Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Nhân ngày 27/7: NƠI RA ĐỜI CÂU NÓI "THƯƠNG BINH TÀN NHƯNG KHÔNG PHẾ"

Bác Hồ đến thăm, động viên anh em thương binh ở Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội
Sau hơn ba chục năm bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, cho đến ngày Tổng khởi nghĩa thành công, Bác Hồ từ chiến khu lần đầu tiên mới về tới Hà Nội. Đón Tết độc lập đầu tiên ấy, đêm giao thừa thì Bác “vi hành” đi thăm, chúc Tết các gia đình “khá”, gia đình “trung bình” và gia đình nghèo... Nhưng rồi kháng chiến trường kỳ với chiến thắng Điện Biên Phủ, kháng chiến chống Pháp thắng lợi, hòa bình lập lại trên miền Bắc, Bác Hồ từ chiến khu trở về sống và làm việc ở Hà Nội. Đón “Tết hoà bình” đầu tiên ấy, đêm giao thừa Bác Hồ chỉ đi thăm một nơi, đó là đến thăm anh chị em ở Trường Thương binh hỏng mắt ở Hà Nội.

Trường Thương binh hỏng mắt là ngôi trường được thành lập sau ngày đất nước có hoà bình, vào đúng ngày kỷ niệm lần thứ 65 Ngày sinh của Bác 19/5/1955. Trường được thành lập để đón nhận những anh chị em từ các chiến trường, trận địa... cảnh ngộ khác nhau về đây cùng sống, học tập. Đón giao thừa năm ấy, Nhà trường đã chuẩn bị để tổ chức một buổi họp mặt với tất cả các anh chị em học viên để đón Tết - mừng xuân, liên hoan văn nghệ và cùng chờ đón nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ qua làn sóng phát thanh lúc giao thừa. Đêm ấy, giữa lúc mọi người đang vui với các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” thì bỗng có tiếng một người nào đó vang lên: “Bác, Bác Hồ đến thăm anh em ơi!”. Thế là cả hội trường đang ồn ào sôi động bỗng trở nên im lặng, rồi dường như tất cả cùng vỗ tay như sấm dậy reo mừng. Mọi người, nhất là các đồng chí nữ xô ghế, tìm lối đi lên phía trước. Những tiếng hô: “Bác Hồ muôn năm!” như sóng trào lên không dứt...
Giữa không khí náo nhiệt, ồn ào ấy, anh thương binh hỏng mắt Hoàng Văn Vượng, một nghệ sĩ đàn vi-ô-lông trong Ban Văn nghệ của trường, bỗng nghe tiếng nói của Bác Hồ ấm áp bên cạnh:
- Thôi, thôi, các chú, các cô đừng hoan hô nữa! Các cô, các chú ngồi xuống cả đi...
Khi mọi người trong hội trường đã ngồi xuống, yên lặng, thì Bác bắt đầu hỏi thăm sức khỏe và việc chuẩn bị đón Tết của anh chị em thương binh: Tết này có bánh chưng không? Có kẹo, có mứt không? Việc học tập qua chữ nổi có khó lắm không?... Rồi bỗng Bác hỏi nhỏ một đồng chí:
- Các chú đã nhận được con cá trắm các cháu nhi đồng miền Nam tặng Bác chưa?
Một đồng chí trong Ban Giám hiệu nhà trường thưa với Bác là con cá trắm rất to ấy đã được làm thịt nấu ăn bữa chiều nay rất ngon và xin cảm ơn Bác.
Một nữ thương binh học viên đứng dậy xin phép Bác được phát biểu:
- Thưa Bác, hồi này Bác có khỏe không ạ?
Nghe vậy, Bác hiền từ hỏi lại:
- Thế các cô, các chú có muốn Bác khỏe không?
Mọi người đồng thanh: “Thưa Bác, có ạ !”. Bác lại nói tiếp:
- Thế thì các cô, các chú phải giữ gìn sức khỏe. Các cô, các chú tàn nhưng không phế...
Anh chị em thương binh đêm ấy nghe Bác nói những lời động viên, lời dạy đầy ân tình ấy của Bác, tất cả đều lặng đi, ai cũng ứa nước mắt sung sướng, xúc động...
Một thương binh đứng dậy, giọng ngắt quãng vì xúc động:
- Thưa Bác, chúng cháu được nghe Bác nói nhưng không nhìn... thấy Bác được. Bác cho phép cháu... nắm tay của Bác ạ...
Từ lúc nghe người học viên thương binh nói như vậy thì đôi mắt của Bác như nhoà đi... Rồi giọng Bác nhẹ nhàng, âu yếm:
- Thế các cô, các chú định giữ Bác ở lại đây đến hết giao thừa hay sao? Phải để cho Bác đi chúc Tết các nơi khác nữa chứ...
Sau khi chúc Tết anh chị em thương binh lần nữa, Bác bước nhanh đi ra. Lên xe, Bác nói ngay với đồng chí bảo vệ: “Về nhà thôi...”. Anh em biết Bác đang rất xúc động, nhìn thấy mắt Bác vẫn nhoè lệ nghẹn ngào... Đêm giao thừa năm ấy, Bác không đi thăm đâu nữa. Cũng từ lời Bác dặn đêm giao thừa ấy, không chỉ anh chị em thương binh hỏng mắt như được Bác đem lại ánh cuộc đời, mà từ ngày ấy anh chị em thương binh luôn thực hiện lời dạy của Bác: “Tàn nhưng không phế...”, sống học tập, lao động có ích tiếp tục góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét