Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Kỳ 7: Huỳnh Văn Nén và Kỳ án vườn điều: AI SAI?

LỜI DẪN: Ông Huỳnh Văn Nén sinh năm 1962, quê Cà Mau, thường trú tại thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân đã bị khởi tố vào ngày 15/5/1999 về tội Giết người và Cướp tài sản, bị bắt giam ngày 17/5/1998 do cơ quan điều tra xác định là nghi can duy nhất trong vụ bà Lê Thị Bông (ngụ cùng địa phương) bị hung thủ vào nhà dùng dây dù siết cổ đến chết và cướp 1 chỉ vàng vào đêm 23/4/1998. Trước khi ra tòa, ông Nén được cho là đã “lập công” khi thành khẩn khai đã cùng gia đình bên vợ giết bà Dương Thị Mỹ trong vụ án đã xảy ra từ 5 năm trước cũng tại xã Tân Minh. Đây là vụ án mà cơ quan điều tra bế tắc do không tìm ra thủ phạm. Từ lời khai được cho là của ông Nén, 9 người trong gia đình vợ ông, cả mẹ vợ và ông bị kết án oan.
Người tiên phong trong việc kêu oan cho Nén chính là ông Nguyễn Thận, lúc bấy giờ là chủ tịch UBND xã Tân Minh (nay là thị trấn Tân Minh). Ông Thận trước lúc làm chủ tịch UBND xã Tân Minh, ông đã nhiều năm làm trưởng công an xã, biết ít nhiều nghiệp vụ nên rất phân vân khi tại địa phương chỉ trong 5 năm xảy ra 2 vụ trọng án. Hơn nữa, khi công an khám nghiệm hiện trường, ông Thận đều có mặt nên rất băn khoăn trước những kết luận thiếu chứng cứ của cơ quan điều tra. Ông từng gặp gỡ, gửi gắm suy nghĩ đến nhiều cán bộ ở huyện, tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) tỉnh Bình Thuận nhưng không ai nghe. Ngay khi cả gia đình vợ ông Nén bị bắt giam, trong những lần họp HĐND huyện Hàm Tân và tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh cũng như Đoàn đại biểu QH tỉnh Bình Thuận, ông Thận đều đặt vấn đề xem xét lại cả 2 vụ án này, chứ không thể nghe vào lời nhận tội của ông Nén.
Chưa một nạn nhân oan sai nào ở Việt Nam có án oan chồng án oan với tội danh giết người kinh khủng như Huỳnh Văn Nén. “Vụ án vườn điều” liên quan đến cái chết của bà Dương Thị Mỹ chấn động dư luận vì một gia đình 7 người vào tù oan, sai, trong đó có Huỳnh Văn Nén. Những tù nhân đó được giải oan và được tự do, nhưng Huỳnh Văn Nén vẫn tiếp tục ở tù vì tội giết bà Lê Thị Bông.
17 năm tù tội, vợ con, gia đình tan nát theo án oan của Huỳnh Văn Nén. Ngần ấy năm người cha già của Huỳnh Văn Nén bán hết tài sản, ruộng vườn lặn lội kêu oan cho con. Ông Nén không thể tự dưng nhận tội giết người, mà bị bức cung, nhục hình đến mức không thể chịu đựng được. Những điều đó Huỳnh Văn Nén đã từng khai trước tòa, nhưng những người cầm cân nảy mực ở Bình Thuận này lại quá lạnh lùng trước những quyết định đến mạng sống của người khác….
Một số anh chị dzân trủ những ngày này đang mở loa hết công suất bu theo vụ án oan Huỳnh Văn Nén. Họ lu loa rằng án oan là tất yếu ở một nước Cộng sản như Việt Nam. Và họ quên rằng ở xứ “thiên đường” Hoa Kỳ hay ở Nhật Bản mới có những kỷ lục án oan. Xin hãy xem trên Google.tienlang, tại bài  NHỮNG VỤ ÁN OAN KỶ LỤC THẾ GIỚI, hoặc bài KỶ LỤC ÁN OAN MỸ: ĐƯỢC TRẮNG ÁN SAU 39 NĂM NGỒI TÙ.
Nhưng, kệ họ, Việt Nam chúng ta không ham hố giật giải vô địch về án oan như ở Nhật Bản hay ở Hoa Kỳ. Người Việt ta có câu “Một ngày ở tù bằng cả nghìn năm ở ngoài”. Do vậy, 17 năm tù oan với ông Huỳnh Văn Nén quả là vô cùng kinh khủng với người Việt ta.
Google.tienlang xin đăng tải loạt bài liên quan đến ông Huỳnh Văn Nén với hy vọng các cán bộ ở các cơ quan tiến hành tố tụng soi vào mà tránh, đừng để nền Tư pháp nước nhà lặp lại nhưng trang lịch sử đau buồn này.
Mở đầu, chúng tôi đăng 8 kỳ về Kỳ án Vườn điều; tiếp theo sẽ là 7 kỳ về vụ án “giết” bà Bông.
 ********************************

Kỳ án vườn điều: Kỳ 7: Ai sai?
Các bị cáo đồng loạt tố cáo bị cán bộ điều tra bức cung. Cán bộ điều tra thì tố cáo các luật sư bảo vệ bị cáo đã xúc phạm. Sự thật như thế nào?


Bị cáo tố cán bộ điều tra
Sau khi có 3 bản kết luận điều tra bổ sung, từ ngày 27-7 đến ngày 6-8-2004, TAND tỉnh Bình Thuận mở phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án vườn điều.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần này, bị cáo Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thị Lâm, người liên quan Trần Thanh Vân khai rằng: Những lời khai trước đó là do điều tra viên (ĐTV) Cao Văn Hùng mớm cung, dùng nhục hình buộc họ phải khai theo lời khai của ĐTV này.
ĐTV Cao Văn Hùng bác bỏ hoàn toàn lời khai của các bị cáo. Ông Hùng giải trình như sau:
Thứ nhất: Nếu bịa đặt ra vụ việc để buộc cả một gia đình vào tù nhằm mục đích lập công, để được cấp trên khen thưởng, thì theo quy định của ngành chỉ được cấp một bằng khen cộng với khoản tiền thưởng 50.000 đồng, đây là việc quá nhỏ để làm một việc bất nhân, thất đức như vậy.
Điều tra viên Cao Văn Hùng
Thứ hai: Nếu là vì vụ lợi, vì tiền cũng không có, vì gia đình nạn nhân là một gia đình quá nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, các con của nạn nhân đều thất học thì làm gì có tiền mà lo lót.
Thứ ba: Nếu là vì tư thù cá nhân lại càng không. Trước đây, ông Hùng cùng một số ĐTV PC16 khi xuống địa bàn điều tra thường ghé vào nhà bị cáo Nguyễn Thị Lâm ăn nghỉ. Chính Nguyễn Thị Lâm và Nguyễn Thị Nhung (vợ Sáng) còn nấu cơm cho các ĐTV ăn thì không có lí do gì lại căm thù họ để dựng chuyện bắt họ vào tù.
Tại phiên tòa này, HĐXX cho phát lại đoạn băng ghi hình lời khai của Nguyễn Thị Lâm và Trần Thanh Vân để làm tài liệu tham khảo thì Nguyễn Thị Lâm cho rằng có việc thu băng hình, thì khai như vậy nhưng có ông Cao Văn Hùng đứng đằng sau nhắc cho Lâm khai.
Vấn đề tang vật, luật sư cho rằng tang vật vụ án này là tang vật giả, không phải là con dao phay mà chỉ là miếng sắt gỉ. Mẫu vật này được gửi đi giám định, ngày 26-6-2002 tại Công văn số 29, Đại tá Phạm Ngọc Hiền, Phó Viện trưởng Viện Kĩ thuật hình sự kiêm Phân Viện trưởng Viện Khoa học hình sự Bộ CA trả lời: Về mức độ sét gỉ tan rã của con dao phay và mức độ phân hủy của chất liệu giấy xi măng chôn ở độ sâu ẩm ướt, hiện nay chưa có tài liệu khoa học nào đề cập và chưa có tác giả nào nghiên cứu. Do đó, không trả lời được.
TAND tỉnh Bình Thuận vẫn tuyên bố: Các bị cáo Nguyễn Thị Lâm, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Tiền, Nguyễn Thị Tiến, Huỳnh Văn Nén phạm tội: “Giết người”.

Cán bộ điều tra tố... luật sư
Ngày 5-8-2004, nguyên điều tra viên Cao Văn Hùng đã tố cáo các luật sư có hành vi phạm tội vu khống và làm nhục người khác. Trong đơn tố cáo dày 6 trang A4, ông Cao Văn Hùng đã viết: “Trong thời gian diễn ra phiên tòa, 3 luật sư Phạm Hồng Hải, Trần Vũ Hải, Bùi Đức Trường liên tục có những lời lẽ, cử chỉ, hành động làm nhục, đồng thời tố cáo cá nhân tôi thực hiện hành vi “Làm sai lệch hồ sơ vụ án” và họ đã có đơn đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận khởi tố vụ án đối với cá nhân tôi…”.
Ông Cao Văn Hùng khẳng định: “8 vấn đề mà luật sư dùng làm căn cứ buộc tội tôi là không đúng sự thật. Nhưng do muốn che giấu tội lỗi cho thân chủ của mình, các luật sư đã lợi dụng những thiếu sót về thủ tục tố tụng rồi phân tích, đánh giá không khách quan về vụ án, qua đó các luật sư cố tình tung ra tài liệu, chứng cứ không đúng sự thật, rồi gán ghép cho tôi thực hiện hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án và đề nghị khởi tố tôi… trong lúc phiên tòa chưa kết thúc và cũng chưa có một kết luận chính thức nào của cơ quan chức năng”. Trong đơn, ông Cao Văn Hùng còn tố cáo các luật sư “xúc phạm đời tư của nhiều nhân chứng khác, xúc phạm đến các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận”.
Ông Hùng cho rằng các hành vi của 3 luật sư trên đã gây ra dư luận cực kì xấu xa về ông, làm cho vợ con ông rất hoang mang lo sợ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và tinh thần của ông và gia đình. Con cái ông đến trường bị bạn bè xa lánh, vợ ông bị nhiều người nói mỉa mai, khinh miệt… cá nhân ông đi ra đường bị nhiều người xôn xao, bàn tán, gây nhiều khó khăn trong đi lại làm ăn.
Ông Hùng cảm thấy lòng tự trọng, uy tín danh dự nhân phẩm của ông đã bị xâm phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống, hành hạ tinh thần cho gia đình và cá nhân ông trước mắt cũng như lâu dài.
Từ những viện dẫn nêu trên, ông Cao Văn Hùng đã đề nghị cơ quan tố tụng Bình Thuận xem xét khởi tố về hành vi vu khống và làm nhục người khác của các luật sư… buộc bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần cho gia đình ông.
Tại phiên tòa, trong phần tranh tụng, đại diện viện kiểm sát đã nêu ra những sai phạm của các luật sư tham gia bào chữa. Theo VKS, các luật sư đã sử dụng những ngôn từ gây sốc, có tính chất mỉa mai, thách đố, có ý đồ kích động, thậm chí là quảng cáo “thương hiệu” như đưa ra các thông tin từng bào chữa cho Phạm Sỹ Chiến trong vụ án Năm Cam.
Đại diện VKS cũng cho rằng luật sư đã vi phạm quy tắc về đạo đức nghề nghiệp trong ứng xử, không tuân thủ sự điều hành của chủ tọa phiên toà, thể hiện ở chỗ, có lần phát biểu cắt ngang lời đại diện VKS và không chịu ngồi xuống khi chủ tọa yêu cầu.
Đại diện VKS cũng khẳng định, luật sư đã xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của nguyên ĐTV Cao Văn Hùng, khi cho rằng Cao Văn Hùng là một ĐTV yếu năng lực, kém đạo đức nhưng cực kì thủ đoạn và gian manh.
Thế nhưng, khi các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh đơn thư tố cáo, cùng với thực tế diễn biến vụ án sau đó đã chứng minh rằng các luật sư không sai.
Quang Thu - Quang Khởi/ Báo Pháp luật & Xã hội

 ====================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét