Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Tháng 7 ở Vị Xuyên

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thắng thắp hương cho đồng đội cũ ở Nghĩa trang Vị Xuyên.
Đứng ở điểm cao 468 (Vị Xuyên, Hà Giang), tịnh không một ngọn gió. Nhìn sang những đỉnh đồi phía trước lúp xúp bóng cây, thật khó có thể hình dung nơi đây 31 năm về trước là chiến trường ác liệt, với các điểm cao đỏ lửa: 685, 772, 1250, 1509... Sự khốc liệt tại mặt trận Vị Xuyên ngày ấy gắn với những địa danh độc nhất vô nhị: "lò vôi thế kỷ", "đồi thịt băm", "thác âm phủ", "thung lũng tử thần"...
Ngày 12 tháng 7 hằng năm đã được những người lính Sư đoàn 356 chọn làm ngày giỗ trận của đơn vị. 31 năm về trước, đúng ngày này, khoảng 600 chiến sĩ của sư đoàn đã hy sinh anh dũng để bảo vệ mảnh đất biên cương của Tổ quốc. Rất nhiều người đã không thể có mặt ở nghĩa trang Vị Xuyên (nơi hiện đã quy tập được hơn 1.700 ngôi mộ, trong đó có 1.355 ngôi mộ có tên, số còn lại chưa xác định được nhân thân) bởi lẽ xương cốt của họ đã hòa vào đất mẹ hoặc còn đang nằm ở khu vực có bom mìn chưa được rà phá.

Nguyện ước của những người lính trở về từ mặt trận Vị Xuyên là làm sao tổ chức quy tập được hết các anh em còn gửi thân nơi sườn giông, vách đá về nghĩa trang, để người sống được đến thắp hương tưởng niệm người đã khuất. Không ai bảo ai, nhưng họ luôn tâm niệm, mình sống đây là phần đời của mình và phần đời của đồng đội đã hy sinh tặng lại cho mình. Bởi vậy trách nhiệm của người đang sống không bao giờ được phép lãng quên những người đã khuất. Nhiều năm qua, các cựu chiến binh của các Sư đoàn 356, 313, 314... đã tích cực tổng hợp thông tin của liệt sĩ như: tên tuổi, quê quán của liệt sĩ từ đó rà soát, phân tích, suy luận, điều chỉnh để định hướng thông tin cho gia đình thân nhân biết rằng liệt sĩ của gia đình, những người cha, chú, con, anh, em, cháu của họ sau hơn 30 năm vẫn đang nằm tại Vị Xuyên, vẫn nhận được sự quan tâm chăm sóc của con em đồng bào, nhân dân vùng biên ải Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Năm 2013, các cựu chiến binh Sư đoàn 356 đã chung sức xây lên đài hương khiêm tốn ở cao điểm 468 (thuộc thôn Nậm Ngặt) để làm nơi tụ họp cho các anh em liệt sĩ biết đường mà tìm về, quây quần bên nhau. Bên khói hương vấn vít, những người lính giờ gương mặt đã sạm mầu thời gian, cùng nhau ôn lại kỷ niệm thuở xưa, những ngày tháng trận địa trắng bom đạn, những cuộc truy điệu tập thể trước khi vào trận... Cứ ngỡ 30 năm đã trôi qua, những ký ức khốc liệt nơi chiến trường một thuở sẽ dần nguôi ngoai, nhưng trước thông tin về hang đá có tới 30 bộ hài cốt vừa được phát hiện, thông tin về những người dân vẫn còn vấp phải bom mìn trong khi làm nương rẫy, lại khiến những cựu chiến binh xưa nhức nhối không yên.

 Vợ chồng ca sĩ Kim Thanh soạn sửa quần áo gửi liệt sĩ Trần Trung Thực.
Ca sĩ Kim Thanh - nguyên văn công Sư đoàn 356, tâm sự: Năm nào vào dịp tháng 7 chị cũng phải lên Vị Xuyên mới thấy lòng bớt day dứt. Nơi đây, bên cạnh những đồng đội mãi mãi không thể trở về, còn có người yêu của chị, liệt sĩ Trần Trung Thực. Hai người đã từng thề ước hết chiến tranh trở về sẽ sống chung một nhà, nhưng mong ước ấy đã không thể thực hiện được. Anh hy sinh trong một trận chiến khốc liệt, giành giật từng điểm chốt. Nhận được tin dữ, ca sĩ Kim Thanh rụng rời, tưởng không thể sống nổi. Nhờ sự động viên của đồng đội, chị đã gượng đứng lên, hoàn thành nhiệm vụ của một cán bộ tuyên văn sư đoàn. Sau khi ra quân, chị trở về quê nhà, xin nhận bố mẹ của liệt sĩ Trần Trung Thực làm cha mẹ nuôi. Chị bảo, ông bà thương chị lắm, coi như con gái trong nhà. Tháng 7 năm nay, chị dự định đưa mẹ nuôi lên đài hương 468 để thắp hương cho con trai, nhưng thấy sức bà yếu quá, nên chị đành thuyết phục mẹ ở nhà. Bộ quần áo chiến sĩ chị mang từ Hà Nội lên đây, hóa cho người yêu cũ là do chính chồng chị đi mua. Chị kể, thời gian đầu chung sống, anh vẫn thầm ghen với người đã khuất, có khi còn nói dỗi "nếu anh ấy còn sống, chắc chẳng bao giờ em lấy anh". Nhưng sau này, được đọc lại những trang nhật ký của liệt sĩ Trần Trung Thực, hiểu tình yêu trong sáng đẹp đẽ của hai người, và bản thân cũng là người lính nên anh dần thấu hiểu và càng yêu chị hơn. Vì vậy năm nào đến tháng 7, trước khi lên Vị Xuyên, anh cũng giành "quyền" được đi đặt mua quần áo cho "người yêu cũ" của vợ.
Trong chuyến đi Hà Giang lần này, tôi ấn tượng mãi với cặp vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Văn Thi. Họ ríu rít sát cánh bên nhau suốt chuyến đi, và cùng hồi tưởng lại những năm tháng cách trở ấy. Chiến tranh thử thách tình yêu của họ, và giúp họ gắn bó bên nhau hạnh phúc đến tận bây giờ. Ngày ấy, hai anh chị "phải lòng nhau" từ khi học trường cấp 3 Yên Hòa, một người học lớp 12G, một người học lớp 12H. Tốt nghiệp năm 1982 thì anh được lệnh nhập ngũ. Chị bịn rịn chia tay người yêu, mòn mỏi chờ ngóng tin anh suốt bốn năm ròng. Cũng có người nói chị dại. Con gái có thì. Nhưng chị mặc kệ. Trái tim chị đã thuộc về anh. Năm 1986 anh trở về. Sự chờ đợi của chị đã được đền đáp bằng một đám cưới hạnh phúc. Ba mươi năm trôi qua, giờ nhìn lại, chị vẫn tự thấy mình may mắn vì có anh. Hai người đã lên chức ông bà nội, xưng hô với nhau bằng "ông - tôi, bà -tôi"; nhưng khi cùng nhắc lại những ký ức thuở đôi mươi, trong đôi mắt luống tuổi lại ánh lên những tia sáng lấp lánh. Chị vừa cười vừa kể: Ngày anh về, việc đầu tiên là chị thay toàn bộ dây rút quần của chồng thành dây chun. Ai lại mặc quần mà lùm lùm một đống dây rút ở bụng. Còn bộ tóc dài đến ngang vai thì thôi, khỏi phải nói trông kinh dị thế nào. Anh chồng ngồi bên thanh minh: Ngày ấy bộ đội có ba không: không cắt tóc, không cắt móng tay, không bắt tay và chào tạm biệt. Vì bộ đội cho đó là những việc đen đủi. Nhỡ miệng chào nhau có khi là chào luôn, không bao giờ gặp lại nữa. Ngày giỗ năm nào chị cũng đi theo anh, để tự tay thắp hương cho những đồng đội cũ của chồng. Những người lính đã nằm lại nơi miền biên heo hút, nhưng vẫn sống mãi trong lòng người còn sống.
Trong hành trình lên Vị Xuyên đúng vào dịp tri ân liệt sĩ, tôi còn gặp những người vợ, người mẹ của những người lính đến từ Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Yên Bái... Họ trầm lặng bước đi giữa hàng bia mộ, nước mắt âm thầm nhỏ xuống cho những người đàn ông không thể trở về. Những bước chân cố gượng nhẹ, để khỏi làm đau người đang nằm dưới đất sâu. Giữa khói hương trầm mặc, các cựu chiến binh vừa khóc vừa cất lên lời hát nghẹn ngào: "Về đây đồng đội ơi... Hà Giang đã ngưng chiến trận. Hãy về đồng đội ơi, còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau như nguyện ước chiến hào, được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình. Quân dân nồng ấm nghĩa tình... Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi. Về đây điếu thuốc lào, ấm trà chốt hồn nhiên nụ cười. Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hòa...". Tác giả của ca khúc là nhạc sĩ Trương Quý Hải - cựu chiến binh Sư đoàn 356. Giống như nhiều đồng đội khác, dù phải nhọc nhằn bươn chải mưu sinh, nhạc sĩ Trương Quý Hải vẫn đau đáu nỗi niềm nhớ về những người đồng đội cũ. Đến nay anh có gần 10 ca khúc viết cho đồng đội mình, đã được tập hợp trong CD Hát cho người còn sống,và anh được anh em trìu mến đặt cho cái tên "nhạc sĩ của sư đoàn".
Bâng khuâng đi giữa nghĩa trang Vị Xuyên, tôi tình cờ gặp anh Nguyễn Văn Vượng đang đứng lặng bên nấm mộ của em trai - liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh. Anh Vượng kể cho tôi nghe, gia đình anh có bảy người con, trong đó có ba anh em trai. Anh Vượng nhập ngũ năm 1974. Em trai anh, Nguyễn Văn Thịnh sinh năm 1962, nhập ngũ năm 1983 khi đang làm công nhân tại nhà máy rượu Hà Nội. Sang năm 1984, cậu em út là Nguyễn Văn Cường tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Đến ngày trở về, ba anh em chỉ còn lại hai. Nguyễn Văn Thịnh đã nằm lại với đất Vị Xuyên. Anh Vượng kể: Năm 1985, gia đình nhận được tin báo Nguyễn Văn Thịnh hy sinh. Qua hỏi thăm nhiều người, gia đình chỉ biết con em mình hy sinh khi đang chiến đấu, và đồng đội không tìm thấy xác. Vậy là ngày giỗ hằng năm, gia đình chỉ biết thắp nén hương vái vọng, cầu cho linh hồn con em mình được siêu thoát. Mãi gần đây, qua ban liên lạc cựu chiến binh Vị Xuyên tại Hà Nội, anh Vượng mới biết xác em mình hiện đang nằm tại nghĩa trang Vị Xuyên. Đằng đẵng suốt 30 năm sau ngày liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh hy sinh, người thân mới tìm được đến nơi, để thắp nén nhang tưởng nhớ.
Trước khi lên Vị Xuyên cùng các cựu chiến binh Sư đoàn 356, tôi đã tình cờ đọc được những dòng hồi ức của một người lính của đơn vị, anh Phạm Ngọc Quyền: "5h05 phút, pháo binh của ta chuyển hướng. Tất cả mặt trận lại rung chuyển dữ dội, những cột lửa cao như ngọn tre dựng đứng trên đỉnh E5 rồi nhanh chóng lan tỏa khắp chiến trường: suốt từ đỉnh 400 sang hướng 233 vòng về sau lưng chúng tôi là 772 rồi đổ ầm ầm lên 300-A5 -E3-E4-E1, thậm chí ngay cả E2 nơi chúng tôi đang chốt giữ thỉnh thoảng cũng có quả đạn rơi dưới chân của E2. Chúng tôi nhồi nhét trong hang mà tiếng đạn pháo nổ vang vọng đập vào thành đá như đang khoan vào tai chúng tôi, khiến tai ù đặc...".Lần tìm từ địa chỉ này, tôi gặp thêm được nhiều dòng hồi ức xúc động của cựu chiến binh từng tham chiến tại mặt trận biên giới phía bắc trong giai đoạn ác liệt nhất, từ năm 1982 - 1986 như Nguyễn Đình Thắng, y tá Đại đội 24, Trung đoàn 153, Sư đoàn 356 (biệt danh Thắng Còng); Nguyễn Ngọc Thạch, B trưởng B hỏa lực 12,7 ly đặt tại cao điểm 468 để bắn sang điểm cao 772 và 685 để hỗ trợ bộ binh của ta; Nguyễn Quốc Dũng - khẩu đội trưởng cối 160 đặt ở Nà Cáy... Họ đang viết lại những ký ức của mình và đồng đội một cách chân thật nhất, không phải để biểu dương thành tích hay đòi hỏi quyền lợi, mà chỉ với tâm nguyện lưu giữ lại ký ức của những năm tháng ấy chưa xa, để nhắc nhau sống sao cho xứng đáng với những người đồng đội đã nhường lại tuổi thanh xuân cho mình. Trở về từ cuộc chiến, họ sống đời bình dị. Để rồi hẹn nhau, tháng 7 hằng năm lại tề tựu về Vị Xuyên...

PHONG ĐIỆP/ Nhân Dân

5 nhận xét:

  1. Báo nhân dânnbaay giờ mới nhắc đến vị xuyên ư hơn 20 năm không ai nhắc đến rồi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bậy nài, anh Nặc.

      Xóa
    2. Bác nói bậy, nhưng không đưa ra bằng chứng thì không thuyết phục, bác Cựu ạ.
      Hay là bác trọng cung hơn trọng chứng ?

      Xóa
  2. TTXVN có nhắc, dẫn chứng này. https://encrypted-tbn2.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcRLVSz7wRvBmqIk26P2n_JjQ2wmOvZUsiRsfNh9KtL_mduLZIMnMQ

    Uy tín và tầm vóc của TTXVN chắc không cần nói nhỉ. Việt Nam không muốn nhắc nhiều vì không muốn tạo căng thẳng, gây bất lợi không cần thiết cho kinh tế xã hội Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  3. Rận trủ anh nào cũng ngu; Chỉ có ngu mới mần được rận trủlúc 16:18 27 tháng 7, 2015

    Anh rận ngu Nặc12:07 Ngày 27 tháng 07 năm 2015 viết:
    ====
    hơn 20 năm không ai nhắc đến rồi
    --------
    Chống mắt lên mà đọc:
    1Chuyện ít biết về mặt trận Vị Xuyên: Cuộc chiến khốc liệt
    Thứ Bảy, 26/07/2014 | 05:09 GMT+7
    http://vtc.vn/chuyen-it-biet-ve-mat-tran-vi-xuyen-cuoc-chien-khoc-liet.394.498289.htm

    2. 'Về đây đồng đội ơi' cất lên từ nỗi nhớ liệt sĩ Vị Xuyên
    11:23 1/8/2014
    http://video.vnexpress.net/nhac/ve-day-dong-doi-oi-cat-len-tu-noi-nho-liet-si-vi-xuyen-3025432.html

    3.Ký ức về cuộc chiến tranh biên giới 17/2/1979
    09:44 | 17/02/2015
    http://petrotimes.vn/ky-uc-ve-cuoc-chien-tranh-bien-gioi-1721979-160305.html

    4. Nằm lại Vị Xuyên trước lúc giao thừa
    Tuổi Trẻ - 17/02/2015 06:28
    http://www.baomoi.com/Nam-lai-Vi-Xuyen-truoc-luc-giao-thua/121/15982536.epi

    5. Báo Sài Gòn Tiếp Thị thăm, tặng quà bộ đội biên phòng
    SGTT - 16/02/2009 10:34
    Sáng nay 16.2, đoàn công tác báo Sài Gòn Tiếp Thị đến thăm đồn biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang.
    http://www.baomoi.com/Bao-Sai-Gon-Tiep-Thi-tham-tang-qua-bo-doi-bien-phong/144/2448946.epi

    6. Trao quà Tết tới đồng bào và chiến sĩ biên phòng tỉnh Hà Giang
    Nhân Dân - 29/12/2008 12:52
    ND - Nhân dịp đón năm mới 2009 và Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, trong hai ngày 25 và 26-12, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cơ quan Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân Dân và 14 chi đoàn Khối các cơ quan Trung ương đã đến thăm và tặng gần năm tấn quà cho thiếu nhi, gia đình nghèo và chiến sĩ biên phòng ở các huyện Mèo Vạc, Quản Bạ, Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
    http://www.baomoi.com/Trao-qua-Tet-toi-dong-bao-va-chien-si-bien-phong-tinh-Ha-Giang/122/2315821.epi

    7. Trận chiến bảo vệ biên giới Vị Xuyên: Bi thương - hào hùng
    11/07/2014 07:00 GMT+7
    http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20140711/tran-chien-bao-ve-bien-gioi-vi-xuyen-bi-thuong---hao-hung/620533.html

    8. Khắc khoải Vị Xuyên

    Đoàn Bộ Quốc phòng dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ
    Đoàn Bộ Quốc phòng dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ
    Cố tình lao lên cầu có biển cấm, xe tải bị mắc kẹt
    Đang lưu thông, xe máy bất ngờ cháy trơ khung
    3 mẹ con chết thảm trong trận mưa "khủng khiếp"
    Tưới xăng tự thiêu vì bị người yêu cự tuyệt
    24/07/2013 22:37

    Tháng 7-1984, chỉ trong một ngày, hơn 600 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 356 đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu ác liệt bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ quốc. 29 năm đã trôi qua song hài cốt hàng trăm liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy, để lại nỗi day dứt khôn nguôi cho đồng đội và thân nhân
    http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/khac-khoai-vi-xuyen-20130724102838357.htm

    Trả lờiXóa