn bộ Nam Việt Nam. Chỉ có sự hiện diện của Mỹ sau năm 1954 mới thống nhất được Nam Việt Nam trong những hoàn cảnh thuận lợi hơn và cho phép Ngô Đình Diệm từ chối tuân thủ những điều khoản của hiệp định năm 1954 kêu gọi tổng tuyển cử "tự do" toàn quốc năm 1956. Những gì tôi đọc được năm 1969 là một bản hiệp định khác giống hiệp định năm 1954 nhưng đã bị Pháp vi phạm 8 năm trước đó, năm 1946. Tôi phát hiện ra rằng hậu quả của việc vi phạm đó được cả hai bên nhìn nhận rất rõ.

Khi tôi đọc, tôi thấy một câu trích đã tóm tắt được cả câu chuyện. Đó là lời đề nghị buồn bã gửi tới Jean Sainteny vào tháng 9-1946 tại Pháp khi kết thúc hội đàm thất bại, "Tôi không muốn ra đi như thế này. Hãy cho tôi vũ khí để chống lại những kẻ muốn khuất phục tôi". (Tại Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh bị các đồng nghiệp chỉ trích gay gắt vì đã ông đã nhượng bộ để tránh giải quyết mâu thuẫn bằng một cuộc chiến tranh). "Ông sẽ không hối tiếc về điều đó. Nếu chúng tôi phải chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu. Ông giết được mười lính của tôi thì tôi sẽ giết được một lính của ông, và cuối cùng chính ông sẽ mệt mỏi và chán chường".

Tính lo xa kỳ lạ trong lời cảnh báo này không chỉ có ở nhà lãnh đạo Việt Nam. Kể từ tháng 9-1969 khi lần đầu tiên tôi đọc tập đầu tiên củaHồ sơ Lầu Năm Góc, tôi luôn bị ám ảnh bởi một công văn nội bộ của Mỹ viết một vài tháng sau khi ông Hồ đưa ra lời cảnh báo. Ngày 19-12-1946, một tháng sau "sự cố" tàu ngầm, máy bay và pháo binh dội bom trừng phạt xuống khu dân cư ở Hải Phòng, cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 dân thường, chiến sự đã nổ ra tại Hà Nội. Pháp thực hiện dã tâm - có lẽ là có một không hai trong số các cường quốc thực dân sau chiến tranh thế giới lần thứ hai - dùng vũ lực chiếm lại thuộc địa cũ của mình. Bốn ngày sau đó, vào ngày 23-12-1946, John Carter Vincent, Trưởng phòng các vấn đề Viễn Đông gửi một công văn cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Dean Acheson đánh giá tình hình như sau:

"Mặc dù người Pháp tại Đông Dương đã có những nhân nhượng trước nguyện vọng tự trị của người Việt Nam, nhưng hành động gây hấn của Pháp là nhằm giảm bớt quyền lực và thu hẹp phạm vi lãnh thổ của "nhà nước độc lập"(92) Việt Nam.Người Việt Nam tiếp tụcchống lại quá trình này.Đồng thời bản thân người Pháp cũng phải thừa nhận rằng họ thiếu sức mạnh quân sự để tái chiếm Việt Nam. Nói tóm lại, khi không có đủ lực lượng, bị dư luận chỉ trích, chính phủ hoạt động không hiệu quả vì chia rẽ nội bộ, mưu toan người Pháp tại Đông Dương cũng giống như mưu toan xuẩn ngốc của nước Anh hùng mạnh và đoàn kết tại Miến Điện vậy.Với tình hình hiện nay,chiến tranh du kích sẽtiếp diễn lâu dài".

Tại Rand, tháng 9-1969, khi đọc tiếp những tập đầu tiên mà tôi mang từ Washington về, tôi thấy những đánh giá ban đầu của Vincent về tình hình luôn nhất quán với đánh giá trong những năm tiếp theo đó. Và những cuộc thảo luận cũng không thiếu những sự kiện chính trị làm cơ sở cho những đánh giá này, thậm chí cả những sự thật không mấy dễ chịu.

Cụm từ "sự thật không mấy dễ chịu" đó xuất hiện nổi bật trong tuyên bố bí mật vì chính sách tại Đông Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27 tháng 9-1948, một năm rưỡi trước khi chúng tôi đề cập tới những gì tuyên bố này gọi là "trách nhiệm can thiệp".

"Chúng ta không hối thúc người Pháp đàm phán với ông Hồ Chí Minh mặc dù hiện nay có lẽông Hồ đang được đasố người Việt Nam ủnghộvì ông là người Cộng sản và nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong chính phủ của ông Hồ cũng là người cộng sản.

Khó khăn lớn nhất của chúng ta khi nói chuyện với người Pháp và nhấn mạnh những gì nên và không nên làm là việc chúng ta không thể đưa ra một giải pháp thực tiễn nào đối với vấn đề Đông Dương bởi vì tất cả chúng ta đều nhận thức được một sự thật không mấy dễ chịu là nhà Cộng sản Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo tài ba và có năng lực nhất ở Đông Dương và bất kỳ một thủ đoạn nào muốn loại bỏ ông Hồ đều mang lại hậu quả khôn lường. Chúng ta ngại ngần không muốn thúc ép người Pháp quá nhiều hay can thiệp quá sâu chừng nào mà chúng ta không ở vị thế có thể đưa ra một giải pháp hoặc cho đến khi chúng ta sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm can thiệp"(93).

Nếu chúng ta muốn trực tiếp ủng hộ người Pháp (như chúng ta đã sẵn sàng làm một năm sau đó khi Trung Quốc đang "phân rã"), chúng ta sẽ chống lại một phong trào dân tộc mà lãnh tụ của phong trào được đa số người Việt Nam ủng hộ.

Nhận thức về điều này giúp tôi nhìn nhận rõ hơn về sự cao cả "lòng vị tha" của việc chúng ta đã và đang can thiệp vào Việt Nam. Đánh giá lâu dài của Vincent đề cập tới sự thiếu quyết đoán trong chiến dịch thực dân hoá của Pháp mà chúng ta sắp tham gia. Tuyên bố chính sách này đi quá xa trong việc vứt bỏ tính hợp pháp, theo chuẩn mực của nước Mỹ, về việc chúng ta can thiệp gián tiếp hoặc trực tiếp. Những hàm ý đạo đức trong sự lựa chọn của một vị Tổng thống được thể hiện rõ ràng nhất trong tài liệu viết về thời kỳ đầu từ năm 1945 đến năm 1950, khi người Việt Nam vừa mới bắt đầu đấu tranh để duy trì nền độc lập non trẻ của mình. Nhưng trong những năm tiếp theo, tôi thấy chính sách của Mỹ luôn đi theo hình vòng cung, trong đó phương diện đạo đức và thực tiễn không thực sự thay đổi.

Cuối năm 1949, với chiến thắng của Cộng sản tại Trung Quốc, chính quyền Mỹ đột nhiên coi việc ngăn chặn lực lượng Cộng sản kiểm soát Đông Dương như lợi ích của nước Mỹ.

Đúng ra, chính quyền Mỹ coi việc cứu đảng Dân chủ khỏi những lời cáo buộc cho rằng đảng này đã làm mất "sân" cho Cộng sản là cực kỳ quan trọng, giải thích cho việc viện trợ và hỗ trợ trực tiếp cho quá trình thực dân hoá của Pháp.

Khi lực lượng Cộng sản tới được biên giới Việt Nam vào cuối năm 1949, biên giới mở cửa để Cộng sản Trung Quốc giúp phong trào độc lập của Việt Minh. Như ông Vũ Văn Thái tại Rand nói: "Từ lúc đó trở đi, người Pháp không thể đánh bại lực lượng Việt Minh". Người Pháp đã nhụt chí về triển vọng chiến thắng và muốn rút lui. Điều này rất thực tế. Nhưng cùng thời điểm đó, với lý do tương tự - phản ánh thông qua nền chính trị trong nước của Mỹ - chính quyền Mỹ, về mặt chính trị mà nói, không thể cho phép Pháp thất bại hay rút lui (vì Mỹ không muốn gửi quân tham chiến cùng với Pháp). Đó là khởi đầu của những gì sau này tôi gọi là "bộ máy bế tắc". Kể từ đó, người Pháp là công cụ của người Mỹ trong cuộc chiến này hơn là người bạn đồng minh, với việc Mỹ thúc ép và tiếp tục cung cấp viện trợ, cuối cùng lên tới 85%. Nước Mỹ, trong nước và ngoài nước thường bị buộc tội là vô tình bán "những giá trị" của mình, thì ở đây Mỹ không bán "dân chủ, tự quyết, độc lập, tự do". Những giá trị của Mỹ áp đặt lên Việt Nam là: thà là Pháp còn hơn là Cộng sản. Một số người Việt Nam tán thành với điều đó nhưng đa phần thì không, và Mỹ đang cấp tiền cho Pháp để tống giam hoặc thủ tiêu những ai không tán thành. Do vậy bằng nguồn viện trợ của mình, Mỹ đang thể hiện giá trị của mình đối với Việt Nam: thà là chiến tranh, hay chết còn hơn là Cộng sản. Khẩu hiệu này rất quen thuộc ở nước Mỹ vào thời điểm đó nhưng không quen thuộc tại một đất nước nơi mà người Cộng sản đang lãnh đạo phong trào độc lập dân tộc.

Sau này tôi biết, các quan chức Mỹ luôn tin tưởng rằng những giá trị này thực sự là tốt nhất cho người dân Việt Nam, cũng như cho Mỹ. Người Pháp, chế độ Ngô Đình Diệm, các tướng tá người Pháp tốt cho Việt Nam hơn là Cộng sản. Có cơ sở để người ta tin rằng nhiều người Việt Nam rất ngây thơ và bị lừa phỉnh về những gì mà chiến thắng của Cộng sản sẽ mang lại cho họ. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng đến lượt chúng ta, những quan chức Mỹ cũng không hay biết gì về bản chất của người Pháp hay của các chế độ Sài Gòn khác nhau mà chúng ta hậu thuẫn hoặc động cơ khiến người dân Việt Nam cầm súng đứng lên, chống lại các thế lực siêu phàm hơn - và trên hết là gánh nặng của một cuộc chiến tranh đối với người dân nông thôn. Dù thế nào, đánh giá những gì tốt đẹp nhất cho họ, khi cuộc sống và sinh mạng bị đe doạ, là đỉnh cao của tính ngạo mạn đế quốc, "ngạo mạn về quyền lực" như thượng nghị sỹ Fulbright đã gọi.

Trước đây tôi mới chỉ đọc những ước tính tình báo cho thập kỷ trước năm 1961 thì giờ đây tôi được đọc toàn bộ phân tích trong nghiên cứu của McNamara với tài liệu viết về những quyết định trong thập kỷ 50, cả trong cuộc "chiến tranh Pháp" và những năm sau đó khi Mỹ "ủng hộ" cuộc chiến chính trị và chiến tranh vũ trang tại Nam Việt Nam. Tôi quyết định đọc những tài liệu này cuối cùng vì tôi cho rằng những tài liệu đó ít liên quan nhất đến việc tìm hiểu thập kỷ 60. Tôi đã nhầm.

Đây là những gì tôi hiểu, mà mới chỉ vài tháng trước đó tôi không hiểu, khi đọc xong toàn bộHồ sơ Lầu Năm Góctới cuối tháng 9-1969.

- Không có chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và lần thứ hai; chỉ có một cuộc xung đột liên tục kéo dài gần một phần tư thế kỷ.

- Trên thực tế, đó luôn luôn là cuộc chiến của người Mỹ ngay từ đầu: lúc đầu là giữa Pháp và Mỹ, cuối cùng là toàn bộ Mỹ. Trong cả hai trường hợp, đó là cuộc chiến đấu của người dân Việt Nam - không phải tất cả người Việt Nam nhưng số lượng đủ lớn - để chống lại chính sách và tài trợ của Mỹ, kỹ thuật viên, súng đạn và cuối cùng là binh lính và phi công.

- Ít nhất là từ cuối thập kỷ 40, không có một năm nào mà bạo lực chính trị tại Việt Nam có thể đạt tới quy mô của một "cuộc chiến" nếu như Tổng thống Mỹ, Nghị viện Mỹ hay người dân Mỹ không đổ tiền của, vũ khí và cuối cùng là sức người: đầu tiên thông qua người Pháp, sau đó qua nguỵ quyền Sài Gòn và cuối cùng là rót trực tiếp. Thực ra sẽ không có cuộc chiến nào sau năm 1954 nếu Mỹ và tay chân nguỵ quyền tại Việt Nam được Mỹ tài trợ không quyết tâm đi ngược lại và phá hoại quá trình giải quyết chính trị bằng tổng tuyển cử như đã đàm phán ở Geneva.

Sau năm 1955 hoặc 1960, cuộc chiến ở Việt Nam không hơn gì một cuộc nội chiến so với thời kỳ Pháp mưu toan tái chiếm Việt Nam và được Mỹ hậu thuẫn. Một cuộc chiến tranh mà một bên được cường quốc nước ngoài hoàn toàn trang bị và đổ tiền của vào thì không thể coi là nội chiến. Nói rằng chúng ta đang "can thiệp" vào việc định nghĩa "thế nào là nội chiến", như phần lớn các học giả và thậm chí các nhà phê bình tự do ngày nay vẫn làm, chỉ càng làm cho thực tiễn thêm đau đớn hơn. Theo như những điều khoản của Hiến chương Liên Hợp quốc và lý tưởng được công nhận thì đó là một cuộc chiến tranh xâm lược, cuộc chiến tranh xâm lược của người Mỹ.

Không phải dễ gì mà tôi có được đánh giá cuối cùng nêu trên. Đó là đánh giá mà tôi liên tưởng với những cuộc tụ tập phản chiến. Tôi chưa bao giờ tham dự lại một cuộc tụ tập kiểu như thế (sau lần đầu tiên đi cùng Patriacia năm 1965), nhưng trước đây tôi đã đọc những luận điểm tương tự như vậy và coi đó chỉ là lối nói phô trương quá mức, giống như các đồng nghiệp của tôi vậy. Đó là những gì các nhà phê bình "cực đoan", các nhà cấp tiến, và phần lớn các luật sư nước ngoài đã nhiều năm nay nói về sự dính líu của chúng ta vào Việt Nam.

Trước đây tôi không tin họ. Bây giờ tôi phải tin.

5 năm trước, vào tháng 12-1964, sếp của tôi là John McNaughton đã nhận xét với các nhà nghiên cứu của Randkhi họ báo cáo với ông về "Động cơ và chí khí của người Cộng sản": "Nếu những gì các bạn nói là đúng (về động cơ chủ nghĩa dân tộc, lòng yêu nước, kỷ luật và không tham nhũng, thái độ của Việt Cộng đối với nông dân), thì chúng ta đã sai lầm khi tham chiến. Chúng ta thực sự đã sai".

Cuối cùng, không phải luật quốc tế, những định nghĩa không bao giờ được thực hiện chống lại các cường quốc thực sự làm tôi quan tâm; mà là cảm giác rằng sự can thiệp của chúng ta vào Việt Nam là không hợp pháp. Chúng ta không có cơ sở nào để đòi hỏi quyền lực đối với bất kỳ chế độ nào mà chúng ta hậu thuẫn. Không phải trong con mắt của người Việt Nam; và cũng không phải trong con mắt của chúng ta nếu chúng ta biết rõ và thực tiễn hơn về vai trò của chúng ta trong quá khứ và hiện tại. Nếu nhìn nhận thực tiễn thì đó chưa bao giờ là một "sự nghiệp chính nghĩa cả".

Trong một vài năm trước đó, tôi luôn coi cuộc chiến tranh này như một sự dính líu, can dự cần kết thúc và trên hết, nó không được phép leo thang. Trong chừng mực tôi biết, tôi có cùng cảm giác đó với phần lớn các ban đồng nghiệp trong chính phủ với kinh nghiệm của cuộc chiến tranh ở Washington hay Sài Gòn. Nhưng bắt đầu vào mùa hè năm 1969 và chắc chắn là cuối tháng chín năm đó, khi tôi bắt đầu đọc những chương đầu tiên của tập Hồ sơ, tôi không còn cho rằng cuộc chiến này là một nỗ lực đã sai lầm hay đi quá xa, cuộc chiến này là những dự định tốt nhưng không thực hiện được những mục tiêu hợp pháp. Tôi đã đọc về quãng thời gian 9 năm chúng ta ủng hộ về mặt ngoại giao đối với những yêu sách của Pháp đòi sở hữu có chủ quyền với thuộc địa trước đây của họ, một thuộc địa đã tuyên bố độc lập với sự ủng hộ rộng rãi của người dân; trên hết, năm năm cuối cùng Pháp nỗ lực tái chiếm thuộc địa bằng cách sử dụng vũ lực, trong đó chúng ta đã thúc ép Pháp tiếp tục đấu tranh quân sự chống lại phong trào độc lập và hầu như tài trợ cho việc làm đó. Bản chất của cuộc xung đột cũng không thay đổi vào năm 1954 khi các ông chủ Mỹ quản lý chính quyền và quân đội thực dân ngừng cung cấp viện trợ thông qua người Pháp và viện trợ trực tiếp cho tay chân của họ. Sau đó, tình hình về cơ bản cũng không có gì thay đổi.

Đối với tôi một người Mỹ được đọc tài liệu bí mật quốc gia về nguồn gốc của cuộc xung đột và sự tham gia của người Mỹ vào cuộc xung đột đó, tôi nhìn thấy sự dính líu của người Mỹ - và sự chết chóc chúng ta đã và đang gây ra - là một sự thật trần trụi không có một chút hợp pháp nào trong đó cả. Điều đó càng củng cố và cùng với thời gian càng mở rộng hơn nữa kết luận tôi đã có từ hồi tháng 5 ở Ohio: thật vô đạo đức khi chúng ta cố tình kéo dài sự chết chóc và bom đạn thêm một ngày nữa.

Mùa hè năm đó, kể từ khi tôi giảng bài ở đại học Ohio, tôi dần dần nhận thức được việc kéo dài cuộc chiến chống lại ý nguyện của người dân Việt Nam, những con người sẵn sàng chấp nhận những điều khoản để kết thúc cuộc chiến mà chúng ta đã chối từ không cân nhắc đến. Bây giờ tôi nhận ra rằng đó không chỉ là sự tiếp tục một cuộc chiến tàn phá và bế tắc tuyệt vọng, một cuộc chiến phi nghĩa, một sai lầm ngay từ đầu.

Trong tình hình đó thì việc chúng ta tiếp tục cuộc chiến là một sai lầm lớn nhất. Một tội ác.

Nếu cuộc chiến là phi lý, như tôi nhìn nhận bây giờ, thì điều đó có nghĩa rằng bất kỳ người Việt Nam nào bị lính Mỹ hoặc lính đánh thuê mà chúng ta tài trợ kể từ năm 1950 giết hại có thể coi là đã bị chúng ta giết mà không cần sự giải thích, phân minh nào. Tôi không thể nghĩ ra một từ nào khác ngoài hai chữ "giết người". Giết người hàng loạt. Liệu có quá hấp tấp nếu chúng ta chấm dứt chính sách giết người?

Đó không phải là quan điểm tôi muốn áp đặt lên các bạn đồng nghiệp hoặc công chúng. Tôi không thể hy vọng họ sẽ đồng ý với tôi, hoặc làm cho họ tin về điều đó, khi họ hoàn toàn không biết gì đến quãng thời gian lịch sử trong những tài liệu mà tôi được đọc. Tôi không hề phê phán các quan chức cũng như công chúng khi họ không biết về quãng thời gian đó.

Tôi biết nhưng giữ kín trong lòng mình những gì tôi biết về Việt Nam sau năm năm phụ trách về Việt Nam. Giống như tôi, họ chấp nhận các báo cáo chính thức của chính phủ, vừa là tài liệu được công bố công khai, vừa là tài liệu mật. Tôi biết rằng sự thật lịch sử đang được che giấu kỹ lưỡng trong những hồ sơ bí mật rất dài của chính phủ. Tôi cũng không hy vọng gì nhiều người trong số họ sẽ sớm đọc hàng trăm trong hàng ngàn trang hồ sơ này, những trang hồ sơ đã làm thay đổi tư duy của tôi, cho dù họ có được tiếp cận với hồ sơ đó đi chăng nữa.

Sự khác nhau mà những khái niệm này tạo ra đối với tôi nằm trong tinh thần trách nhiệm và sự cấp bách, đòi hỏi về đạo đức nhằm kết thúc chiến tranh, chứ không phải chỉ ngăn chặn không cho chiến tranh leo thang. Giờ đây tôi coi sự can thiệp không phải là cái gì cần loại bỏ ngay khi nó được làm thật "khéo léo" không gây phương hại gì tới các mục tiêu quan trọng khác của nước Mỹ, như tôi đã từng nghĩ trong vòng hai, ba năm qua, mà đúng ra sự can thiệp đó là những gì chúng ta cần phải chấm dứt, càng sớm càng tốt.

Đó là những gì tôi đã kết luận vào giữa tháng 9-1969. Nhưng một tháng trước đó, vừa giữa tháng tám, khi tôi sắp kết luận điều này thì tôi biết rằng sự can thiệp không dễ có thể nhanh chóng kết thúc.

Nói chuyện với tôi trên điện thoại vào giữa mùa hè, Morton Halperin nói: "Nixon tiếp tục làm Tổng thống". Điều đó cỏ nghĩa rằng cuối cùng cuộc chiến sẽ ngày càng lan rộng. Đó là tin xấu, thực ra là một tin khủng khiếp. Tuy nhiên đối với tôi, một người, tới thời điểm này, đã đọc phần lớn nghiên cứu của McNamara, thì tin tức đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Nó chỉ đơn thuần có nghĩa rằng một vị Tổng thống mới sẽ tiếp bước bốn vị Tổng thống tiền nhiệm của ông ta. Khi nói chuyện tôi không gặng hỏi Mort vì tôi không hy vọng anh ta sẽ nói thêm điều gì trên điện thoại. Khi tôi nghỉ ở nhà anh ta vào cuối mùa hè năm đó, anh ta kể cho tôi thêm nhiều chi tiết nữa.

Nixon không hề muốn thấy Sài Gòn dưới cờ Việt Cộng sau một thời gian cách quãng hai, ba năm. Ít nhất là ông ta không muốn thấy điều đó xảy ra khi còn đang đương nhiệm, có nghĩa là ông ta không muốn điều đó trong suốt năm 1976, nếu như ông ta có thể xoay xở và ông ta tin là có thể xoay xở được.

Điều đó không có nghĩa là ông ta trông đợi Việt Cộng hay Việt Nam dân chủ cộng hoà từ bỏ vĩnh viễn mục đích thống nhất Việt Nam dưới sự kiểm soát của mình. Và điều đó cũng có nghĩa là về cơ bản, cuộc chiến tranh sẽ không bao giờ kết thúc. Lời hứa khi vận động tranh cử của Nixon sẽ chấm dứt chiến tranh chỉ là hứa hão. Nhưng ông ta tin rằng cuối cùng công chúng Mỹ sẽ thấy và chấp nhận sự kết thúc của vai trò đánh bộ của Mỹ cũng không hơn gì một lời hứa hão khác. Liệu có thể làm được điều đó mà không mất Sài Gòn không? Nixon tin là có thể làm được, bằng một trong hai cách. Cách thứ nhất được ông ta thích hơn là cuối cùng miền Bắc Việt Nam đồng ý rút quân cùng với Mỹ. Trong trường hợp đó thì Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ cho chính phủ Nam Việt Nam và không lực Cộng hoà Việt Nam. Ngoài ra, sự hỗ trợ về không lực cho chính quyền Nam Việt Nam sẽ tiếp tục lâu dài, với lời đe doạ và ý định phản công tổng lực trả đũa vào miền Bắc nếu miền Bắc tấn công.

Với sự hỗ trợ về không lực, không quân của nguỵ quyền được tăng cường và mở rộng sẽ có thể tự mình đối phó được với lực lượng của Mặt trận dân tộc giải phóng, mà không cần bộ binh của Mỹ. Đó là hy vọng của Nixon.

Trong khi đó, Nixon tiếp tục theo đuổi một hướng khác.

Trong tình huống thứ hai này, Mỹ sẽ đơn phương giảm quân số, nhưng giảm chậm, mỗi lần giảm khá ít, miễn sao số lượng lớn quân của Mỹ vẫn tiếp tục ở lại Nam Việt Nam trong một vài năm tới trong khi quá trình Việt Nam hoá chiến tranh sẽ tăng cường cho lực lượng không quân của nguỵ quyền. Nhưng sẽ không có kế hoạch rút hết quân Mỹ nếu Hà Nội cũng từ chối rút quân. Mỹ tiếp tục duy trì một số lượng quân tối thiểu tương đối lớn tại Nam Việt Nam chừng nào mà lực lượng Bắc Việt Nam vẫn còn ở lại, có lẽ khoảng 200.000 lính hơn (chắc chắn không ít hơn từ 50.000 đến 100.000 lính) sẽ đóng quân lâu dài tại Nam Việt Nam. John Vann cũng có nói cho tôi biết về phần kế hoạch này của Nixon, khi ông ta về thăm nhà cuối mùa hè năm đó. Ông ta biết được điều này qua một người bạn là tướng Bruce Palmer, lúc đó là phó Tổng Tham mưu trưởng. Vann từ lâu đã nói, hiện giờ có nhiều lính Mỹ tại Nam Việt Nam hơn mức cần thiết để kiểm soát các khu vực dân cư đông đúc và thậm chí ngăn không cho những khu vực "tranh chấp" không bị Mặt trận dân tộc giải phóng kiểm soát hoàn toàn, thậm chí khi lực lượng của bắc Việt Nam vẫn còn ở miền Nam. Dần dần, Nixon có thể gửi về nước hàng trăm ngàn lính Mỹ (Vann nghĩ, có thể gửi ngay lập tức, nhưng đó là trường hợp bất thường đối với bộ phận hỗ trợ quân đội tại Việt Nam), mà vẫn có thể kiểm soát Sài Gòn, các thành phố lớn khác và các khu vực đông dân trong suốt năm 1976 và sau đó.

Làm thế nào để công chúng Mỹ chấp nhận được điều này - hoặc là tốc độ rút quân chậm, hoặc là lực lượng lớn tiếp tục đóng quân ở lại. Bằng cách bảo đảm rằng tỷ lệ lính Mỹ thương vong sẽ giảm nhanh, hầu như không có trường hợp thương vong; điều này đạt được bằng cách đe doạ miền Bắc rằng nếu không miền Bắc sẽ bị thiêu trụi. Mort nói với tôi rằng đồng minh Liên Xô đã nói với chính phủ ở Hà Nội rằng miền Bắc sẽ chịu số phận như vậy không chỉ khi Hà Nội mở cuộc phản công mới mà ngay cả khi Hà Nội không tuân thủ theo những điều khoản hợp lý nhằm giải quyết xung đột - có nghĩa là Hà Nội không nhanh chóng đồng ý cả hai bên sẽ rút quân. Nhưng sau khi Hà Nội từ chối rút quân, Mort không tin rằng Nixon sẽ rút lại lời đe doạ.

Nhưng Mort không tin rằng Nixon bịp bợm khi ông ta doạ sẽ một lần nữa mở rộng quy mô cuộc chiến trong tnlờng hợp miền Bắc Việt Nam và Mặt trận dân tộc giải phóng tiến hành tấn công chống lại lực lượng còn sót lại của Mỹ và thậm chí còn đe doạ sẽ ngăn chặn và răn đe các cuộc tấn công ồ ạt vào Không lực Nam Việt Nam và lực lượng Mỹ còn sót lại. Ông ta coi Nixon đang dự định và hy vọng lời đe doạ của mình sẽ bảo vệ Nam Việt Nam an toàn khi số lượng lớn quân Mỹ còn đang có mặt vô thời hạn tại Nam Việt Nam - ít nhất là 50.000 cho tới 200.000 quân - trong một cuộc xung đột kéo dài, một cuộc chiến bế tắc với mức chi phí thấp dành cho người dân Mỹ đóng thuế và gây rất ít thương vong cho người lính Mỹ. Ngoài ra Nixon còn hy vọng, khi chính phủ Bắc Việt Nam nhận ra rằng nó không thể sử dụng các đơn vị quân của bắc Việt Nam tại Nam Việt Nam mà không bị tổn thất quá mức tại miền Bắc, điều này có thể thay đổi lập trường của họ về việc cả hai bên cùng rút quân và sẽ tìm kiếm một giải pháp chính thức theo điều kiện của phía Mỹ. Cho dù thế nào, việc Mỹ rút quân toàn bộ luôn gắn liền với điều kiện rằng Bắc Việt Nam cũng phải rút quân. Nếu điều đó không xảy ra, Nixon dự tính sẽ duy trì lâu dài số lượng quân tương đối lớn tại Nam Việt Nam, giống như tại Triều Tiên. Và mặc dù nếu cả hai bên cùng rút quân đánh bộ thì Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ cho không lực Nam Việt Nam nếu cần.

Mort cho tôi biết, ngoài việc cảnh báo, Nixon dự định nhấn mạnh lời đe doạ rằng ông ta sẵn sàng tấn công tổng lực vào Bắc Việt Nam mà Johnson trước kia luôn tránh: cảng biển, tấn công vào hệ thống đê điều, ném bom vào các khu đông dân cư, thậm chí sử dụng vũ khí hạt nhân. Tám tháng trước, tôi đã đặt câu hỏi cho Schelling, có liên quan tới chiến lược đe doạ: "Tại sao lời đe doạ leo thang lại phát huy tác dụng trong khi việc thực sự ném bom miền Bắc lại không?". Mort giải thích với tôi rằng câu trả lời của Nixon trước thách thức này vẫn còn giá trị: "Nếu cần tôi sẽ huỷ diệt miền Bắc nặng nề hơn là những gì miền Bắc đã từng hứng chịu. Và tôi sẽ chứng minh được điều đó bằng cách leo thang chiến tranh mà trước đây Lyndon Johnson không dám làm". Mort nói, đó là ý nghĩa của chiến dịch ném bom bí mật đang được tiến hành tại Campuchia mà Nixon bắt đầu hồi tháng hai. Chiến dịch đó vẫn "bí mật" mặc dù trang nhất của tờThời báo New Yorkđã đăng tải một bài viết vào tháng 5, bởi vì cùng ngày hôm đó Lầu Năm Góc đã chối bỏ điều này và không một nhà báo nào tiếp tục theo dõi sự việc đó nữa. Mort đã khiến tôi biết yề sự việc đó đơn giản bằng cách gợi tôi nhớ lại câu chuyện William Beecher trên tờThời báo New Yorkvà nói với tôi: "Sự thật đúng như vậy". (Ông ta không phải là nguồn cung cấp thông tin; ông ta tin rằng thông tin rò rỉ ra từ Lầu Năm Góc).

Mort nói mục đính chính của cuộc ném bom là chứng tỏ cho miền Bắc thấy rằng Nixon không bị bó buộc giống như Johnson. Nếu Cộng sản thách thức sự có mặt lâu dài của Mỹ tại Nam Việt Nam bằng những cuộc tấn công gây tổn thất lớn cho Mỹ, Nixon cũng sẵn sàng chứng minh như vậy. Những toán biệt kích bằng đường sông cũng đã bí mật thâm nhập vào Lào (chiến dịch Dewey Canyon).

Những gì mà tôi nghe thấy không chỉ là cuộc chiến đang tiếp diễn lâu dài, mà cuộc chiến đang lan rộng. Rõ ràng đó không phải là những gì Nixon muốn hay hy vọng. Halperin nói ông ta hy vọng rằng những lời đe doạ của mình sẽ phát huy tác dụng. Với việc chứng tỏ uy thế như đã nói ở trên, Hà Nội sẽ phải lùi bước, giảm quy mô chiến sự lâu dài, đồng ý rút quân và giải quyết xung đột. Nhưng tôi không tin điều đó và Halperin cũng vậy. Tôi biết đó là những gì Nixon tin vì tôi đã đọc nghiên cứu của McNamara. Đó cũng là những gì mà Eisenhower tin trong suốt thập kỷ 50; là những gì mà Nixon, McNamara và Wat Rostow đã tin hoặc làm ra vẻ tin vào năm 1965.

Nếu như tôi không hiểu giai đoạn lịch sử đó thì có lẽ tôi đã phản ứng trước câu chuyện của Mort giống như những người khác khi họ được nghe câu chuyện đó. Họ nói: "Nixon không thể tin vào điều đó, ông sai rồi". Nhưng tới thời điểm này Mort đã đọc về giai đoạn lịch sử đó và ông ta tin chắc rằng tính liên tục trong báo cáo của McNamara không kết thúc vào tháng 3-1968. Là người hiểu ông ấy, tôi thấy hài lòng với những gì Ông ta nói với tôi. Ông ấy không kể cho tôi biết làm thế nào ông ấy biết được điều này và tôi cũng không nài nỉ ông ấy phải nói cho mãi đến mùa thu năm đó. Nhưng những gì ông ấy kể cho tôi đã rất chi tiết rồi. Vào tháng 9-1969, ông ấy nói: "Chính phủ hiện nay sẽ không ra tranh cử năm 1972 mà lại không đặt mìn ở Hải Phòng hay ném bom Hà Nội (ông ấy đã nhầm về trường hợp của Hà Nội). Mãi 6 tuần sau khi tranh cử, Hà Nội mới bị ném bom.

Dự đoán đó giả thuyết rằng lời lẽ đe doạ có thể không phát huy tác dụng và rằng Nixon, thay về mất mặt, sẽ tiến hành những gì ông ta đã hù doạ. Cả hai chúng tôi đều tin vào giả thuyết thứ nhất, từ kinh nghiệm trong vòng 5 năm qua (và những gì chúng tôi đọc được về quãng thời gian 24 năm qua).

Halperin tin vào giả thuyết thứ hai, từ kinh nghiệm của ông về Nixon trong vòng 6 tháng qua. Thuyết phục tôi rằng điều đó đúng cũng không khó, một khi Tổng thống đã cam kết vào những hành động này, một khi ông ta thấy uy tín và danh dự của mình bị tổn hại. Nhưng tôi vẫn nghĩ có lẽ không quá muộn để cho ông ta thoát ra khỏi những hành động ngu xuẩn đó.

Không một cam kết nào là cuối cùng cho đến khi người ta công khai thực hiện cam kết đó. Những gì Halperin kể cho tôi nghe là một quyết định bí mật. Đó không hề là những gì dư luận mong đợi từ ông ta, mà chính là điều ngược lại. Nếu Nixon suy nghĩ lại, trì hoãn quyết định hoặc thậm chí tuyên bố một chính sách khác thì cũng chẳng ai biết đấy là đâu. Halperin không nghĩ rằng có khả năng làm được điều này từ nội bộ Hội đồng An ninh quốc gia (ông ấy cũng sắp thôi việc ở đó, và đó là một trong những lý do) và ông ta không đưa ra một phương án khác.

Nhưng đó là những gì chợt nảy ra trong đầu tôi vì tôi phải rời Washington đi họp ở Haverford, Pennsylvania.

Chú thích:

(91) Chúng nằm trong… mộtloạt các tài liệu lưuhành trong nội bộ Rand:Ellsberg, Các mục tiêu vàsức mạnh của Mỹ ởViệt Nam, tháng 6, 1969;Các động thái quyết địnhtới quá trình ra quyếtđịnh của Mỹ về ViệtNam, tháng 6, 1969; VũVăn Thái nói về cácmục tiêu và can thiệpcủa Mỹ vào Việt Nam,tháng 7, 1969; Nho sĩvà Cộng sản, tháng 7,1969; Sự ủng hộ củaMỹ cho Diệm, tháng 7,1969; Về quá trình bìnhđịnh, tháng 7, 1969; Chínhsách của Mỹ và nềnchính trị các nước, tháng7, 1969; Các mục tiêubất khả thì và nềnchính trị ngưng đọng, tháng8, 1969; Cộng sản vàngười Việt Nam, tháng 8,1969; Nhu đạo cách mạng,tháng 7, 1970, tài liệukhông xuất bản; "Việc thươnglượng trên cơ sở này"- Hồ sơ Lầu NămGóc, Gravel biên tập, quyểnsố 3, trang 502; "Đừngđể tôi phải rời khỏiđây theo cách này" -trích trong Sainteny, trang 210.

(92) "Mặc dù là ngườiPháp" - Hồ sơ LầuNăm Góc, Gravel biên tập,quyển số 1, trang 29.


(93) "Chúng ta không hốithúc" - Hồ sơ LầuNăm Góc, GPO biên tập,quyển số 8, trang 143-49.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét