Bác Hồ thân mật tiếp gia đình LS Loseby năm 1960
Trong
những năm bôn ba hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã gặp muôn vàn gian lao,
nguy hiểm; mấy lần bị tù đày, bị toà án thực dân Pháp kết án tử hình
vắng mặt vào năm 1929 theo phán quyết số 115 ngày 10/10/1929 của Toà án
Vinh (Nghệ An). Song với bản lĩnh vững vàng, sự thông thái và cẩn trọng;
cộng với sự trợ giúp của lương tri và chính nghĩa, Người đã vượt qua
mọi gian nguy, tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này
đến thắng lợi khác.
Tháng
6/1931, Bác Hồ đang hoạt động tại Hồng Kông với tên gọi Tống Văn Sơ,
thì bị cảnh sát Hồng Kông bắt giữ. Đây không phải là một vụ bắt bớ ngẫu
nhiên mà là sự phối hợp giữa mật thám Pháp tại Đông Dương và cảnh sát
Hồng Kông, sau khi bắt được một người Pháp có tên Lefranc (Lơphơrăng),
là cán bộ Thanh tra của Quốc tế Cộng sản đang hoạt động tại Singapore và
Đông Dương. Lefranc được Quốc tế Cộng sản cử theo dõi, giúp đỡ Đảng
Cộng sản Đông Dương khi đó đang gặp rất nhiều khó khăn do sự đàn áp đẫm
máu của chính quyền thực dân Pháp những năm 1930-1931. Cảnh sát thu được
một bức thư tiếng Pháp viết bằng mực hoá học của Lefranc gửi cho T.V
Wong, tức Nguyễn Ái Quốc ở số nhà 186 phố Tam Lung, Cửu Long, Hồng Kông.
Bác Hồ với gia đình luật sư Loseby trong dịp
thăm Việt Nam
năm 1960 (bà Nguyễn Thị Cúc đứng hàng sau)
năm 1960 (bà Nguyễn Thị Cúc đứng hàng sau)
Từ
bức thư này, tung tích của Nguyễn Ái Quốc bị lộ và 4 ngày sau khi
Lefranc bị bắt tại Singapore (2/6), cảnh sát Hồng Kông đã bắt được
Nguyễn Ái Quốc tại địa chỉ trên vào ngày 6/6/1931. Vụ bắt giữ Tống Văn
Sơ được cảnh sát Hồng Kông tiến hành bí mật, với âm mưu nhanh chóng trục
xuất Tống Văn Sơ về Đông Dương, theo đúng kế hoạch của mật thám Pháp để
thực hiện bản án tử hình đã tuyên năm 1929.
Nhà
cầm quyền thực dân Pháp tại Đông Dương rất vui mừng trước tin đã bắt
được Nguyễn Ái Quốc và nóng lòng chờ đợi chiếc tàu buôn Pháp từ Hồng
Kông trở về mang theo nhà cách mạng lừng danh, dự kiến cuối tháng 9/1931
sẽ cập bến Nhà Rồng (Sài Gòn) – nơi mà đúng 20 năm trước, người thanh
niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên chiếc tàu Amiral Latouche Treville
ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911).
Nằm
trong âm mưu dẫn độ Nguyễn Ái Quốc về Đông Dương để thi hành án tử
hình, nhà cầm quyền Pháp dùng mọi thủ đoạn để vận động Chính phủ Anh và
Hội đồng Hành pháp Hồng Kông sớm trục xuất Nguyễn Ái Quốc. Ngày
26/6/1931, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp chỉ đạo Đại sứ Pháp tại London:
“Tôi đề nghị ông can thiệp khẩn cấp với chính quyền Anh. Ông hãy chỉ ra
rằng, kẻ phiến loạn này nguy hiểm đối với tất cả các thuộc địa của châu
Âu ở Viễn Đông và hoạt động của ông ta mở rộng đến tận Singapore, sang
cả vùng Ấn Độ...”.
Tác giả và bà Cúc (ảnh chụp tháng 5/2013 tại TP Hồ Chí Minh)
Về
phần mình, Nguyễn Ái Quốc nhận thức mình đang ở trong một tình thế cực
kì nguy hiểm. Người nhớ lại: “Khi bị bắt giam, trong tâm trạng chỉ có
một điều là lo, không phải lo cho số phận mình sau này sẽ ra sao, vì sẵn
biết kết quả cuối cùng chỉ có thể: Hoặc sẽ bị bọn thực dân thủ tiêu;
hoặc sẽ thoát khỏi xiềng xích, trở lại hoạt động cách mạng. Lo là lo
những công việc mình làm chưa xong, ai sẽ tiếp tục làm thay? Ít nhiều
kinh nghiệm của mình đã gom góp được, làm thế nào để truyền lại cho đồng
chí khác? Những mối manh và những địa điểm chỉ có mình biết từ nay ai
sẽ xây dựng lại?… Trong cái rủi cũng có cái may: Bác vào nhà giam vài
hôm thì đồng chí Hồ Tùng Mậu được ra tù để rồi bị bắt về nước.
Đồng
chí Mậu báo tin Bác bị bắt cho Công ty Luật sư Russ (của người Anh),
giám đốc Công ty Russ là luật sư Loseby vào nhà giam gặp Bác và nói ông
sẽ ra sức cãi hộ Bác. Bác nói: “Tôi không có tiền trả cho ông đâu”. Ông
Loseby: “Tôi biết ông là nhà cách mạng Việt Nam, tôi cãi hộ ông là vì
danh dự chứ không nhất thiết chỉ vì tiền”. Từ đó, ông bà Loseby hết lòng
giúp đỡ Bác về mặt án kiện cũng như về đời sống trong tù”.
Với
sự giúp đỡ tận tình của luật sư Loseby và dư luận tiến bộ, cùng với sự
ứng phó thông minh của Tống Văn Sơ, âm mưu của mật thám Pháp và cảnh
sát Hồng Kông đã thất bại. Trải qua 9 phiên toà xét xử, kể cả việc kháng
án lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh, Toà án đã không thể khép Tống Văn
Sơ vào một tội danh nào và buộc phải trả tự do cho Người sau 20 tháng
bị tù đày (từ tháng 6/1931 đến tháng 1/1933). Buổi chiều ngày 22/1/1933,
Nguyễn Ái Quốc bí mật cùng người thư kí riêng của luật sư Loseby rời
khỏi Hồng Kông bằng chiếc thuyền riêng của Thống đốc Hồng Kông, ra khơi
và lên chiếc tàu Anhui đi Hạ Môn. Sau đó Người đi Thượng Hải rồi sang
Liên Xô…
Gần
30 năm sau khi thoát khỏi nhà tù Hồng Kông, mùa Xuân năm 1960, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã mời gia đình luật sư Loseby thăm Việt Nam với tư cách là
khách mời đặc biệt của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước
đó nhiều năm, dịp lễ Noel, năm mới nào gia đình Loseby cũng nhận được
thiệp chúc mừng và quà của Tống Văn Sơ – Hồ Chí Minh.
Tháng
5/2013, nhân kết thúc chuyến công tác ra Trường Sa, tôi đến thăm bà
Nguyễn Thị Cúc, một vị lão thành cách mạng, hiện trú tại phường Trường
Thọ, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Bà Nguyễn Thị Cúc và ông Trịnh Ngọc
Thái (nguyên Đại sứ nước ta tại Pháp) là người phiên dịch cho gia đình
luật sư Francis Henry Loseby trong chuyến thăm Việt Nam năm 1960.
Theo
hồi ức của hai người phiên dịch, họ được Bác trực tiếp giao nhiệm vụ
phiên dịch cho gia đình vị ân nhân. Ngày 26/1/1960 (28 Tết Nguyên đán
Canh Tý), Bác thân hành sang Sân bay Gia Lâm đón khách. Bác ngồi trong
phòng khách, còn ông Cao Hồng Lãnh (Phó Ban Đối ngoại Trung ương Đảng),
ông Vũ Kỳ (Thư kí của Bác), ông Thái và bà Cúc, cùng một số người khác
ra tận chân cầu thang máy bay đón gia đình luật sư Loseby. Khi họ đưa
gia đình luật sư vào phòng khách, Bác đã đứng đợi từ lúc nào, Người xúc
động ôm thắm thiết luật sư Loseby sau gần 30 năm xa cách; nhìn hai mái
đầu bạc kề sát bên nhau, mọi người đều không khỏi trào nước mắt. Ông bà
Loseby và con gái là Patisia (thường gọi là cô Pát) cũng rất xúc động
trước sự đón tiếp nồng nhiệt của phía chủ nhà…
Trong
chuyến thăm Việt Nam (từ ngày 26/1 đến ngày 3/2/1960), gia đình luật sư
Loseby đã được đón một cái Tết đặc sắc của dân tộc Việt Nam và có nhiều
hoạt động ý nghĩa: Thăm các nhà máy, trường học, Vịnh Hạ Long, các danh
lam thắng cảnh của Hà Nội…
Và
giờ phút chia tay đầy lưu luyến được bà Cúc ghi lại: Bác Hồ tiễn gia
đình luật sư Loseby đến tận sân bay Gia Lâm. Trong khi chờ máy bay cất
cánh, Bác cùng ông bà Loseby và cô Pát ngồi uống trà, nói chuyện vui vẻ.
Bác thân mật vỗ nhẹ vào vai cô Pát: “Bao giờ có đám cưới, cháu Pát nhớ
cho Bác hay nhé!”. Tiếc rằng, sau khi ông bà Loseby mất tại Hồng Kông,
cô Pát trở về London và sống độc thân suốt đời. Cô Pát mang theo tất cả
những kỉ vật của gia đình với Bác Hồ. Trước lúc mất, cô Pát đã nhờ người
cháu của luật sư Loseby tặng lại các kỷ vật đó cho Bảo tàng Hồ Chí
Minh./.
Trần Duy Hiển
Nguồn: Ban Quản lý Lăng Hồ Chủ tịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét